[caption id="attachment_59248" align="aligncenter" width="645"] Khu nhà có nhiều hạng mục không phép của ông Phan Phi Hổ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định[/caption]
Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao về việc ông Phan Phi Hổ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Bình Định xây khu nhà và nhiều hạng mục không phép trên núi Xuân Vân (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn).
Công trình xây dựng của ông Phan Phi Hổ nằm ở vị trí khá đắc địa, ngôi nhà chính nằm trên cao được bao bọc đá xung quanh, mặt hướng ra biển, sau lưng là núi Xuân Vân, phía Đông Bắc là Khu du lịch Ghềnh Ráng - Tiên Sa, phía Nam là bãi tắm Quy Hòa với công viên cây xanh trước vịnh biển.
Căn nhà của ông Phan Phi Hổ đến năm 2015, tiếp tục được sửa chữa mới. Đồng thời, dù ngôi nhà này đã được xây dựng nhiều năm nhưng cơ quan quản lý lại không hề hay biết.
Mãi cho đến khi báo chí phản ánh, thì UBND phường Ghềnh Ráng mới tiến hành kiểm tra. Một lãnh đạo UBND phường Ghềnh Ráng khẳng định: Đây là đất trồng cây lâu năm, việc ông Hổ xây dựng nhà không có giấy phép là sai.
Và sau khi kiểm tra phát hiện sai phạm, UBND phường Ghềnh Ráng vẫn chưa lập biên bản vi phạm hành chính đối với việc xây dựng nhà không phép tại núi Xuân Vân mà lại “cho phép” ông Hổ trong vòng một tháng có trách nhiệm làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng của công trình trên mảnh đất này và các thủ tục hợp pháp liên quan.
Động thái này chẳng khác nào cho người vi phạm có thời gian để hợp thức hóa những sai phạm của mình. Từ công trình trái phép trở thành hợp pháp chỉ cách nhau một tháng và một số giấy tờ.
Điều này gây nên sự bức xúc trong dư luận, bởi ông Hổ nguyên là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định, là đảng viên. Hơn ai hết, ông Hổ phải là người tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật để làm gương cho dân. Nhưng ngược lại, ông lại đi xây dựng công trình trái phép.
Cũng tại phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), giữa năm 2020, thanh tra Sở Xây dựng Bình Định phát hiện trong 8 dự án điểm du lịch, dịch vụ đang triển khai trên tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu thì có đến 7 dự án “dính” sai phạm.
Điều đáng nói là việc kiểm tra cũng chỉ được cơ quan chức năng vào cuộc khi báo chí liên tục phản ánh việc ồ ạt quy hoạch gây nguy cơ phá vỡ cảnh quan, tàn phá môi trường trên địa bàn. Nhiều dự án thậm chí xây dựng khi chưa được cấp phép, một số dự án khác tự ý thay đổi thiết kế, xây dựng sai giấy phép.
Và điều đáng nói, sau khi thanh tra đồng loạt, cơ quan chức năng cũng chỉ yêu cầu chủ đầu tư các dự án sai phạm này làm thủ tục xin cấp phép, điều chỉnh quy hoạch là xong!
Những câu chuyện trên khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý. Những dự án, công trình đồ sộ chứ không phải những cái kim, sợi chỉ để mà dễ dàng “chui lọt lỗ kim” như thế?
Việc xây dựng trái phép không chỉ phá vỡ cảnh quan, quy hoạch mà điều đáng ngại hơn là những việc làm sai trái đó đã không được xử lý đến nơi đến chốn mà lại được hợp thức hóa.
Nó không chỉ khiến người dân bức xúc, mà biết đâu, người dân nhìn vào đó rồi cũng có suy nghĩ: “Họ làm được, lẽ nào mình không làm được? Vậy thì cứ xây trái phép, rồi hoàn thiện hồ sơ là xong!”.