“Đất vàng” 69 Nguyễn Du về tay Khoáng sản Hợp Thành như thế nào?

09/08/2020 16:30

Ngày 6/8, Thanh tra Chính phủ đã ra kết luận thanh tra việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Ngày 6/8, Thanh tra Chính phủ đã ra kết luận thanh tra việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Theo TTXVN, cơ sở nhà, đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội có diện tích nhà 655,6m2; diện tích đất 596,7m2.Trước khi Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) mua theo chỉ định, cơ sở nhà, đất tại số 69 Nguyễn Du là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước do Công ty Quản lý và Phát triển nhà thuộc Sở Xây dựng Hà Nội quản lý.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã thuê làm văn phòng làm việc đến đầu năm 2008.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, ngày 6/10/2008, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 1665/TTg-KTN cho phép UBND TP. Hà Nội bán cơ sở nhà, đất tại số 69 Nguyễn Du cho PVC (thuộc PVN) để đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của PVC phù hợp với quy hoạch của TP. Hà Nội.

Tháng 8/2009, UBND TP. Hà Nội có văn bản xác định giá bán tài sản trên đất, giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại số 69 Nguyễn Du hơn 39,8 tỷ đồng.

Sau khi PVC nộp tiền, ngày 17/11/2009, UBND TP. Hà Nội có quyết định thu hồi đất tại số 69 Nguyễn Du giao cho PVC.

Sau đó, PVC tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất cơ sở 69 Nguyễn Du. Ngày 31/12/2009, PVC ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành với giá hơn 95, 9 tỷ đồng.

Ngày 20/4/2016, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 1860/QĐ-UBND thu hồi đất tại số 69 Nguyễn Du giao Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành để cải tạo xây dựng Tòa nhà văn phòng 69 Nguyễn Du.

"Đất vàng" 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Ảnh: Internet.

Kiến nghị thu hồi

Theo kết luận thanh tra, việc PVC, PVN, UBND TP. Hà Nội có văn bản gửi Bộ Tài chính trình Phó Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP. Hà Nội bán chỉ định cơ sở nhà, đất tại số 69 Nguyễn Du cho PVC (đơn vị đang thuê) để xây dựng trụ sở làm việc là không đúng thực tế.

Sau khi mua, PVC không tiến hành đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mà đề xuất và được PVN đồng ý thông qua chủ trương cho phép PVC chuyển nhượng cơ sở nhà đất trên.

Sau đó, PVC thuê Công ty cổ phần Sông Đà Toàn Cầu tư vấn đấu giá, phê duyệt giá khởi điểm và ủy quyền cho Công ty tư vấn bán đấu giá trong khi UBND thành phố Hà Nội chưa có quyết định giao đất cho PVC là không đúng quy định của pháp luật về đất đai và đấu giá.

Tháng 12/2009, PVC ký hợp đồng (không số) chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành.

Khi tổ chức đấu giá, công nhận kết quả trúng đấu giá, PVC chưa được UBND thành phố Hà Nội giao đất, vì vậy việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng như trên là không có cơ sở pháp lý, sai quy định Luật Đất đai 2003, Nghị định 05/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.

Thanh tra Chính phủ khẳng định trách nhiệm thuộc về PVC, PVN, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Tài chính và cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 69 Nguyễn Du.

Từ đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội phối hợp với PVN rà soát để thu hồi và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thu hồi cơ sở nhà đất này.

Đến 31/10, nếu chưa thực hiện được việc thu hồi thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại gia Khoáng sản Hợp Thành “khủng” thế nào?

Hiện khu đất vàng 69 Nguyễn Du đang được sử dụng như bãi đỗ xe, có lán che riêng. Trong khi đó, tấm biển quảng bá dự án Tòa nhà văn phòng 69 Nguyễn Du đang được che bạt, cũ kỹ phai màu vì thời gian.

Về phía chủ đầu tư, bên cạnh những lùm xùm liên quan đến việc thâu tóm đất vàng từ tay PVC, Khoáng sản Hợp Thành còn nổi danh là "cá mập" với những vụ thâu tóm, sát nhập, trong đó nổi bật nhất có thể kể đến là thương vụ “nuốt” 86% vốn của Cảng Quy Nhơn với giá bèo bọt, khiến nhiều cán bộ bị kỷ luật.

Theo báo Xây dựng, Khoáng sản Hợp Thành do ông Lê Hồng Thái thành lập năm 2007 và nhanh chóng phát triển trở thành một tập đoàn đa ngành với quy mô rất lớn. Sau 6 năm hoạt động, Khoáng sản Hợp Thành có tổng tài sản 2.733,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 460 tỷ đồng, nắm trong tay một loạt công ty con như Công ty Gang thép Hà Tĩnh, Công ty Sắt Vũ Quang, Công ty Hoá Cốc Hà Tĩnh, Công ty Khoáng sản Vạn Lợi Quảng Ngãi, Công ty sản xuất Sô Đa Chu Lai, Công ty Khoáng sản Miền Trung...

Khoáng sản Hợp Thành cũng bắt đầu lấn sân vào hàng loạt dự án bất động sản với hàng loạt dự án lớn. Bên cạnh dự án 69 Nguyễn Du, doanh nghiệp này cũng là chủ đầu tư của các dự án Tòa nhà văn phòng Mitec tại Cầu Giấy – Hà Nội; chung cư Diamond Tower – HH3 Nam An Khánh; tòa nhà số 2 Lê Văn Lương, dự án khách sạn SeaDragon tại Quảng Ninh…

Vụ chuyển nhượng tại khu đất 69 Nguyễn Du này đang bị Thanh tra Chính phủ đưa vào tầm ngắm vì không chấp hành pháp luật khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên mảnh đất này.

Năm 2011, Khoáng sản Hợp Thành là 1 trong 5 chủ đầu tư thứ cấp mua 46,8ha tại dự án Vincom Village với giá trị 770 triệu USD (Khoáng sản Hợp Thành mua 30 triệu USD).

Sau đó, doanh nghiệp này tiếp tục gây chú ý bằng việc mua 24,27% cổ phần cảng Vinalines Đình Vũ hay thương vụ “sang tay” Khách sạn Deawoo đình đám.

Những năm gần đây, nhiều dự án của Khoáng sản Hợp Thành hay của các công ty con bị rơi vào tình trạng đắp chiếu, bị thu hồi như: Thép Vạn Lợi, nhà máy tuyển quặng ở Quảng Ngãi, dự án tuyển quặng sắt của Công ty Cổ phần Khoáng sản Miền Trung...

P.V (tổng hợp) - Theo MT&ĐT

Link gốc

 

Bạn đang đọc bài viết "“Đất vàng” 69 Nguyễn Du về tay Khoáng sản Hợp Thành như thế nào?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.