Phần lớn các cơ sở may mặc quy mô nhỏ đã đóng cửa ngay khi dịch COVID-19 xảy ra. Trong khi đó, doanh nghiệp với số công nhân từ khoảng 150 người cũng đang trong tình trạng khó khăn hoặc "thoi thóp".
Nhiều cơ sở nhỏ đã đóng cửa
Bà Đào P. Thủy, chủ một cơ sở may quần áo quy mô nhỏ theo mô hình kinh doanh hộ gia đình để bỏ mối cho các tiểu thương ở chợ Tân Bình (TPHCM) được gần 20 năm nay, than thở hơn một năm nay bà buộc phải cho 7 công nhân nghỉ việc vì việc kinh doanh ngày càng ế ẩm và khó khăn. Công việc sản xuất và kinh doanh từ đó chỉ còn vợ chồng bà và các con thực hiện, với đơn hàng bỏ mối chỉ còn 1/3 so với trước đây.
Thế nhưng từ khi nghỉ Tết nguyên đán đến giờ cũng là thời điểm diễn ra dịch COVID-19, cơ sở may ở quận Tân Bình của bà cũng không có hoạt động gì. Mặc dù vậy, ngôi nhà bà đang ở cũng đồng thời là cơ sở may hiện phải chất đống những hàng tồn kho đã thực hiện hồi trước Tết.
Theo bà Thủy, thường sau Tết nhóm mặt hàng thời trang như quần áo bán rất chậm, và dịch COVID-19 đang xảy ra thì càng khó khăn hơn. Do đó, hơn 20 khách hàng là tiểu thương bán quần áo ở chợ Tân Bình trong hơn 2 tháng qua cũng không nhận hàng của cơ sở bà.
Với lệnh cách ly xã hội trong nửa tháng của Chính phủ đang thực hiện thì coi như không kinh doanh gì. Như vậy, xem như hàng hóa tiếp tục nằm trong kho, cả nhà bà phải “Ngồi chơi xơi nước”, không có thu nhập nào.
“Lâu nay việc kinh doanh chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày cho gia đình. Từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra cả nhà tôi chỉ biết lấy tiền tích lũy để chi tiêu”, bà Thủy chia sẻ, và cho rằng nếu tình trạng này kéo dài thì rất nguy vì tiền tích lũy không có nhiều trong khi chi phí cho cả nhà lên đến hơn 30 triệu đồng/tháng.
Không riêng cơ sở sản xuất của bà Thủy mà theo một chuyên gia trong ngành, hàng trăm cơ sở sản xuất nhóm mặt hàng may mặc kiểu gia đình này hoặc quy mô lớn hơn với 20-30 công nhân đã phải đóng cửa, ngưng sản xuất ngay khi dịch COVID-19 xảy ra, chứ không phải đến bây giờ.
Bởi đây là những cơ sở sản xuất chủ yếu để phục vụ thị trường trong nước mà phần lớn là ở các chợ truyền thống hoặc số ít là các cửa hàng nhỏ lẻ. Trong khó khăn dịch bệnh hiện nay không ai nghĩ đến việc mua đồ quần áo thời trang mà chỉ lo nhu yếu phẩm là chính.
Doanh nghiệp lớn hơn cũng "điêu đứng"
Ở quy mô lớn hơn, ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty TNHH may Bình Hòa (quận Bình Thạnh), cho biết do chủ yếu làm gia công lại cho doanh nghiệp lớn làm hàng xuất khẩu và cung ứng quần áo thời trang cho thị trường nội địa ở các shop (cửa hàng) nên khi xảy ra dịch bệnh thì đơn hàng và doanh thu của Bình Hòa thực hiện cũng bị sụt giảm đến 60%.
Hiện hơn 20% trong số hơn 100 người lao động làm việc tại công ty này đã nghỉ việc. Bình Hòa đã xoay xở chuyển sang sản xuất khẩu trang và may quần áo cho các chợ, nhưng cũng không được là bao. “Hiện công ty chúng tôi chỉ có thể duy trì hoạt động đến hết tháng 4 này”, ông Ngọ nói.
Theo ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (AGTEK), nhiều doanh nghiệp may mặc khác có lượng lao động từ 50 đến 150 người cũng rơi vào tình trạng tương tự vì đa số họ làm gia công lại cho những công ty may mặc xuất khẩu hoặc chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.
Trong khi những công ty xuất khẩu ở những thị trường lớn thì bị đứt đơn hàng, còn thị trường trong nước cũng không buôn bán gì được, ông Việt nói.
Trên thực tế, khi nỗi lo về nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc chưa kịp giải tỏa thì 3 tuần qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lại nhận được thông báo các đối tác tại thị trường Mỹ và EU tạm ngưng nhận hàng trong khoảng thời gian đến 2 tháng. Thông tin này khiến các doanh nghiệp may mặc vừa phải xoay xở ổn định sản xuất vừa tìm giải pháp giữ chân người lao động.
Hiện nay, khi có nguyên liệu doanh nghiệp lại không thể sản xuất vì chưa xác định chắc chắn thời gian hoãn nhận hàng cũng như sau đó đối tác có tiếp tục thực hiện hợp đồng hay không, trong khi hàng tồn khó thì nhiều.
Trong tình thế này, một số doanh nghiệp có điều kiện nguyên liệu phù hợp sẽ chuyển sang sản xuất khẩu trang vải và đồ bảo hộ y tế nhằm hỗ trợ trong việc chống dịch Covid-19. Một số khác thực hiện phương án giãn giờ, giãn ca hoặc giảm số ngày làm trong tuần để kéo dài thời gian duy trì hoạt động sản xuất nhất có thể, ổn định tâm lý cho công nhân, người lao động. Tuy nhiên, phương án này cũng khó thực hiện nếu thời gian đối tác Mỹ, EU,... ngừng nhận hàng kéo dài hơn như thông báo ban đầu.
Để giúp doanh nghiệp bớt chịu "thiệt đơn, thiệt kép"
Nếu thời gian dịch bệnh còn kéo dài các doanh nghiệp sẽ “thiệt đơn, thiệt kép” do hoạt động sản xuất đình trệ, đơn hàng giảm hoặc hủy, trong khi vẫn phải cố gắng duy trì lực lượng lao động.
Theo đại diện AGTEK, vấn đề khó nhất lúc này của doanh nghiệp là cho dù tạm ngưng sản xuất, cho lao động nghỉ việc, giãn việc làm thì vẫn phải trả lương để giữ chân người lao động. Nếu lao động nghỉ việc doanh nghiệp vẫn phải trả mức lương bình quân bằng tiền lương tối thiểu cho người lao động thì chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra là không hề nhỏ.
Từ tình hình khó khăn nói trên, AGTEK trong thời gian qua đã kiến nghị ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu khoản vay, điều chỉnh kỳ hạn để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bộ Tài chính cần có giải pháp cân đối thu chi ngân sách, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đảm bảo thông quan hàng hóa, cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như giảm phí điện, nước. Trong đó tập trung việc giãn thời gian nộp, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT không phạt chậm nộp thuế, giảm chi phí sản xuất kinh doanh để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần nghiên cứu văn bản pháp luật có liên quan báo cáo đề xuất Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành chính sách miễn đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn trong thời gian doanh nghiệp gián đoạn sản xuất và người lao động nghỉ chờ việc...