Coteccons - Hòa Bình, 'ngôi vương' liệu có hoán đổi?

05/07/2020 16:45

Ban lãnh đạo Coteccons kỳ vọng rất lớn về tương lai hậu mâu thuẫn nội bộ. Nhưng có chắc nhà thầu số 1 Việt Nam sẽ lấy lại vị thế như xưa?

Ban lãnh đạo Coteccons kỳ vọng rất lớn về tương lai hậu mâu thuẫn nội bộ. Nhưng có chắc nhà thầu số 1 Việt Nam sẽ lấy lại vị thế như xưa?

Sóng yên biển lặng sau ngày ĐHCĐ thường niên năm 2020 của Công ty CP Xây dựng Coteccons. Giờ đây, người ta bắt đầu kỳ vọng về sự phục hồi của một “anh cả” trong ngành xây dựng.

Ông Nguyễn Bá Dương: Hậu mâu thuẫn, Coteccons có thể phát triển mạnh mẽ

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2020, Coteccons dự kiến doanh thu giảm mạnh đến 33% còn 16.000 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 16% so với năm 2019, chỉ 600 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh tiếp tục đi lùi trước biến động thị trường hậu cao điểm COVID-19, chưa kể, mâu thuẫn nội bộ xuyên suốt nhiều năm qua đã khiến Coteccons ít nhiều xào xáo.

Tuy nhiên, sau khi mọi chuyện được giải quyết khá ổn thoả trong cuộc họp cuối tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Bá Dương có phần lạc quan hơn: “Sau những chyện vừa rồi chúng tôi đã ngồi lại, chia sẻ với nhau, HĐQT sắp tới có thêm hai thành viên, sẽ có cùng tiếng nói, các thành viên chọn thêm một số chuyên gia tham gia vào công ty, điều này tốt cho công ty. Sắp tới đây mọi việc sẽ sáng tỏ, công ty sẽ mạnh mẽ hơn nữa, phát triển hơn, thành công hơn”.

Vượt qua được mâu thuẫn, HĐQT Coteccons kỳ vọng tình hình kinh doanh năm 2020 có thể tiến triển tốt hơn. “Chúng ta có đội ngũ vững vàng, chịu thương chịu khó. Tôi hy vọng sắp tới, Coteccons sẽ vượt qua những mâu thuẫn nội bộ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, vị này gửi gắm trước hội đồng cổ đông.

Ông Nguyễn Bá Dương:
Ông Nguyễn Bá Dương: "Coteccons sẽ vượt qua những mâu thuẫn nội bộ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa". Ảnh: Dân Việt

Về định hướng tương lai, ông Nguyễn Sỹ Công cho biết: "Chúng tôi không thể cạnh tranh với các nhà thầu nhỏ với dự án dưới 500 tỷ đồng. Coteccons chỉ phù hợp với những dự án lớn. Trong hoàn cảnh hiện nay, để có những dự án lớn như vậy là một thách thức rất lớn".

Chủ tịch Nguyễn Bá Dương cũng đồng ý rằng, Coteccons chỉ phù hợp với những dự án lớn. Nếu không, nhà thầu này không thể nào phát triển tiếp được, càng không thể nào tăng trưởng 30-40% mỗi năm.

Theo tiết lộ của ông Dương, những ngày qua, HĐQT mới đã bắt tay vào việc lên kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển chuyên nghiệp cho Coteccons nhằm ổn định và củng cố vị trí của Coteccons trên thị trường, tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho công ty này.

“Coteccons vẫn là thương hiệu hàng đầu trong ngành xây dựng Việt Nam với nguồn lực tài chính và kinh nghiệm vượt xa các đối thủ cạnh tranh và hoàn toàn có thể tiếp tục bứt phá khi HĐQT, Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ nhân viên có sự tập trung và đồng lòng trong việc xây dựng Coteccons”, ông Nguyễn Bá Dương tự tin.

Cũng theo vị này, Coteccons không thể tiếp tục phát triển thăng hoa như những năm trước đây nếu chỉ dựa vào mảng xây lắp. “HĐQT sẽ sớm ngồi lại với nhau để thống nhất những bước đi chiến lược cho Coteccons trong 5-10 năm tới”, ông nói thêm.

Tài chính xấu đi, nguồn tiền “ngồi không” lớn

Nhìn lại lịch sử kinh doanh của Coteccons, dễ thấy nhà thầu số 1 Việt Nam bắt đầu “đổ đèo”  chỉ sau một năm kể từ lúc đỉnh cao sự nghiệp, tức có dấu hiệu đi lùi trong khoảng từ năm 2017.

