Phản ánh tới Reatimes, cư dân chung cư Rubyland, còn gọi là chung cư Tân Hồng Ngọc (số 4 Lê Quát, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết, chung cư Rubyland được cấp phép xây dựng cuối năm 2005. Chung cư này được hoàn thiện, đưa vào khai thác năm 2009 với thiết kế xây dựng cao 18 tầng với 280 căn hộ.
Năm 2009, nhiều người dân ký hợp đồng mua bán căn hộ "khu căn hộ cao cấp Tân Hoàng Ngọc" do Công ty Tân Hoàng Thắng làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã tự ý lấy phần đất xây dựng công viên cây xanh để “biến tấu” xây dựng trái phép Trung tâm thể dục thể thao (Ruby Sport) với 4 tầng lầu để kinh doanh, cho thuê.
Ngoài ra, đất xây dựng trung tâm thương mại thì “mọc” lên một trường mầm non không theo tiêu chuẩn của ngành giáo dục đối với một trường dành cho nhà trẻ, trường học. Không dừng tại đây, chủ đầu tư còn tiến hành xây dựng không phép trường tiểu học (Ruby School) quy mô 5 tầng trên diện tích 1.094m2.
Cũng trong năm 2009 và năm 2010, Công ty Tân Hoàng Thắng còn “âm thầm” ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (gọi tắt là SCB) – Chi nhánh Gia Định. Trong đó, tài sản bảo đảm có tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là dự án Rubyland (bao gồm 280 căn hộ thường, 8 căn penthouse, trung tâm thương mại, trung tâm thể dục thể thao và trường học).
Đến năm 2014, do không thể thanh toán đầy đủ nợ gốc và lãi cho SCB, nên SCB đã khởi kiện Công ty Tân Hoàng Thắng ra TAND quận Tân Bình về việc công ty vi phạm hợp đồng tín dụng và yêu cầu xử lý toàn bộ dự án Rubyland để thu hồi nợ.
Cụ thể, theo đơn khởi kiện của Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Công ty Quản lý tài sản - VAMC) được SCB uỷ quyền buộc Công ty Tân Hoàng Thắng phải thanh toán số tiền hơn 250 tỷ đồng cả gốc và lãi cho SCB.
Trong thời gian này, cư dân Rubyland đã làm đơn tố cáo, khiếu nại lên UBND TP.HCM và nhiều lần đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ. Tuy nhiên, suốt gần 10 năm trôi qua, các hộ dân ở chung cư này vẫn chưa có sổ đỏ như cam kết trong hợp đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến việc cư dân không được cấp sổ chủ yếu là việc chủ đầu tư Công ty Tân Hoàng Thắng đã mang sổ “cái” đi thế chấp ở ngân hàng.
Đáng chú ý, cư dân cũng cho rằng, phía ngân hàng có lỗi rất lớn trong vụ việc này. "Cái mà ngân hàng cầm cố là giấy chủ quyền đất và tài sản hình thành trong tương lai. Còn căn hộ là tài sản đã hình thành, người dân mua bán sòng phẳng với chủ đầu tư và đang sử dụng, nên ngân hàng không thể siết mà chỉ có thể đòi nợ chủ đầu tư mà thôi. Lỗi không phải của người mua sao bắt chúng tôi phải chờ đợi", một số cư dân cho biết.
Bên cạnh đó, việc chưa có sổ hồng làm nhiều cư dân ở đây gặp khó khăn khi có nhu cầu thế chấp căn hộ vay tiền làm ăn, việc bán hoặc chuyển nhượng căn hộ với giá rẻ cũng bị người mua chê vì chưa có sổ.
Trao đổi với Reatimes, Luật Sư Trần Minh Cường - Giám đốc điều hành Công ty Luật Solution & Partners cho rằng, tài sản đã bán cho khách hàng (ký hợp đồng mua bán và bàn giao) mà vẫn mang đi thế chấp (lấy thêm 1 khoản tiền từ ngân hàng trên tài sản đã bán), tức là nhận 2 lần tiền trên cùng 1 tài sản là hành vi có dấu hiệu hình sự liên quan hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mặt khác, theo các chuyên gia, về phía ngân hàng cũng cần làm rõ có hay không sự móc ngoặc của bộ phận thẩm định tài sản trong quá trình cho vay. Thông tin sẽ được Reatimes phản ánh trong các bài tiếp theo.