Đã hết thời đổ tiền vào quảng cáo, khuyến mãi, doanh nghiệp thương mại điện tử đang dồn lực vào những cuộc đua tốn kém hơn.
Trong sự kiện ký kết với Unidepot mới đây cho dự án mở rộng hệ thống kho vận của Tiki trong năm 2019, ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tiki, chia sẻ những khoản lỗ của sàn thương mại điện tử (TMĐT) này đều là khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hệ thống vận hành và kho bãi.
Lỗ vẫn chi đậm
Ông Trần Ngọc Thái Sơn cho biết khi khởi điểm chỉ có 100 m2, đến nay Tiki đang sở hữu hơn 30.000 m2 kho bãi và kỳ vọng sớm nâng lên thành 100.000 m2. Cùng với cải thiện công nghệ, dịch vụ và các chương trình khuyến mãi để phục vụ khách hàng như trước nay vẫn làm, chiến lược đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics, xây dựng hệ thống... khiến Tiki tiếp tục ôm khoản lỗ không nhỏ. Tuy nhiên, cũng như nhiều sàn TMĐT khác, Tiki không ngại "xuống tay" với những khoản đầu tư lớn nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và khẳng định tên tuổi trên thị trường.
Cuộc đua cạnh tranh của các sàn thương mại điện tử đang chuyển hướng sang những hình thức khác như thanh toán, giao hàng… thay vì tập trung vào khuyến mãi, giảm giá như trước Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Không chịu kém cạnh, tháng 8 vừa qua, Shopee cũng bắt tay với một đơn vị bất động sản công nghiệp là BW Industrial - liên doanh giữa Becamex IDC và quỹ đầu tư tư nhân toàn cầu Warburg Pincus cùng nền tảng chuỗi cung ứng tích hợp (logistics) Best để xây dựng trung tâm xử lý hàng hóa thứ 3 của sàn này tại Việt Nam. Tuy giá trị đầu tư không được tiết lộ nhưng với kỳ vọng xây dựng "kho vận thông minh", giới quan sát cho rằng khoản tiền rót vào thương vụ này không hề nhỏ. Lãnh đạo BW Industrial cũng khẳng định khái niệm mới về "kho vận thông minh" tích hợp các yếu tố địa điểm, thiết kế và tự động, hỗ trợ khách hàng sẽ đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng dịch vụ. "Tôi tin 3 đối tác lớn về bất động sản công nghiệp, TMĐT và logistics quốc tế ngồi lại với nhau có thể là thời điểm tạo ra những chuẩn mực mới về chuỗi cung ứng tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế tiêu dùng" - đại diện BW Industrial tỏ ra tự tin.
Về phía Shopee Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh, giám đốc điều hành doanh nghiệp (DN) này, cho biết đầu tư, phát triển kho vận là một trong những tiền đề cho việc mở rộng quy mô và phát triển vững mạnh của TMĐT. Thương vụ nói trên mang đến chuỗi cung ứng cũng như dịch vụ tốt hơn cho người dùng, đồng thời củng cố vững chắc vị thế cạnh tranh của DN trên thị trường.
Sàn Lazada cũng từng cho biết áp dụng công nghệ giúp tiết kiệm thời gian vận hành tới 50%. Do đó, việc đổ hàng ngàn tỉ đồng đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho cả DN lẫn người dùng.
Ngoài đầu tư vào kho vận, một năm trước đây ít người nghĩ đến việc chủ sàn TMĐT có thể đổ tiền vào các dự án trong giới showbiz chỉ để "làm đẹp" hình ảnh cho mình. Tuy nhiên, tháng 5-2019, Tiki bất ngờ công bố dự án đồng hành cùng sản phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt ở nhiều lĩnh vực, nổi bật là âm nhạc. Hình ảnh hộp quà Tiki xuất hiện trong các MV ca nhạc đã dần trở nên quen mắt với khán giả Việt, thậm chí một số ý kiến còn đánh giá cao cách định vị tên tuổi và tìm kiếm tệp khách hàng mới của Tiki thông qua dự án này.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về việc đang ôm khoản lỗ lớn mà không tiếc tiền đổ vào... showbiz, đại diện Tiki trấn an: "Chi phí dành cho các dự án âm nhạc cũng là khoản đầu tư nhằm mang lại giá trị tinh thần cho khách hàng bên cạnh những dịch vụ tốt nhất, giá hấp dẫn nhất. Tất nhiên, chúng tôi vẫn luôn tập trung vào chất lượng dịch vụ, sản phẩm, khuyến mãi để mang đến trải nghiệm tốt nhất".