Năm 2016, lần đầu tiên Coteccons ghi nhận doanh thu hàng tỷ USD, đạt 20.782 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm đó cũng tăng gấp đôi so với năm 2015, lên mức 1.422 tỷ đồng. Lúc bấy giờ, biên lợi nhuận gộp của Coteccons đạt con số mà nhiều doanh nghiệp xây dựng khao khát, ở mức 8,66%.

Cũng trong năm đó, hàng tồn kho từ chi phí các công trình xây dựng dang dở của Coteccons ở mức 1.240 tỷ đồng với 10 công trình đang thực hiện. Thế mà khi bước sang năm 2017, hàng tồn kho bất ngờ tăng lên 51% dẫu theo ghi nhận trong báo cáo tài chính, số dự án đang xây dựng dở dang sụt phân nửa so với năm trước đó. 

Cũng trong năm 2017, dù doanh thu và lãi ròng lần lượt tăng 31% và 16% nhưng Coteccons bắt đầu lộ diện thêm nhiều vấn đề tài chính. Đáng nói, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này tuột không phanh 1,41% về mức 7,42%.

Kể từ đó, biên lợi nhuận gộp của Coteccons liên tục đi lùi. Năm 2018, con số này giảm thêm 1%. Năm 2019, biên lợi nhuận gộp giảm kỷ lục 2,01%.

Năm 2019, ngoài gặp tình trạng khó chung của thị trường bất động sản, Coteccons còn có lý do nội tại khiến biên lợi nhuận rút ngắn. Ông Nguyễn Sỹ công thừa nhận trong ĐHCĐ năm 2020, Coteccons có gần 30 công trình đang thi công phải tạm ngưng trong năm 2019. Ngoài ra, trong bản giải trình, HĐQT cho biết, áp lực giảm giá trong công tác đấu thầu và việc trả chậm từ chủ đầu tư hay khách hàng cũng khiến Coteccons bị ảnh hưởng lớn.

Dường như uy tín và cung cách làm việc của Coteccons có phần thay đổi. Trước đây, ông Nguyễn Bá Dương luôn xác định, chỉ khi thu đủ các khoản phải thu thì Coteccons mới tiếp tục thực hiện thi công. Do đó, tình trạng dòng tiền chảy về chậm liệu chăng đang chứng tỏ uy tín của Coteccons không còn quá sáng giá trong mắt các chủ đầu tư?

Một lý do khiến Coteccons trở nên ì ạch những năm qua là do nguồn tiền bị động quá lớn. Không hề có vay nợ từ năm 2016 đến nay, vốn chủ sở hữu của Coteccons tăng liên tục từ 6.233 tỷ đồng lên 8.592 tỷ đồng vào cuối quý I/2020, phần nhiều là nhờ phát hành cổ phiếu.

Vấn đề là ở, lượng tiền lớn trên dường như đang “ngồi không” để chờ quyết định về định hướng kinh doanh của Ban lãnh đạo đưa ra. Việc sở hữu lượng tiền lớn là vấn đề đau đầu với Ban giám đốc bởi Coteccons phải chịu những chi phí cơ hội khi chưa tìm kiếm được cơ hội đầu tư, đồng thời phản tác dụng đối với quản trị về tài chính.

Hoà Bình sẽ soán ngôi “anh cả”?

Coteccons đang sẵn sàng lấy lại phong độ, tuy nhiên, nếu kỳ vọng Coteccons sẽ sớm quay về với vị trí “anh cả” ngành xây dựng như trước đây, vẫn còn là điều chưa chắc chắn.

Gần đây, Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có ước tính cuối cùng cho kỳ cơ cấu chỉ số VN30 trong quý III. Trong đó, đơn vị này dự báo cổ phiếu CTD của Coteccons sẽ bị loại ra khỏi bộ chỉ số do giá trị vốn hóa thị trường thấp. Trong khi đó cổ phiếu KDH của Khang Điền sẽ là lựa chọn khả thi nhất để thay thế trong rổ chỉ số.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý I/2020, Coteccons ghi nhận 3.553 tỷ đồng doanh thu và 123 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Hai chỉ số này thậm chí còn sụt giảm so với quý I/2019, thời điểm thị trường bất động sản bắt đầu im lìm và rơi vào thế khó. Đáng nói, theo dự báo của nhiều tổ chức, thời điểm các ngành kinh doanh, trong đó có bất động sản và xây dựng, chịu tổn thương lớn nhất lại là quý II/2020.

Tự lực cải tổ chưa hẳn sẽ thành công lớn, giờ đây Coteccons càng thêm khó trên con đường tìm lại thời hoàng kim khi không còn thế “một mình một ngựa” trong ngành xây dựng lớn. Không khó nhận thấy, Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hoà Bình đã là một đối thủ đáng gờm từ năm 2015.

