Ngày 8/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố bắt tạm giam 3 lãnh đạo TCT Bình Dương liên quan đến những sai phạm tại dự án KĐT Tân Phú 43 ha. Như vậy, quyền lợi của hàng trăm khách hàng mà Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh (thuộc Kim Oanh Group) đã vay tiền, huy động vốn để được quyền chọn mua đất ở dự án này sẽ ra sao? Trong khi, việc chuyển nhượng vốn tại Công ty Tân Phú giữa Kim Oanh Group với Công ty Âu Lạc lại có những bất thường và dấu hiệu né thuế?
Quyền lợi của hàng trăm khách hàng đang bỏ ngỏ!
Liên quan đến dự án khu Đô thị – Thương mại – Dịch vụ Tân Phú (DA KĐT Tân Phú), trong “Đơn kêu oan để giải cứu doanh nghiệp” ngày 17/2/2020 của Kim Oanh Group, do bà Đặng Thị Kim Oanh ký tên cho biết: “Ngày 2/10/2017 và ngày 6/2/2018 Công ty Kim Oanh và Công ty CP bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc) đã ký 2 hợp đồng với nội dung Công ty Âu Lạc chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn góp trong Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh”.
Theo Kim Oanh Group, sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, Công ty Kim Oanh đã nhanh chóng bắt tay vào đầu tư phát triển DA. Tại website của Kim Oanh Group vào tháng 1/2018 đã đăng tin về lễ khởi công DA KĐT Tân Phú (tọa lạc giao lộ Phạm Ngọc Thạch – Võ Văn Kiệt TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Thế nhưng, ngay sau đó Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 08/QĐ-XPVPHC ngày 12/2/2018 đối với Công ty Tân Phú, do đã có hành vi vi phạm tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định, yêu cầu Công ty ngừng việc tổ chức thi công xây dựng tại DA.
Tuy nhiên, thông qua nhiều hình thức khác nhau như hợp đồng vay vốn, góp vốn…chủ đầu tư mới đã huy động vốn của hàng trăm khách hàng. Vấn đề đặt ra là: Đã có bao nhiêu khách hàng cho vay vốn, góp vốn với Kim Oanh Group để thực hiện đầu tư tại DA KĐT Tân Phú? Theo quy hoạch 1/500, KĐT Tân Phú được phân lô hơn 2.000 nền đất. Trong khi đó, tại bản cân đối kế toán ngày 31/12/2018 của Công ty Tân Phú thì tổng cộng tài sản là hơn 1.396,9 tỷ đồng (trong khi đó, số vốn đầu năm chỉ hơn 277,6 tỷ đồng), nợ phải trả là hơn 1.047,1 tỷ đồng (nợ ngắn hạn là hơn 922,9 tỷ đồng). Liệu số tiền nợ phải trả có phải là tiền huy động từ khách hàng của Kim Oanh Group tại DA KĐT Tân Phú 43 ha này?
Với tài liệu chúng tôi có được, chỉ tính từ thời điểm tháng 7/2018 đến hết tháng 10/2019 Kim Oanh Group đã có 615 giao dịch được chuyển tiền qua ngân hàng theo số tài khoản của Công ty Tân Phú với tổng số tiền lên đến hơn 466,4 tỷ đồng (chưa kể lượng giao dịch tiền mặt). Trong đó, có những giao dịch có tổng giá trị chuyển nhượng lên đến hơn 37 tỷ đồng và tháng 1/2019 đã chuyển cho Công ty Tân Phú hơn 33,3 tỷ đồng để đặt quyền chọn mua 07 lô đất có tổng diện tích 856 m2. Với giao dịch này có thể thấy được, 07 lô đất này được bán với giá hơn 43,2 triệu đồng/m2.
Tại bản hợp đồng được ký kết với khách hàng có giá trị lên đến hơn 37 tỷ đồng nêu trên, điều kiện hợp đồng được ghi rất rõ “Bên B là chủ đầu tư dự án KĐT Tân Phú; dự án hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện các bước thủ tục pháp lý có liên quan để triển khai hạ tầng và sớm đưa sản phẩm ra kinh doanh. Bên B đồng ý dành cho bên A quyền chọn mua sản phẩm với các chính sách ưu đãi của bên B tại thời điểm công bố chính thức “quyền chọn” khi dự án đáp ứng các điều kiện pháp lý theo quy định của pháp luật”. Phân tích về điều kiện tại hợp đồng này, một chuyên gia về bất động sản khẳng định: “Sai rồi, cái này mà kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, thanh tra tỉnh, thanh tra chính phủ…vào kiểm tra là đủ chứng cứ kết luận huy động vốn trái phép”.