Bắt đầu mệt mỏi!
Thực tế, Tiki đang lỗ 1.200 tỉ đồng, Shopee ghi nhận lỗ lũy kế gần 2.700 tỉ đồng, Lazada lỗ lũy kế đến hơn 5.300 tỉ đồng trong 3 năm qua. Tuy vậy, 3 năm qua cũng là khoảng thời gian các sàn TMĐT đón nguồn vốn lớn từ các tên tuổi quốc tế. Năm 2016, Alibaba đã chi 1 tỉ USD để mua cổ phần của Lazada và "ném" thêm 1 tỉ USD nữa chỉ sau 1 năm để nâng mức sở hữu đối với Lazada lên 83%. Chưa dừng lại, mới đây, Lazada công bố sẽ tiếp tục nhận được thêm 2 tỉ USD từ nhà đầu tư Trung Quốc này. Shopee thì nhận thêm hơn 1.200 tỉ đồng, tương đương 50 triệu USD, từ SEA - công ty mẹ - trong 6 tháng đầu năm 2018. Còn Sendo, sau khi huy động được 18 triệu USD từ nhiều công ty Nhật Bản ở thời điểm ra đời năm 2012, đến nay đã được bơm thêm 51 triệu USD từ SBI Holding và 7 nhà đầu tư khác.
Ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), nhận định thị trường TMĐT trong nước còn khá màu mỡ và dù đã định hình thị phần ổn định cho một số ông lớn nhưng vẫn còn nhiều cơ hội cho DN mới cũng như cho bản thân DN đã tham gia thị trường. "Tăng trưởng TMĐT Việt Nam mỗi năm đạt 25%-30%, thị trường vẫn còn rộng mở. Cơ hội còn nhưng không thể cứ mãi dùng tiền để "đốt" được, phải có chiến lược riêng" - ông Bình góp ý.
Với quan niệm "không có bữa ăn nào miễn phí", ông Lưu Thanh Phương, chủ sàn TMĐT 5giay.vn, đánh giá DN không thể chịu lỗ mãi mà phải có giới hạn. Chỉ khác nhau ở chỗ mỗi DN sẽ chịu lỗ được trong bao lâu. Do đó, nhiều sàn đã dần dần bớt ưu đãi với mục đích cắt lỗ, giữ lại một phần nguồn lực cho các dự án lớn, đem lại hiệu ứng và doanh thu tốt hơn.
Thực tế, nhìn vào động thái của các sàn TMĐT lớn trong nửa năm qua, có thể thấy DN đã có biểu hiện "mệt mỏi" với những khoản lỗ. Để cắt lỗ, các sàn được cho là đã thực hiện những chính sách giảm bớt quyền lợi của khách hàng, như Shopee chuyển từ miễn phí đối với người bán hàng sang thu phí ở mức 1% từ ngày 1-4 và chỉ sau 3 tháng tiếp theo, cũng DN này thông báo tăng phí đối với đơn hàng thành công từ 1% lên 2%. Lazada thì bỏ quyền lợi được kiểm hàng đối với người mua, gây ra không ít bức xúc cho người mua.
Nhiều sàn TMĐT khác cũng bắt đầu nhận ra thay vì chạy theo khuyến mãi, khách hàng đang dần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng cũng như tính năng vượt trội, nhất là nhóm mua sản phẩm cao cấp. Khi miếng bánh TMĐT phải chia cho nhiều tên tuổi mới trong và ngoài nước, người tiêu dùng tất nhiên không từ chối cơ hội được lựa chọn phương án tốt nhất trong mỗi quyết định chi tiêu. Bởi vậy, giữ chân khách hàng không còn đơn giản ở một mã giảm giá mà còn nằm ở chất lượng sản phẩm, tốc độ giao hàng, hậu mãi... Từ đó, các trải nghiệm được nhiều sàn áp dụng như đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt thông qua bắt tay với các đối tác phát hành thẻ, sử dụng ví điện tử, chuyển phát nhanh trong 2-4 giờ, hỗ trợ bảo hành… Điển hình như Sendo gần đây công bố chiến lược duy trì chính sách miễn phí thanh toán cho các nhà bán hàng với mọi phương thức thu hộ tiền mặt, thanh toán qua thẻ và ví điện tử.
Tiềm năng rất lớn
Báo cáo chỉ số TMĐT 2019 của VECOM cho thấy quy mô thị trường năm 2018 ở mức 7,8 tỉ USD. Nếu tốc độ tăng trưởng năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020, quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỉ USD. Với một quốc gia có 53% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực TMĐT Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Người lao động