Đối thủ “muôn thuở” của Coteccons đang lớn rất nhanh. Năm 2019, Hoà Bình ghi nhận doanh thu 18.609 tỷ đồng, lãi ròng đạt 405 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này tuy cũng giảm liên tục từ năm 2017 như Coteccons nhưng vẫn giữ được mức 6,69% vào cuối năm ngoái.

Điều đáng nói, thị trường không nhìn rõ sự chững lại của Hoà Bình như Coteccons. Người bạn cùng tiến nhiều năm nay của Coteccons giờ đang chạy với tốc độ nhanh hơn. Trong 3 tháng đầu năm, đơn vị này ghi nhận doanh thu 2.441 tỷ đồng với mức biên lợi nhuận gộp phục hồi ở mức 7,7%.

Trong bảng xếp hạng công ty uy tín ngành Xây dựng - Vật liêu xây dựng năm 2020 do Vietnam Report công bố, Coteccons lần đầu rơi khỏi vị trí số một, nhường chỗ cho đối thủ trực tiếp Xây dựng Hòa Bình. Xếp hạng dựa trên các điểm số tính toán về tài chính, điểm media coding và khảo sát các chuyên gia trong ngành. 

Từ khi “tách đàn”, doanh nghiệp của ông Lê Viết Hải không hề là một nhà thầu kém kinh nghiệm nhưng luôn chật vật vì nguồn vốn mỏng. Với Hòa Bình, nợ vay lại chính là đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng.

Nhưng từ năm 2016 đến nay, vốn điều lệ của Hoà Bình tăng liên hồi. Đến hết quý I/2020, vốn điều lệ đã lên mức 3.863 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2016. Đặc biệt, ông Hải đã kêu gọi thành công hai cổ đông ngoại lớn là Hyundai Elevator rót 575 tỷ đồng vào tháng 4/2019 và nhận trợ lực từ quỹ đầu tư Hàn Quốc Korea Investment Management.

Gần đây, HĐQT Hòa Bình muốn huy động thêm 1.000 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi. Số tiền này nhằm trả cho các bên tư vấn liên quan, thanh toán nợ đến hạn, thực hiện dự án đầu tư và tăng quy mô hoạt động.

Empire 88 Tower khi khánh thành sẽ xô đổ mọi kỷ lục của Landmark 81 do Coteccons xây dựng. Ảnh: Empire City
Empire 88 Tower khi khánh thành sẽ xô đổ mọi kỷ lục của Landmark 81 do Coteccons xây dựng. Ảnh: Empire City

Dọc theo sông Sài Gòn, Landmark 81 được Coteccons xây dựng lung linh trong mắt mọi người như ngọn hải đăng cho nền kinh tế năng động. Toà nhà cao nhất Việt Nam đã đứng sừng sững suốt bốn năm qua giờ đây sắp lung lay về mặt kỷ lục.

Xuôi về phương Nam, ở bên bờ đối diện, những cột móng của Empire 88 Tower, toà nhà cao nhất Việt Nam trong tương lai, đang thành hình. Liệu chăng, khi Empire 88 kế nhiệm Landmark 81 cũng là lúc ngành xây dựng Việt Nam hoán đổi ngôi vương?

Từ cuối năm 2017 đến nay, CTD (mã cổ phiếu của Coteccons) là một trong những cổ phiếu khiến nhà đầu tư hụt tiền rất lớn. Đến tháng 3/2020, giá cổ phiếu CTD có lúc chỉ còn 45.000 đồng. Nhưng mọi chuyện thay đổi ngoạn mục sau màn giãn hoà trong ĐHCĐ thường niên 2020.

Ngay hôm sau đó, cổ phiếu CTD đã tăng kịch trần, trở thành một trong những mã đóng góp tích cực nhất cho chỉ số VN-Index. Mã này tiếp tục tăng hết biên độ trong phiên hôm 2/7, lên 79.600 đồng/cổ phiếu. Theo đóm vốn hóa của Coteccons tăng trở lại hơn 1.300 tỷ đồng.

Về diễn biến của cổ phiếu CTD, ông Nguyễn Bá Dương chia sẻ: “Giá cổ phiếu phản ánh lòng tin của nhà đầu tư, cung cầu của thị trường. Việc của chúng tôi là tập trung ổn định và xây dựng công ty ngày càng vững mạnh để gia tăng giá trị công ty, đem lại lợi ích, môi trường làm việc ổn định và tốt nhất cho các cán bộ công nhân viên, và các cổ đông của công ty và từ đó củng cố lòng tin của nhà đầu tư đối với Coteccons”.

Theo Phụ nữ Mới

 

Bạn đang đọc bài viết "Coteccons - Hòa Bình, 'ngôi vương' liệu có hoán đổi?" tại chuyên mục Thương hiệu. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.