Không chỉ hứng “bão” Covid đợt 2 hay cơn bão số 5 thổi từ biển, doanh nghiệp bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng đang phải đối mặt với “bão” bán tháo.
Hơn 260 khách sạn rao bán
Xuất hiện với mật độ khá dày trên các trang tin mua bán bất động sản Đà Nẵng thời gian gần đây là hạng mục rao bán nhà nghỉ, khách sạn, từ những khách sạn mini có giá 15 - 20 tỷ đồng cho đến các khách sạn lớn có giá trị từ 200 - 300 tỷ đồng.
Điểm qua các thông tin cho thấy, đa phần khách sạn rao bán đều tập trung tại đường ven biển Võ Nguyên Giáp - khu vực từng sốt nóng với giá đất chỉ trong mấy năm tăng từ 50 triệu đồng lên đến hơn 300 triệu đồng/m2.
Đa phần khách sạn rao bán đều tập trung tại đường ven biển Võ Nguyên Giáp - khu vực từng sốt nóng với giá đất chỉ trong mấy năm tăng từ 50 triệu đồng lên hơn 300 triệu đồng/m2.
Chẳng hạn, một khách sạn 6 tầng với 16 phòng trên diện tích đất 100 m2 nằm trên đường ô tô có thể ra vào ở quận Sơn Trà mới đây được rao với giá 13,7 tỷ đồng.
Một khách sạn khác đạt chuẩn 3 sao, có quy mô 10 tầng trên diện tích đất 134,4 m2 trên mặt tiền đường Hà Chương, cách bãi tắm Mỹ Khê 50 m, được rao giá 36 tỷ đồng.
Giá trị cao hơn, khách sạn 4 sao, 18 tầng với diện tích đất 780 m2 trên mặt tiền đường Hoàng Kế Viêm (quận Sơn Trà) cũng đang được rao bán với giá 200 tỷ đồng kèm theo lời nhắn có thương lượng giá...
Công ty TNHH Tư vấn R&B - vốn là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn và thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, đất đai - thời gian gần đây rất bận rộn tiếp các chủ khách sạn đến ký gửi bán nhà, bán khách sạn.
Ông Lê Ngọc Đoàn, Giám đốc R&B cho biết, “nguyên nhân phần lớn là do kinh doanh không được, trong khi áp lực lãi suất ngân hàng lớn vượt quá khả năng cầm cự”.
Nhìn nhận bức tranh toàn thị trường, theo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Thống kê sơ bộ cho thấy, khoảng 250 - 260 khách sạn, căn hộ, biệt thự rao bán, trong đó chủ yếu là khách sạn từ 1 - 3 sao.
“Các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ phải sang nhượng và đây là tác động khách quan không thể làm gì khác”, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ.
Còn dền dứ
Dù hàng trăm khách sạn đã được rao bán, nhưng ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Đà Nẵng, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thậm chí còn dự đoán bi quan hơn khi cho rằng, có thể đầu năm 2021 xu hướng này mới đạt đỉnh. “Đầu năm tới, có thể không phải chủ khách sạn rao bán nữa mà sẽ là ngân hàng rao”, ông Quỳnh nhận định.
Mặc dù rao nhiều nhưng thương vụ thành công rất ít. Nguyên nhân, theo ông Lê Ngọc Đoàn là “giá bán vẫn còn cao”. Trong khi đó, bên mua (chủ yếu là các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính) vẫn đang cầm tiền “nghe ngóng”.
“Nhiều chủ khách sạn tính nguyên giá khi đầu tư nội ngoại thất, trong khi các hạng mục này xuống cấp nhanh khi sử dụng, chưa kể phần chủ động đang thuộc về bên mua khi họ có quá nhiều lựa chọn”, ông Đoàn nói.
Một lý do khác, theo ông Lê Dũng, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Ariyana, bất động sản du lịch Đà Nẵng là phân khúc có đối tượng khách hàng rất khác với nhóm đối tượng đầu tư thông thường, họ có tiềm lực tài chính tốt, dày dặn kinh nghiệm thương trường nên họ ít khi mua hớ.
“Ai cũng chờ đợi, người chờ hoạt động kinh doanh du lịch khởi sắc, kẻ đợi giá xuống nữa để mua sell off, khiến thị trường càng thêm u ám”, ông Dũng nhận định.
Ngọc Tân – Theo TNCK