Bộ Xây dựng: Căn hộ 25 triệu đồng/m2 'mất tích', giá đất nền vùng ven tăng nóng
Theo Bộ Xây dựng, trong quý I/2022, các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm Hà Nội, còn tại TP. HCM tương đối hiếm dự án có giá dưới 30 triệu đồng/m2...
Trong khi đó, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền có biên độ tăng cao hơn so với căn hộ chung cư (bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý trước); sang cuối tháng 3/2022 tại một số địa phương, các vùng ven Hà Nội, TP.HCM, tại các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Đồng Nai… lại có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh, một số nơi mức giá tăng 15 – 20% so với cuối năm 2021. (Xem chi tiết)
Khu Liên hợp thể thao Quốc gia nợ hơn 830 tỷ đồng thuế đất
Cục Thuế Hà Nội vừa công khai nợ thuế lần đầu đối với 1.019 người nộp thuế có số nợ thuế, phí, nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất lên đến 1.421 tỷ đồng.
Đứng đầu danh sách này là Khu Liên hợp thể thao quốc gia nợ số tiền “khủng” là 832,6 tỷ đồng. Ngoài ra, các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng bị “bêu tên” nợ thuế hàng trăm tỷ. (Xem chi tiết)
Dự án khu đô thị nghìn tỷ ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị 'khai tử' vì chậm triển khai
Do chậm triển khai nhiều năm, nên dự án khu đô thị mới Nam Quốc lộ 51 tại TP Bà Rịa do Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm chủ đầu tư đã bị chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hồi, chấm dứt hoạt động.
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng giao UBND TP Bà Rịa chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan rà soát quy hoạch, tổ chức điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng; Xác định cụ thể ranh mốc dự án, quy mô sử dụng đất tại giai đoạn 2 và giai đoạn 3 dự án làm cơ sở phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. (Xem chi tiết)
Khánh Hoà chấn chỉnh việc người dân mắc màn chờ làm thủ tục đất đai
Trước tình trạng người dân mắc màn ngủ chờ đợi làm thủ tục tại văn phòng đất đai, UBND huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) đã đưa ra nhiều giải pháp cấp bách để tiếp nhận hồ sơ của người dân.
Theo đó, UBND huyện Cam Lâm đã chỉ đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng kí đất đai và bộ phận một cửa phải tiếp nhận tối đa hồ sơ của người dân, không giới hạn chỉ 50 hồ sơ/ngày như trước đây. Đồng thời, chỉ đạo các xã trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ đất đai theo hình thức online. Việc này giúp sẽ giúp người dân ít chờ đợi, hạn chế tình trạng xếp hàng, chen lấn tại các bộ phận một cửa. (Xem chi tiết)
Hai thái cực trái ngược của đất nền ven Sài Gòn
Trong khi bất động sản ở Thủ Thiêm và cả TP.Thủ Đức đang im lìm sau lùm xùm đấu giá 4 lô đất vàng thì ở khu vực Củ Chi và Hóc Môn đang tăng chóng mặt. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, đất nền Củ Chi và Hóc Môn đang có hiện tượng bị thổi giá tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Nhiều người đã lợi dụng thông tin từ các cuộc họp để trục lợi, nhất là các đầu nậu, cò đất hay các doanh nghiệp bất lương đã làm cho giá đất ở huyện Củ Chi, Hóc Môn loạn lên. Do đó, người mua cần cân nhắc bởi không phải khu vực nào cũng phù hợp quy hoạch”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) khuyến cáo. (Xem chi tiết)
Siết trái phiếu và tín dụng ngân hàng, loạt doanh nghiệp BĐS 'bán lúa non' huy động vốn
Việc ngân hàng siết tín dụng và quá trình phát hành trái phiếu gặp nhiều rào cản khiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đua nhau huy động vốn trái luật dưới hình thức đặt cọc giữ chỗ, phiếu thiện chí.
Theo đó, Công ty Điền Phúc Thành và Công ty CP Đầu tư Bất động sản Rio Land vừa tổ chức lễ giới thiệu, nhận tiền cọc của khách hàng tại dự án MT Eastmark City. Rio Land cho biết, phần lớn căn hộ đã tìm thấy chủ nhân sau 4 giờ giới thiệu. Thế nhưng nhưng trên thực tế, bên trong bãi đất dự án MT Eastmark City chỉ mới tập kết một số phương tiện như xe múc, xe cẩu và một số cọc bê tông… (Xem chi tiết)
Thanh Hóa cảnh báo chiêu trò lừa đảo, kinh doanh đa cấp bất động sản
Tỉnh Thanh Hóa cảnh báo việc một số khu đất sau khi trúng đấu giá đã có hoạt động giao dịch, huy động vốn trái pháp luật bằng hình thức hợp đồng góp vốn, vay vốn, "đặt cọc", giữ chỗ, khi chưa hoàn thành việc xây dựng công trình trên đất là có dấu hiệu lừa đảo, kinh doanh đa cấp biến tướng và phải bị xử lý nghiêm. (Xem chi tiết)
Theo Ninh Phan/Tiền Phong