Sau khi đổ vỡ ở Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay của nước này tràn sang Việt Nam.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đánh giá loại hình cho vay qua app ngày càng gia tăng rất nhanh về số lượng khách hàng và giá trị giải ngân, kéo theo tình hình khiếu nại trong nhóm dịch vụ tài chính này gia tăng.
Cơ quan này cũng từng phát đi cảnh báo cho biết mô hình cho vay trực tuyến đang xuất hiện nhiều biến tướng, trong đó một số công ty tư vấn hợp tác với các đơn vị kinh doanh dịch vụ cầm đồ, lãi suất cho vay cũng ở mức cắt cổ chứ không như quảng cáo.
Theo khảo sát của báo Pháp luật TP.HCM, số lượng app cho vay đến nay nhiều vô kể nhưng để tìm hiểu rõ nguồn gốc của từng app cho vay ngang hàng lại rất gian nan. Nhiều app như ruby.cashiz.com, akulaku.vn, atome.vn, uvay.vn… không hề giới thiệu chút thông tin nào về công ty mà chỉ thấy hướng dẫn cách tải app, các bước vay tiền như thế nào hoặc các chiêu dụ khách hàng như lãi suất 0%, lãi thấp, vô cùng hấp dẫn, vô cùng tiện lợi.
Báo này dẫn chứng app alivay.com, khi truy cập vào website chỉ có vài dòng giới thiệu cho vay cấp tốc bằng CMND. Khi truy cập vào các mục như giới thiệu sản phẩm, quá trình cho vay đều không có bất cứ thông tin nào mà chỉ xuất hiện một dòng chữ tiếng Trung Quốc, còn lại tất cả thông tin giới thiệu trên trang web đều trống trơn.
Tương tự, app TicTic – Vay tiền online nhanh được giới thiệu đây là app do Công ty Fantuan Technology Co., Ltd phát triển. Công ty này hiện có địa chỉ tại số 2 ngõ 31 phố Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Trong mục giới thiệu về công ty thấy khoe về các tổ chức hợp tác của công ty này gồm có Ngân hàng CITIC Trung Quốc, tài sản Huarong, Ngân hàng Nông nghiệp, Công ty Luật Yuheng, Ngân hàng Trung Quốc… cho thấy app TicTic có mối liên hệ mật thiết với các nhà đầu tư vốn từ Trung Quốc.
Đáng lưu ý, Pháp luật TP.HCM không loại trừ khả năng có một lượng không nhỏ là những công ty cho vay của các ông chủ người Trung Quốc nhưng mượn tên cá nhân người Việt Nam đứng trên giấy tờ pháp lý.
Trước đó, Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Qua nghiên cứu và theo dõi cho thấy hiện có khoảng 60-70 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay của Trung Quốc sau khi mô hình này đổ vỡ tại quốc gia này đã tràn sang Việt Nam.
Không chỉ ra con số cụ thể nhưng theo luật sư Trương Thanh Đức thì ước tính hiện có khoảng 50% ứng dụng cho vay qua điện thoại hoặc kết nối người vay và người cho vay theo hình thức cho vay qua app có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Tháng 3 năm nay, tại cuộc họp về hoạt động cho vay ngang hàng, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ở một số quốc gia, cho vay ngang hàng đã bị lợi dụng, từ đó biến tướng gây bất ổn an ninh kinh tế và xã hội. Thay vì làm trung gian kết nối thông tin, có công ty cho vay ngang hàng đã huy động tài chính đa cấp để lừa đảo, chiếm dụng vốn; huy động vốn để cho vay tràn lan, làm phát sinh nợ xấu, mất khả năng thanh toán và thực hiện chức năng thanh toán trung gian bất hợp pháp nhằm chiếm dụng vốn, lừa đảo…
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, những hệ luỵ này biểu hiện rõ nhất tại Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á. Khi Chính phủ Trung Quốc thắt chặt quản lý cho vay ngang hàng thì các công ty chuyển địa bàn hoạt động sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Cũng tại cuộc họp này, đại diện NHNN đưa ra con số: trong 40 công ty P2P Lending đang hoạt động ở nước ta thì có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia và Singapore. Đại diện NHNN cho biết một số công ty trong số 40 doanh nghiệp này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng.
Đầu tháng 11/2019, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã phối hợp, chỉ đạo hình sự Công an TP.HCM điều tra vụ án cho vay lãi nặng qua app với lãi suất 1.600%/năm do người Trung Quốc cùng đồng phạm thực hiện tại TP.HCM và các địa phương trong cả nước.
Theo đó, một số người nước ngoài (Trung Quốc) lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến (thường gọi là app), điển hình như ứng dụng Vaytocdo, Moreloan, VD online…
Khách khi có nhu cầu vay tiền phải tải ứng dụng trên về máy điện thoại di động của mình, điền đầy đủ các thông tin cá nhân, cung cấp hình ảnh CMND hoặc căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng; bắt buộc phải chọn mục “đồng ý” điều khoản “người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động”.
Sau đó nếu người vay không trả được nợ hoặc không đạt được thỏa thuận trả lãi với bên cho vay, các nhân viên thu hồi nợ sẽ gọi điện thoại khủng bố cho tất cả người trong danh bạ điện thoại của người vay (gồm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…) nhằm đe dọa, chửi bới và yêu cầu những người quen biết với người vay tiền phải tác động đến người vay tiền chuyển tiền trả nợ cho chúng.
Đây là hoạt động tín dụng đen sử dụng công nghệ cao, thủ đoạn mới, tinh vi, biến tướng của tín dụng đen ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người vay và người cho vay.
Bộ Công an cảnh báo người dân về thủ đoạn cho vay lãi nặng mới xuất hiện này. Đồng thời khuyến cáo người dân khi gặp khó khăn về tài chính hãy tìm đến các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng tin cậy để được hỗ trợ; cảnh giác cao với vay tiền qua các ứng dụng (app, web) trên mạng Internet.
Minh Thái (Tổng hợp) - Theo Báo Đất Việt
https://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/cong-ty-cho-vay-ngang-hang-trung-quoc-tran-sang-viet-nam-3392585/