Theo đăng ký kinh doanh, Công ty Aesthetic Solution Diệp Anh có ngành nghề chính là bán buôn, bán lẻ đồ dùng gia đình, thực phẩm, thiết bị y tế… Công ty này cũng được biết đến là doanh nghiệp phân phối sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN), mỹ phẩm đều có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài, cung cấp cho các bệnh viện và cơ sở thẩm mỹ.
Công ty bán buôn mỹ phẩm - TPCN, tổ chức hội thảo quảng cáo “nổ” công dụng sản phẩm trá hình?
Theo phản ánh, thời gian qua, trên mạng xã hội Công ty Aesthetic Solution Diệp Anh được cho là thường xuyên đăng tải nhiều quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng do đơn vị phân phối nhưng lại có dấu hiệu vi phạm, sai công dụng sản phẩm?
Tìm hiểu của phóng viên, tại trang Facebook có tên Estilad Vietnam, thường xuyên đăng tải các bài viết quảng cáo về loại mỹ phẩm có tên “Estilad aesthetics” gồm dạng tiêm, viên uống và dạng kem bôi dưỡng với rất nhiều ngôn ngữ chỉ sử dụng cho thuốc như “trị, đặc trị, đánh bay, trị tận gốc…”
Một số bài quảng cáo khác, còn ngang nhiên “tự phong” sản phẩm của Công ty Aesthetic Solution Diệp Anh phân phối là “thần dược”. Ví dụ, nội dung quảng cáo dòng kem dưỡng Skin Booster Stem Cells Serum đăng ngày 1/4/2022, trong đó có ghi: “Thần dược giải quyết mọi vấn đề của làn da”.
Hay trong bài quảng cáo ngày 30/3, về sản phẩm Whitening 1500 do Công ty Aesthetic Solution Diệp Anh phân phối viết: “Hô biến làn da sạm nám trở nên trắng sáng mịn màng”; Hoặc ở bài quảng cáo về sản phẩm mỹ phẩm dạng tiêm năm 2021, thì ghi là “đặc trị mụn...”. Cùng với đó là rất nhiều quảng cáo các sản phẩm có dấu hiệu không đúng với công dụng của TPCN, mỹ phẩm theo quy định của Bộ Y tế.
Đáng chú ý, vào ngày 15/7 vừa qua, Công ty Aesthetic Solution Diệp Anh đã tổ chức buổi hội thảo có tiêu đề “Cập nhật các hoạt chất kinh điển trong điều trị nám bằng công thức Messo mới”, tại Trung tâm tổ chức sự kiện Star Galaxy 87 Láng Hạ (Hà Nội), quy tụ hàng trăm chị em phụ nữ.
Tại hội thảo, Công ty Aesthetic Solution Diệp Anh tự in ấn, phát cho khách tham dự tài liệu quảng cáo sai công dụng về sản phẩm, trong đó ghi các sản phẩm có công dụng điều trị, đặc trị… Điều này khiến không ít khách mời bất ngờ và tỏ ra hồ nghi, thắc mắc đặt câu hỏi: Phải chăng Công ty Aesthetic Solution Diệp Anh quảng cáo, nổ công dụng sản phẩm mỹ phẩm - TPCN trá hình?
Nghi vấn tổ chức đào tạo, xâm lấn chui?
Tìm hiểu của phóng viên, trên mạng xã hội Công ty Aesthetic Solution Diệp Anh cũng thường xuyên đăng tải các buổi tổ chức hội thảo, tư vấn thẩm mỹ, làm đẹp cho các spa, thẩm mỹ viện trên địa bàn Hà Nội. Thậm chí, trong quảng cáo trên mạng còn xuất hiện hình ảnh Công ty này tổ chức đào tạo tiêm, xâm lấn ngay tại trụ sở văn phòng.
Đặc biệt hơn, trong nhiều clip, hình ảnh đăng tải thì ông Nguyễn Văn Lân - Giám đốc Công ty Aesthetic Solution Diệp Anh còn xuất hiện trên bục như thể đang tư vấn, giảng dạy cho các học viên mặc áo blue ngồi dưới?
Nhằm đa chiều, khách quan các thông tin liên quan phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Lân - Giám đốc Công ty Aesthetic Solution Diệp Anh, thì vị này cho rằng việc tài liệu phát cho khách tại hội thảo ghi công dụng sản phẩm là “đặc trị, trị…”, có thể là do ngôn ngữ sai sót và sẽ khắc phục.
Thiết nghĩ, việc Công ty Aesthetic Solution Diệp Anh quảng cáo trên mạng, tổ chức hội thảo, in ấn phát tài liệu ghi sai công dụng sản phẩm cũng là một trong những sự việc cần được Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, Cục ATTP vào cuộc xử lý nghiêm.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Việc các sản phẩm TPCN, mỹ phẩm quảng cáo sai công dụng gây hiểu lầm xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội đã và đang là vấn đề nhức nhối cần cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm, triệt để.
Việc Công ty Aesthetic Solution Diệp Anh in ấn tài liệu, phát cho khách mời trong hội thảo cũng là một dạng quảng cáo. “Bên cạnh việc xử lý đối với công ty quảng cáo sai sản phẩm thì cơ quan chức năng cần làm rõ xem hội thảo này đã được xin phép đúng quy định chưa?”
*Tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 181/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật quảng cáo về quảng cáo mỹ phẩm nêu rõ: “Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”. Nếu vi phạm sẽ phải chịu xử phạt hình chính với mức phạt từ 120 triệu đồng đến 160 triệu đồng quy định tại khoản 3 Điều 5, khoản 5 Điều 34 và khoản 4 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.”(Điểm b, khoản 2 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP). *Nghị định 158/2013/NĐ-CP và Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi thì mức phạt đối với hành vi quảng cáo TPCN như sau: Phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo TPCN và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng, gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc. Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi không đọc rõ ràng nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” khi quảng cáo TPCN trên báo nói, báo hình. Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm thiếu một trong các nội dung tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm, tác dụng chính và phụ đối với TPCN; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Mức phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo TPCN dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin; buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo. |