Các lá đơn được chuyển đi, có tiếp nhận nhưng đều không có câu trả lời thỏa đáng.
Hàng chục hộ dân ở thôn 2A, xã Eakly, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã gửi Đơn kêu cứu lên cơ quan chức năng khi họ cho rằng diện tích đất họ khai hoang bị tước đoạt, giao lại cho nông trường quản lý.
Theo Đơn kêu cứu của các hộ dân cho biết: Việc khiếu kiện đất đai của các hộ dân đã kéo dài từ những năm 1997 đến nay nhưng không được bất kỳ cơ quan nào đứng ra giải quyết thấu đáo.
Mặc dù các lá đơn đã gửi rất nhiều tới các cấp xã, huyện và tỉnh Đăk Lăk và Công ty cà phê 719 ( trước là nông trường quốc doanh 719). Các lá đơn được chuyển đi, có tiếp nhận nhưng đều không có câu trả lời thỏa đáng.
Ông Lê Xuân Thụy, một người dân cho biết: “Những năm 1981, theo tiếng gọi của Đảng và nhà nước, các hộ dân chúng tôi từ Miền Bắc di cư vào vùng kinh tế mới làm công nhân tại Đội 2- Nông trường 719 (nay là thôn 2A – xã Ea Kly, huyện Krông Păc).
Nói về diện tích đất đang được giao cho nông trường 719 quản lý, trong khi người dân cho rằng đất đó là do họ khai hoang và nằm ngoài mốc giới của nông trường, ông Thụy cho biết: “Thời điểm đó, nằm ngoài khu đất của nông trường được giao quản lý (có mốc giới) ở Đội 2 là khu rừng khọc già, đá sỏi, không ai quản lý, sử dụng.
Các hộ gia đình đã tự huy động công sức để khai hoang phục hóa để có đất trồng trọt, tăng gia, tự cải thiện cuộc sống của gia đình. Tổng diện tích đất các hộ khai hoang được khoảng 7ha (thời gian khai hoang để được khu đất mất đến 6-7 năm)
Khoảng năm 1992, do thời tiết khô hạn thiếu nước phục vụ cho diện tích ruộng của các hộ nhận khoán từ Nông trường dẫn đến năng suất sản lượng giảm. Các hộ góp thóc để Đội 2 đắp đập cải tạo diện tích đất khai hoang thành khu vực trữ nước phục vụ cho sản xuất”.
Ông Trần Công Hiển, một hộ dân khác chia sẻ thông tin, cuối năm 1997 - 1998, UBND xã Eakly và Nông trường 719 có họp bàn dân thống nhất: Đổi 2 ha đất hai lúa của Nông trường lấy 6 ha đất khai hoang của thôn 13, sau đó đắp đập để mở rộng hồ trữ nước cũ của các hộ dân thôn 2A.
Tại cuộc họp, nông trường cũng đưa ra quan điểm đối với các hộ dân thôn 2A có (các hộ đều có người làm công nhân của nông trường): “ Đối với các hộ là công nhân của nông trường có đất canh tác tại lòng hồ do nông trường giải quyết”.
Năm 2004, đã xảy ra tranh chấp, một số hộ có đất khai hoang được công ty chia trả đất để cấy 1 vụ, số còn lại có yêu cầu Công ty 719 nhưng không được giải quyết.
“Năm 2012, đập Krông Buk hoàn thành đảm bảo tưới tiêu, nhu cầu trữ nước sản xuất không còn, đại diện các hộ dân chúng tôi cũng đưa đơn tới công ty, UBND xã, UBND huyện, UBND tỉnh đề nghị giải quyết giao trả lại mặt bằng diện tích đất khai hoang cho chúng tôi, đơn được tiếp nhận nhưng bặt vô âm tín, không có bất kỳ câu trả lời nào.
Tháng 04/2020. Công ty 719 cho máy đào ủi, san lấp, phá bỏ đập hoàn trả mặt bằng cũ để chuyển thành ruộng 2 lúa. Các hộ dân chúng tôi đã đề nghị Công ty giao lại đất khai hoang để chúng tôi tiếp tục sản xuất.
Tại buổi họp ngày 05/05/2020, dưới sự chủ trì của UBND xã, Đại diện công ty là ông Hoàng Sỹ Dũng đã đồng ý trả lại đất cho bà con.
Tuy nhiên, Công ty 719 lại chỉ trả lại 6 ha cho thôn 13 và lấy lại 2 ha đã đổi; còn diện tích 7 ha của các hộ dân chúng tôi khai hoang lại lấy để chia bán cho công nhân.
Các hộ dân chúng tôi không nhất trí đã tiếp tục sử dụng đất để trồng lúa, thả cá đồng thời các công nhân được Công ty chia bán cũng không đồng ý lấy đất đó nữa”, ông Hiển cho biết.
Ngay sau đó, rất nhiều cuộc họp do Công ty 719 và thôn tổ chức cùng với các hộ dân, các hộ dân yêu cầu Công ty 719 phải giao lại đất hoặc giải quyết thỏa đáng cho chúng tôi như cam kết năm 1997 – 1998 nhưng hai bên vẫn không có tiếng nói chung.
[caption id="attachment_56689" align="aligncenter" width="550"] Quyết định 426 của UBND tỉnh Đắk Lắk ngày 22/02/2013 giao đất cho Công ty 719 gây bức xúc dẫn dẫn đến khiếu nại của người dân.[/caption]
Theo lý giải của công ty 719, diện tích đất họ quản lý đã được UBND tỉnh Quyết định số 426/2013/UBND ngày 22/03/2013 về việc UBND tỉnh cho Công ty cà phê 719 thuê đất và 03 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 26/06/2013 đối với tổng cộng gần 6,2ha đất hồ nằm trọn trong diện tích 7ha đất khai hoang của các hộ dân.
Trước thông tin này, các hộ dân đã gửi đơn khiếu nại tới UBND tỉnh đề nghị xem xét hủy một phần quyết định 426/2013/UBND và hủy 3 giấy chứng nhận cấp cho Công ty 719.
Mới đây, ngày 10/07/2020, Chủ tịch UBND xã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 25 hộ dân về hành vi lấn chiếm đất trái phép của Công ty 719 nhưng theo các hộ dân là không giao quyết định cho họ mặc dù chúng tôi đã yêu cầu nhiều lần.
Các hộ dân đã gửi đơn khiếu nại tới Chủ tịch UBND xã để xem xét hủy quyết định xử phạt hành chính vì họ cho rằng họ đã trồng trọt trên đất khai hoang từ khi khai hoang vào 1981 đến nay, không lấn chiếm đất của công ty.
“Đã hơn hai chục năm chúng tôi yêu cầu quyền lợi, gần chục năm đưa đơn từ cấp xã đến cấp trung ương nhưng chỉ nhận được thông báo tiếp nhận, chuyển đơn và mọi trả lời đều “chuyển đơn về Công ty 719 giải quyết” và sau đó vẫn là không có câu trả lời, thực sự người dân chúng tôi không biết phải đưa đơn đi đâu?. Chỉ biết tự mình cùng nhau giữ đất, cấy lúa”. Vũ Thị Hương, một hộ dân bày tỏ.