Và hiện nay, tính pháp lý của DA KĐT Tân Phú chưa rõ ràng, chưa có giấy phép xây dựng, Công ty Kim Oanh không phải là chủ đầu tư… Và hơn hết, DA này đang là tang vật của vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Tổng Công ty sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương mà Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố số 02/PC03(Đ4) ngày 16/12/2019… thì quyền lợi của hàng trăm khách hàng đã “lỡ” cho Kim Oanh vay tiền thì thế nào? Khách hàng cần phải tự vệ, liên hệ với cơ quan bảo vệ pháp luật để được bảo vệ trước khi quá muộn!
Phải chăng dùng giao dịch “ma” để né thuế?
Đến nay, những sai phạm của lãnh đạo Tổng Công ty CP Sản xuất xuất nhập khẩu Bình Dương (TCT Bình Dương) tại DA KĐT Tân Phú đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ. Trong khi đó, tại “Đơn kêu oan để giải cứu doanh nghiệp”, về vụ việc liên quan đến sai phạm tại TCT Bình Dương, Kim Oanh Group cho rằng: “Xét về góc độ pháp luật, Công ty Kim Oanh hoàn toàn không biết các vấn đề nêu trên và hoàn toàn không liên quan mà chỉ giao dịch dân sự với một công ty 100% vốn tư nhân và đã tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật. Như vậy, với tư cách là bên thứ ba ngay tình…”. Tuy nhiên, với những tài liệu chúng tôi có được thì việc chuyển nhượng vốn giữa Công ty Âu Lạc với Kim Oanh Group tại Công ty Tân Phú lại có rất nhiều dấu hiệu bất thường và có dấu hiệu trốn thuế lên tới nhiều tỷ đồng?
Ngoài 03 lãnh đạo TCT Bình Dương bị khởi tố bắt tạm giam thì trước đó, ngày 28/03/2020 CQCSĐT Bộ Công an cũng đã khởi tố bắt tạm giam 03 lãnh đạo của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú). Cả 06 lãnh đạo của 2 DN lớn này bị bắt đều liên quan trực tiếp đến những DA các DN này nhưng đã bị Kim Oanh Group “thâu tóm”. |
Giá chuyển nhượng vốn tại Công ty Tân Phú giữa Công ty Âu Lạc với Kim Oanh Group là bao nhiêu, đang cần cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ (?). Trong một cuộc trao đổi với phóng viên về việc mua lại vốn tại Công ty Tân Phú, bà Đặng Thị Kim Oanh cho biết, giá mua ngang với giá vốn của Công ty Tân Phú. Theo bảng cân đối kế toán đến ngày 31/12/2017 của Công ty Tân Phú tổng tài sản là hơn 277,6 tỷ đồng, nợ ngắn hạn hơn 77,6 tỷ đồng; hàng tồn kho là hơn 250 tỷ. Giá vốn này phù hợp với 05 giao dịch chuyển tiền của cá nhân bà Đặng Thị Kim Oanh và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh để góp vốn. Trong đó, có 04 lần Công ty Kim Oanh chuyển tiền cùng ngày 31/01/2018 với nội dung “Thanh toán tiền theo hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp N19.09.2017 (Tan Phu)”, tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng.
Theo diễn biến vụ việc thì việc chuyển nhượng vốn tại Công ty Tân Phú giữa Kim Oanh Group với Công ty Âu Lạc đã hoàn tất vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Tuy vậy, tại báo cáo tình hình tài chính năm 2017, 2018 của Công ty Âu Lạc lại không thể hiện dòng tiền, thuế thu nhập DN từ việc chuyển nhượng vốn tại Công ty Tân Phú (?).
Thực tế, trước đó ngày 2/8/2017 TCT Bình Dương đã ký chuyển nhượng 30% giá trị vốn góp với Công ty Âu Lạc là hơn 161,1 tỷ đồng (dòng tiền này cũng không được thể hiện tại báo cáo tình hình tài chính của Công ty Âu Lạc). Nếu tính theo giá chuyển nhượng này, thì tổng giá trị Công ty Tân Phú sẽ là 537 tỷ đồng (lấy 161,1 tỷ : 30% x 100% = 537 tỷ). Như vậy, việc chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Kim Oanh Group thì Công ty Âu Lạc đã chấp nhận bán thấp so với giá trị được tính với TCT Bình Dương lên đến hơn 327 tỷ đồng (?). Trong đó, giá trị KĐT Tân Phú được tính theo bảng giá đất quy định của UBND tỉnh Bình Dương năm 2016 thì tổng giá trị đất lên khoảng 3.124 tỷ đồng.
Trước dấu hiệu bất thường khi không có dòng tiền thể hiện trong báo cáo tài chính của Công ty Âu Lạc, liệu đây có phải là cuộc “bắt tay”, dùng giao dịch “ma” trong chuyển nhượng vốn tại Công ty Tân Phú giữa Công ty Âu Lạc với Kim Oanh Group nhằm “qua mặt” cơ quan chức năng để né thuế?