Chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe với công dụng hỗ trợ giảm nguy cơ tăng acid uric và Cholesterol trong máu, hỗ trợ giảm triệu chứng đau nhức xương khớp nhưng sản phẩm NaviGout lại quảng cáo công dụng sản phẩm như thuốc chữa bệnh, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng.
Hồi tháng 4/2020, Cục An toàn thực phẩm đưa thông tin cảnh báo đến người tiêu dùng về việc nhiều website: http://goutvn.khopchackhoe.com/,
http://benhgut.biquyetsongkhoe.asia/1?gclid=EAIaIQobChMI0baDytDz6AIVCVZgCh3YWAQ1EAAYBCAAEgLUpPD_BwE, https://dongy.thaythuocgiadinh.online/navigout?gclid=EAIaIQobChMI_oK1lNDz6AIVD9iWCh2bHAUOEAAYASAAEgKSt_D_BwE chứa nội dung quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe NaviGuot không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Sản phẩm này được “nổ” với hàng loạt công dụng như: “Giải pháp tiêu trừ bệnh Gout dựa trên phương pháp đông y; giải quyết tận gốc bệnh Gút; giải quyết dứt khoát tận gốc bệnh gout nhanh chóng; hạ Axit Uric trong máu về mức an toàn; thanh lọc tinh thể muối Urat ra khỏi cơ thể; đánh tan cục Tophi lâu ngày; tiêu viêm, khử trùng giúp hết sưng, nóng đỏ; Chống viêm, hoạt huyết, giảm đau nhức; chấm dứt đau nhức - đẩy lùi" bệnh Gout độc đáo; chấm dứt đau nhức, hồi phục sức khỏe; ngăn chặn quá trình kết đọng tinh thể Urat, không lo tái phát lại gút; tăng cường chuyển hóa và đào thải Axit Uric trong máu ra ngoài cơ thể, làm sạch muối Urat tại khớp, tiêu trừ hạt Tophi…”.
Không chỉ đối với sản phẩm NaviGout, Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên khớp Đại Việt do Công ty TNHH Thương mại IAC công bố và chịu trách nhiệm cũng nhiều lần bị Cục An toàn thực phẩm thông tin cảnh báo đến người tiêu dùng, quảng cáo vi phạm quy định pháp luật trên nhiều website.
Từ tháng 5 đến tháng 10/2020, qua quá trình hậu kiểm, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện nhiều website quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên khớp Đại Việt gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo sử dụng hình ảnh bác sỹ, cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật ATTP quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.
Ngoài ra, các chuyên gia ngành Dược cũng khẳng định, TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, phòng ngừa bệnh tật, chứ không thể thay thế được thuốc điều trị bệnh.
Quy định của pháp luật hiện hành nghiêm cấm các đơn vị quảng cáo TPCN có thể gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc chữa bệnh hoặc dùng từ “chấm dứt”, “chữa khỏi”, “đẩy lùi”, giải quyết dứt khoát”,“điều trị”, “thoát khỏi”,… để nói về tác dụng của TPCN. Nhưng hiện nay, nhiều đơn vị đang cố ý quảng cáo bằng đủ mọi cách khiến người tiêu dùng hiểu nhầm công dụng thật sự của sản phẩm.