Mặc dù chỉ là đơn vị phân phối dự án Đông Bình Dương, thế nhưng Công ty HHA lại “xé rào” ngang nhiên mở bán, ký hợp đồng trái luật với khách hàng để huy động vốn, đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư, khách hàng.
Công ty HHA huy động vốn trái luật
Liên quan đến những dấu hiệu sai phạm tại dự án Khu đô thị (KĐT) Đông Bình Dương (phường Tân Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) mà Dân Việt cùng nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh, vừa qua Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã có thông tin phản hồi.
Theo Sở Xây dựng, dự án KĐT Đông Bình Dương tọa lạc tại phường Tân Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương có tổng diện tích 126 ha, do Công ty TNHH Phát triển Đông Bình Dương làm chủ đầu tư.
Năm 2003, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP HCM (Fideco) là chủ đầu tư dự án Khu dân cư – thương mại dịch vụ Đông Bình Dương với diện tích hơn 126 ha, tọa lạc tại phường Tân Bình, TX Dĩ An (nay là TP Dĩ An).
Sau đó, Fideco liên doanh với Công ty Onshine Investments. Ltd cho ra đời Công ty TNHH Phát triển Đô thị Đông Bình Dương để thực hiện dự án này. Đơn vị phân phối các sản phẩm đất nền tại dự án trên là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng HHA (Công ty HHA, trụ sở phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).
Đến ngày 25/9/2018, UBND Thị xã Dĩ An (nay là thành phố Thuận An) mới có quyết định về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ Đông Bình Dương.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khẳng định, đến nay Sở chưa có văn bản thông báo dự án KĐT Đông Bình Dương đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện chủ đầu tư dự án KĐT Đông Bình Dương đã tổ chức thi công hạ tầng trái phép, đồng thời ra quyết định xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư dự án này.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết thêm, theo quy định tại Khoản 8, Khoản 9, Điều 6 Luật Nhà ở năm 2014, đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm: chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở ủy quyền hoặc giao cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh, góp vốn hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện ký hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở, hợp đồng đặt cọc các giao dịch về nhà ở hoặc kinh doanh quyền sử dụng đất trong dự án; thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở không đúng quy định của Luật này.
Như vậy, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khẳng định, theo Khoản 8, Khoản 9 Điều 6 Luật Nhà ở năm 2014 thì đơn vị phân phối dự án bị nghiêm cấm ký hợp đồng hợp tác đầu tư, huy động vốn của khách hàng, nhà đầu tư. Việc “Đơn vị phát triển dự án” đứng ra giao dịch với người mua nhà dưới hình thức ký đặt cọc, ký hợp đồng mua bán và thu tiền của khách hàng là vi phạm điều cấm của Luật dẫn đến giao dịch vô hiệu, không có giá trị.
Thế nhưng, từ năm 2016, dự án này đã được đơn vị phân phối là Công ty HHA đã tiến hành thu tiền, huy động vốn từ khách hàng thông qua hình thức Hợp đồng hợp tác đầu tư dự án KĐT Đông Bình Dương.
Theo hồ sơ, tài liệu mà PV thu thập được, thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư KĐT Đông Bình Dương và các phiếu thu của Công ty HHA thể hiện, đơn vị này đã thu tiền của khách hàng lên tới 95% giá trị lô đất.
Mới đây, vào ngày 30/6, Công ty HHA đã gửi thông báo tới khách hàng về việc thu góp vốn đầu tư đợt 3 (95%) vào dự án KĐT Đông Bình Dương và dự kiến bàn giao mốc, vị trí đất cho khách hàng.
Khách hàng dễ gặp rủi ro
Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, khi đầu tư phát triển dự án nhà ở, việc huy động vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để đầu tư dự án thường được chủ đầu tư áp dụng tuy nhiên nếu không tuân thủ quy định pháp luật sẽ dẫn đến rủi ro cho chính bên góp vốn, tạo nên nhiều xung đột lợi ích và không ít dự án ảnh hưởng kéo theo đến người mua nhà tại dự án như các vụ việc xảy ra tại TP.Đà Nẵng, Khánh Hòa,…
Luật sư Phượng cho rằng, trên thị trường, các tổ chức kinh doanh bất động sản góp vốn vào dự án nhà ở của doanh nghiệp khác nhưng có tham gia điều hành, quản lý dự án được gọi với một khái niệm “Đơn vị phát triển dự án”.
Theo quy định Luật Nhà ở và Khoản 3 Điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì chủ đầu chỉ được huy động vốn cho dự án phải thông qua hợp đồng và chỉ được ký kết các hợp đồng này sau khi có đầy đủ điều kiện: dự án được phê duyệt, bàn giao mốc giới của dự án, đã có thông báo đủ điều kiện được huy động vốn của Sở Xây dựng nơi có dự án.
Như vậy, trường hợp “Đơn vị phát triển dự án” không thực hiện đúng quy định pháp luật thì dẫn đến hậu quả là chính hợp đồng giữa họ và chủ đầu tư dự án bị vô hiệu, không có giá trị pháp lý và bản thân họ cũng không bảo vệ được mình thì khó trông chờ bảo vệ cho bên thứ ba.
Mặc dù vừa mới bị xử phạt hành chính về việc thi công hạ tầng trái phép, thế nhưng chủ đầu tư dự án Đông Bình Dương vẫn không chịu khắc phục mà tiếp tục cố tình thi công, xây dựng nhằm thách thức pháp luật.
Cũng theo Luật sư Phượng, với các giao dịch bất động sản hiện nay, không ít các rủi ro đối với người mua nhà nên thận trọng, cân nhắc không vì một vài lợi ích nhỏ để bất chấp cố ký giao dịch và giao các khoản tiền lớn để nhận về các giao dịch tiềm ẩn các rủi ro. Cần đánh giá đối tác thông qua hình thức giao dịch, vai trò rõ ràng và chịu pháp lý của họ để quyết định trước khi đầu tư.
Công an tỉnh Bình Dương từng khẳng định, hiện nay Chính phủ đã nghiêm cấm các hành vi phân lô, bán nền tại các dự án khi chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và bắt buộc dự án phải được xây thô mới đủ điều kiện mở bán.
Cũng theo Công an tỉnh Bình Dương, theo quy định hiện hành, các thể loại hợp đồng giữ chỗ, hợp đồng góp vốn, hợp đồng nguyên tắc đều không có giá trị pháp lý và khi xảy ra sự cố như dự án không thể triển khai được thì người chịu thiệt hại là khách hàng.
Trí Nhân - Nguồn Dân Việt