Đất vàng 8-12 Lê Duẩn lọt vào tay tư nhân như thế nào?

02/01/2020 07:42

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố ông Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) và 4 đồng phạm vì những sai phạm liên quan đến khu đất vàng số 8-12 Lê Duẩn.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố ông Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) và 4 đồng phạm vì những sai phạm liên quan đến khu đất vàng số 8-12 Lê Duẩn.

Đất vàng 8-12 Lê Duẩn lọt vào tay tư nhân như thế nào? - Ảnh 1.

Khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn nay là bãi giữ xe - Ảnh: Tuổi Trẻ

Khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn có tổng diện tích 4.896,3m2, gồm 2 khu đất tại số 8 và số 12 Lê Duẩn, được xác lập sở hữu Nhà nước vào năm 1994 và giao Công ty Quản lý kinh doanh nhà ký hợp đồng cho 4 công ty Kim khí, Hóa chất vật liệu điện, Thiết bị phụ tùng và Vitaco thuê đất, trả tiền thuê hằng năm.

Liên kết thành lập pháp nhân để "lách luật"

Năm 2008, UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi nhà đất số 8-12 Lê Duẩn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn cao cấp.

Công ty Quản lý kinh doanh nhà đã có công văn đề nghị 4 công ty trên di dời, bàn giao mặt bằng nhưng 4 công ty này không chịu di dời, nợ tiền thuê nhà và có nhiều văn bản kiến nghị UBND TP, Thành ủy TP, Bộ Công thương đề nghị được tạo điều kiện mua chỉ định hoặc tham gia thực hiện dự án tại số 8-12 Lê Duẩn.

Căn cứ các kiến nghị trên, Bộ Công thương đã có nhiều văn bản đề nghị Ban chỉ đạo 09, UBND TP.HCM xem xét giải quyết để 4 công ty được tiếp tục quản lý, sử dụng khu đất nhưng không được UBND TP chấp thuận.

Ngày 6-10-2009, ông Nguyễn Thành Tài - phó chủ tịch thường trực UBNDTP - ký công văn chấp thuận chủ trương cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà làm chủ đầu tư dự án và liên doanh, liên kết với 4 công ty đang thuê tại số 8-12 Lê Duẩn.

Trong đó, Công ty Quản lý kinh doanh nhà góp 50% vốn điều lệ, 4 công ty còn lại góp 50%, Công ty Quản lý kinh doanh nhà đứng tên thuê đất với Nhà nước theo cơ chế giá thị trường.

Ngay sau đó, Công ty Quản lý kinh doanh nhà có công văn gửi UBND TP đề xuất cho hình thành pháp nhân mới (sau này là Công ty Lavenue) theo hình thức công ty cổ phần, gồm Công ty Quản lý kinh doanh nhà và 4 công ty đang thuê, đồng thời đề xuất chấp thuận cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà được huy động thêm nguồn vốn khác để triển khai thực hiện dự án thì được UBND TP chấp thuận.

Lợi dụng mối quan hệ tình cảm từ trước với ông Nguyễn Thành Tài, bà Lê Thị Thanh Thúy - chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Tháng Năm - có văn bản gửi Công ty Quản lý kinh doanh nhà, xin được tham gia dự án.

Sau đó, Công ty Quản lý kinh doanh đề nghị UBND TP chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm được tham gia đầu tư góp vốn 30% trong tỉ lệ góp vốn 50% của Công ty Quản lý kinh doanh nhà trong dự án nêu trên.

Mặc dù nhận thức được việc chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia góp 30% cổ phần tại Công ty Lavenue không đúng quy định, nhưng ông Nguyễn Thành Tài vẫn chấp thuận.

Theo đó, Công ty Lavenue có tỉ lệ sở hữu cổ phần từ Công ty Quản lý kinh doanh nhà 20%, Công ty Hoa Tháng Năm 30%, 4 công ty còn lại 50%.

Tuy nhiên, ngay sau khi được chấp thuận chủ trương cho thành lập pháp nhân mới, 4 công ty này đã ký thỏa thuận nguyên tắc với Công ty Kinh Đô để vay số tiền 12,5 tỉ đồng/mỗi công ty. Sau đó dùng số tiền này để góp vốn thành lập Công ty Lavenue, tương đương mỗi công ty nắm giữ 12,5% vốn điều lệ.

Sau đó, nhóm 4 công ty ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Lavenue cho Công ty Kinh Đô với giá 62,5 tỉ đồng/1 công ty. Sau khi trả khoản nợ vay trước đó để góp vốn vào Công ty Lavenue, nhóm 4 công ty này thu lợi nhuận 50 tỉ/1 công ty.

Như vậy, công ty Lavenue có tỷ lệ sở hữu cổ phần của Công ty Quản lý kinh doanh nhà 20%, Công ty Kinh Đô 50%, Công ty Hoa Tháng Năm 30%.

Giao, cho thuê đất trái quy định

Sau khi thành lập, Công ty Lavenue có văn bản gửi Thường trực UBND TP.HCM, giám đốc Sở Tài chính, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường đề xuất cho áp dụng 2 hình thức cho thuê đất và giao đất khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất số 8-12 Lê Duẩn.

Cụ thể, với số 8 Lê Duẩn, Công ty Lavenue nộp tiền sử dụng đất một lần theo cơ chế giá thị trường và giao khu đất này cho công ty.

Với khu đất 12 Lê Duẩn, Công ty Lavenue thuê đất 50 năm và nộp tiền sử dụng đất hằng năm theo cơ chế giá thị trường được xác định trên cơ sở đơn giá thuê ổn định 5 năm kể từ ngày Sở Tài chính có văn bản báo giá.

Ngày 14-6-2011, ông Nguyễn Thành Tài ký ban hành quyết định về việc thuận cho Công ty Lavenue sử dụng 4.896,3m2 đất tại số 8-12 Lê Duẩn để đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất 50 năm.

Hình thức sử dụng đất là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với khu đất số 8 Lê Duẩn và Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hằng năm đối với khu đất 12 Lê Duẩn.

Cơ quan điều tra xác định việc quyết định giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định tại số 8-12 Lê Duẩn cho Công ty Lavenue là không đúng đối tượng, trái quyết định 09 và quyết định 140.

Đồng thời việc chấp thuận áp dụng 2 hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng 1 dự án là trái quy định tại nghị định 121/2010/NĐ-CP.

Kết luận điều tra, xác định trong vụ án, số tiền thiệt hại tối thiểu 2.047 tỉ, trong đó thiệt hại công trình trên đất số 12 Lê Duẩn 5 tỉ, thiệt hại từ việc cho Công ty Lavenue tham gia dự án 120 tỉ, Nhà nước bị thất thoát lãng phí 1.922 tỉ.

TUYẾT MAI - Theo tuoitre.vn
https://tuoitre.vn/dat-vang-8-12-le-duan-lot-vao-tay-tu-nhan-nhu-the-nao-20200101153228487.htm?fbclid=IwAR2Osr4PT3LTc8jyPkes5E-vP5abP21N2IDShrlID7q3pc84q3tUZoIDgW8

Bạn đang đọc bài viết "Đất vàng 8-12 Lê Duẩn lọt vào tay tư nhân như thế nào?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.