Trong bài trước chúng ta đã đề cập đến các bước để nhận định một khu đất tốt, trong đó yếu tố được đề cao là Long mạch. Trong bài này, chúng ta sẽ tiếp tục giới thiệu đến độc giả chia sẻ của chuyên gia về các bước ứng xử với lô đất đã có.
Phân chia theo từng khu vực ứng với chức năng công trình hợp phong thủy
Có những khu đất chỉ xây nhà ở thị vượng, chứ xây văn phòng lại không phát. Có những khu đất chỉ có thể dùng để đặt hệ thống nhà máy, nhà xưởng, chứ không thể mang ra làm khu đô thị. Hay có khu đất chỉ để làm công trình siêu thị và trung tâm thương mại, nhưng không thể làm khách sạn…
Việc chọn được khu vực và vị trí đặt các công trình theo chức năng gần như gọi là điểm huyệt và các công trình xây ở các vị trí khác nhau sẽ có giá trị, ý nghĩa khác nhau về việc chấn phong thủy.
Chọn hướng cho từng công trình khi đã có vị trí
Sau khi chọn được vị trí để xây dựng công trình, tiếp đến mới chọn ra các hướng cho công trình, sau nữa mới thiết kế hệ thống đường giao thông. Điều này ứng với phong thủy có câu: “Nhất vị, nhị hướng”, tức là tìm vị trí trước, sau đó mới đặt hướng.
Nhiều người khi xem phong thủy mới chỉ quan tâm đến hướng nhà là hướng gì, hợp hướng tuổi gia chủ hoặc chủ sở hữu nó thì bảo tốt, không hợp thì cho rằng không tốt. Tuy nhiên, theo kiến trúc sư, chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông, xem như vậy là cách xem ngược, thuộc về phong thủy sơ đẳng là Bát trạch.
Quá trình làm dự án
Khi đã chọn được vị trí và hướng theo địa lý, lúc này, phần bên trong công trình là do sắp đặt theo phong thủy. Tức là khi thiết kế công trình, kiến trúc sư phải đặt cửa chính theo vị trí của thầy phong thủy: Với từng thế nhà, thì cửa chính ở giữa (chính môn), hay ở bên trái (từ trong nhà nhìn ra) gọi là tả môn, từ bên phải gọi là hữu môn.
Với công trình trong khu đất lớn, còn phải tính tới vị trí cổng nằm đâu, công trình đó có mấy cửa và cổng ra vào. Bởi lộc muốn vào nhà phải qua cổng và cửa chính. Một công trình có địa lý tốt, nhưng cửa chính và cổng không được vị trí tốt về tài lộc thì cũng rất hãm.
Thầy phong thủy phân chia ra các khu vực tốt xấu để kiến trúc sư lên ý tưởng công năng công trình từng mặt bằng các tầng gồm: Khu vực đặt cầu thang, không gian làm việc, giường ngủ, vệ sinh, hành lang, và các phòng… Sau khi kiến trúc sư hoàn thành ý tưởng thiết kế, thầy phong thủy sẽ đặt các mặt bằng công trình vào đồ hình phong thủy tính toán kiểm tra đã chuẩn chưa. Từ đó, cùng nhau căn chỉnh, co kéo các khu chức năng sao cho tốt nhất theo phong thủy của 8 hướng, 24 sơn và 72 long.
Sự căn chỉnh mặt bằng đó phải thỏa mãn về mặt kiến trúc công năng sử dụng thật hợp lý, chứ không phải vì phong thủy, mà công năng sử dụng lại bất tiện. Tuy nhiên, nếu không có phong thủy can dự vào thì công năng kiến trúc sử dụng sẽ đạt 100% theo ý chủ đầu tư, nhưng khi làm theo phong thủy, mà công năng sử dụng của kiến trúc đạt trên 95% cũng là quá tốt.
Do đó, theo chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, nếu một kiến trúc sư giỏi, khi thiết kế nhà kết hợp ăn ý với một bậc thầy về phong thủy sẽ là điều rất tuyệt vời. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu mỗi người đều có ý riêng và cái tôi của mình, thì để công trình đạt sự hòa hợp cao về kiến trúc phong thủy là không hề dễ dàng.
Sau khi hoàn chỉnh công năng của công trình theo địa lý phong thủy, lúc này, kiến trúc sư sẽ lên ý tưởng, phối cảnh công trình theo mục đích, ý tưởng và yêu cầu của chủ đầu tư. Thầy phong thủy sẽ tham vấn lại, xem với công trình như thế đã phù hợp với phong thủy, đã tốt theo bản mệnh của chủ đầu tư chưa…
Căn cứ vào địa thế và hình khối công trình, cũng như các vị trí cổng và cửa chính, lúc này thầy phong thủy sẽ chỉ định từng khu vực nào đặt non bộ, đắp đồi - tức dùng Thổ để trấn; khu vực nào nên đào hồ, ao, đặt đài phun nước - tức dùng Thủy trấn; khu cực nào nên trồng cây to lớn; khu vực nào dùng cây thấp và loại cây gì - gọi là dùng Mộc để trấn; khu vực nào nên đặt lò hóa vàng (với khu chung cư), tức dùng Hỏa để trấn; khu vức nào dùng Kim để trấn, bằng các con linh vật, bằng kim loại, thậm chí là một cột điện bằng sắt lớn cũng có thể coi là kim trấn. Có nhiều thầy còn dùng kim chỉ ngũ sắc hay các loại tiền xu… để dùng với mục đích Kim trấn.
Trên đây là toàn bộ các bước hay lộ trình từ việc chọn đất, cho đến quy hoạch thiết kế án ngữ hay sắp đặt một dự án theo địa lý phong thủy. Xét theo một khía cạnh nào đó, kiến trúc và phong thủy đều giống nhau ở một điểm là sắp đặt không gian sử dụng của một công trình được hợp lý nhất, tốt nhất. Do đó, kiến trúc phong thủy không thể tách rời hay loại bỏ nhau được, mà luôn song hành cùng nhau.