Đất của dân, nhưng doanh nghiệp hưởng lợi?
Ngày 30/8, Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã nhận Đơn khởi kiện cùng các chứng cứ kèm theo của nguyên đơn là ông Trịnh Văn Điển, và bị đơn là UBND TP Phú Quốc và Chủ tịch UBND TP Phú Quốc.
Theo đó, ngày 20/1/2022, UBND TP Phú Quốc ban hành Quyết định số 324 về việc thu hồi bổ sung bồi thường đất đai cho ông Trịnh Văn Điển. Đến ngày 5/7/2022, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc tiếp tục ban hành Quyết định số 3509 về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với ông Trịnh Văn Điển để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm (tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm). Đất thu hồi, sẽ được giao cho doanh nghiệp triển khai dự án.
Cụ thể, ông Điển bị thu hồi mảnh đất 4.790,8m2 và được đền bù số tiền 3.497.396.500 đồng. Tuy nhiên, ông Điển không đồng ý tiền bồi thường và giao đất vì cho rằng giá đền bù mà chính quyền địa phương áp cho ông là vô cùng thấp.
“Ban đầu, chính quyền nói thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng, tôi chấp nhận. Nhưng sau đó, tôi được biết, họ lấy đất của tôi để giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư Địa ốc Thành phố Đảo Phú Quốc làm dự án thương mại. Như vậy, thì sao gọi là để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng” - ông Điển thắc mắc.
Theo ông Điển, nếu ở đây, chính quyền địa phương giao cho doanh nghiệp làm dự án thương mại, thì bản thân doanh nghiệp phải là đơn vị trực tiếp xuống tiếp xúc, thỏa thuận với người dân về giá đất đền bù, sao lại có chuyện chính quyền địa phương ra quyết định thu hồi đất, đo đạc, áp giá, lập bảng chiết tính... Để rồi người dân chỉ nhận được khoản tiền đền bù ít ỏi, trong khi phải mất đất sản xuất, cuộc sống xáo trộn.
"Thay vì làm rõ cơ sở pháp lý để thu hồi đất của người dân theo đúng quy định của luật pháp, thì trong thông báo thu hồi đất, UBND TP Phú Quốc chỉ nói chung chung rằng, nếu không đồng tình thì nhà nước vẫn thực hiện thống kê, đo đạc... Sao lại có chuyện như vậy?" – ông Điển bức xúc.
Được biết, ông Điển không phải là trường hợp duy nhất phản đối nhận tiền bồi thường và giao đất. Cùng với ông Điển, hiện có khoảng 10 hộ dân khác cũng thường trú lâu năm tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã gửi đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng, báo chí...
Trong đơn gửi đến Văn phòng Đại diện báo Kinh tế & Đô thị tại TP Hồ Chí Minh, bà Trịnh Thị Đượm (sinh 1969, đại diện các hộ dân) cho biết, vào những năm 1989 – 1990, hộ bà Đượm và nhiều gia đình khác đã phiêu bạt đến vùng đất Bãi Thơm để khai hoang, lập ấp, canh tác từ hai bàn tay trắng.
“Đến nay đã là 32 năm, hơn nửa đời người chúng tôi bám trụ giữ đất, vượt qua biết bao trở ngại, chịu nhiều mất mát, hy sinh. Nay chỉ vì chính quyền ra thông báo, quyết định mà toàn bộ “xương máu” của chúng tôi phải giao giá rẻ mạt cho tư nhân làm dự án thì quá bất công” – bà Đượm chia sẻ.
Tuy nhiên, bà Đượm nhấn mạnh, hầu hết người dân bị thu hồi đất đều sẵn sàng nhường đất cho dự án vì sự phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên yêu cầu việc bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư phải hợp lý.
Làm sai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ?
Ngày 11/5/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 633/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 (Quyết định 633). Liên quan đến quy hoạch sử dụng đất các khu du lịch sinh thái, Quyết định 633 xác định rõ: Đây là khu nghỉ dưỡng 4-5 sao, kết hợp tham quan rừng tràm, rừng ngập mặn, quy mô 102 ha.
Ngày 8/12/2017, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 2678/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm tỷ lệ 1/2000, quy mô 169,32 ha.
Nhưng tại Quyết định số 633 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu du lịch sinh thái, hoàn toàn không có quy hoạch "khu dân cư". Tuy nhiên, tại Quyết định số 2678 của UBND tỉnh Kiên Giang lại phát sinh thêm… "khu dân cư".
Chưa kể, tại Quyết định số 633, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy mô dự án là 102 ha nhưng UBND tỉnh Kiên Giang đã nâng quy hoạch dự án lên 169,32 ha, tăng 67,32 ha.
Tuy nhiên, phần diện tích diện tích quy hoạch dự án vẫn chưa dừng lại. Ngày 10/2/2020, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 313/QĐ-UBND "phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm, tỷ lệ 1/2000, quy mô khoảng 173,53 ha". Lý do được đưa ra là "nhằm đảm bảo bao trọn hết các lớp nhà dân, phục vụ cho công tác quản lý, triển khai thực hiện".
Như vậy, từ 102 ha do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm đã được nới rộng ra 71.53 ha, quy mô dự án lên đến 173,53 ha.
Liên quan đến những bất cập nói trên, tại Báo cáo kiểm toán ngày 12/9/2018, Kiểm toán nhà nước khu vực V kiến nghị Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc điều chỉnh dự án đường cơ động phía Bắc đảo Phú Quốc theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị đối với UBND tỉnh Kiên Giang, tổ chức kiểm tra đối với việc phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Rạch Tràm tỷ lệ 1/2000 vượt 71,53 ha so với Quy hoạch 633/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và xử lý theo pháp luật.
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc
Lợi ích quốc gia, công cộng xác định thế nào? Cuối tháng 6/2022 vừa qua, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn đã về làm việc tại tỉnh Kiên Giang về việc "thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo". Theo đó, Đoàn giám sát đã đề nghị tỉnh Kiên Giang làm rõ lập luận thu hồi đất với lý do "phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng". Cụ thể, Đoàn giám sát đã đề nghị UBND tỉnh nêu rõ quan điểm, lập luận trong việc thu hồi đất áp dụng theo Điều 62 - Luật Đất đai năm 2013, về "thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng". Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hoàng Anh Công - Phó trưởng Ban Dân nguyện, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: "Trong thời gian vừa qua chúng ta áp dụng việc này, thì "lợi ích quốc gia, công cộng" là thế nào? "Lợi ích quốc gia, công cộng" có phải là lợi ích để làm kinh doanh của các doanh nghiệp không? Nếu được kinh doanh thì rõ ràng họ phải thỏa thuận với người dân. Ông Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng phát biểu: "Điều 62 không có lỗi, có lỗi là do cách chúng ta áp dụng và triển khai thực hiện. Nếu đọc toàn bộ nội dung Điều 62, thì những dự án chúng ta thu hồi đất của dân có đúng hay không? Đề nghị cơ quan Thanh tra, HĐND tỉnh trả lời vấn đề này”. |