Từ năm 2022 đến nay, tình trạng xây dựng trái phép (không phép và sai phép) ở Bình Dương xảy ra tràn lan với hàng trăm trường hợp. Nhiều nơi xây dựng các công trình lớn nhưng vẫn triển khai vô tư như chốn không người.
“Có người “chọt” nên Phòng Quản lý đô thị mới xuống kiểm tra”…
Theo quy hoạch của tỉnh Bình Dương, các công ty, nhà xưởng nằm trong khu dân cư đều phải di dời để lấy diện tích đất ưu tiên xây dựng các khu nhà ở cho người dân có thu nhập thấp. Một trong những địa bàn triển khai thí điểm chính sách này vào năm 2024 là TP Thuận An.
Trong khi TP này chưa thực hiện chính sách di dời thì hàng loạt công trình nhà xưởng không phép vô tư mọc lên. Nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai, khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao là công trình nhà xưởng rộng hơn 1.000 m2 được xây dựng kiên cố và đã hoàn thiện.
Chủ công trình này cho biết ông đang cho thuê nhà xưởng với giá 65 triệu đồng/tháng. Khi PV hỏi nhà xưởng có giấy phép xây dựng không thì được trả lời là không.
“Bình thường thì cứ xây dựng không ai nói gì, mà tại có người “chọt” nên Phòng Quản lý đô thị mới phải xuống kiểm tra và xử phạt thôi. Cứ yên tâm thuê và sử dụng thoải mái, không ai đến tháo dỡ đâu. Chúng tôi đã nộp phạt rồi, mà đã nộp phạt là được tồn tại, không có chuyện tháo dỡ đâu” - người này khẳng định.
Ghi nhận trên địa bàn phường Thuận Giao, nhiều nhà xưởng khác có diện tích “khủng” xây “lụi” nhưng không bị phát hiện và xử lý. Trong các khu dân cư, không khó để bắt gặp những nhà xưởng rộng từ 500 m2 đến hàng ngàn mét vuông.
Ngoài những công trình đã tồn tại từ lâu thì cũng dễ dàng nhận ra các nhà xưởng mới được xây dựng xong. Có nhà xưởng còn chưa đi vào hoạt động và đang để bảng cho thuê.
Tại tuyến đường D1 nằm trong khu dân cư Thuận Giao, khu nhà xưởng có diện tích khoảng hơn 300 m2 do ông NAT làm chủ đầu tư cũng mới được xây dựng xong. Thời điểm PV có mặt (ngày 8-3), vẫn còn một số thợ hoàn thiện nốt công trình phụ bên ngoài.
Trên tuyến đường D1 và đường song song với tuyến đường này, hay như trên tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, nhiều công trình nhà xưởng khác cũng mới được xây dựng xong nhưng vẫn không hề hấn gì.
Ngoài các khu nhà xưởng, khu nhà trọ xây dựng không phép của ông TLH trên đường Thuận An Hòa (hơn 2.700 m2 với khoảng gần 100 phòng trọ) cũng đang được xây dựng.
Thời điểm PV ghi nhận vào ngày 8-3, công trình này toàn bộ đã được xây gạch lên đến phần mái. Bên trong có rất nhiều công nhân đang thi công, cửa công trình mở toang, các xe chở vật liệu vẫn ra vào thường xuyên.
Một công trình “khủng”, nằm ngay đường lớn nhưng tuyệt nhiên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không hề có động tĩnh gì.
“Không có chuyện cán bộ dung túng, bao che cho các trường hợp vi phạm. Nhưng do địa bàn rộng, dân cư đông, cán bộ quản lý về xây dựng quá ít nên có lúc, có nơi còn chưa kịp thời phát hiện, xử lý.”
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thuận Giao
Phường: “Vẫn thường xuyên kiểm tra, quyết liệt ngăn chặn”
Sau khi ghi nhận thực trạng các công trình xây dựng không phép trên địa bàn phường Thuận Giao, PV đã phản ánh 10 công trình xây dựng không phép đến lãnh đạo UBND phường Thuận Giao và UBND TP Thuận An.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thuận Giao, cho biết các công trình xây dựng như phản ánh, phường đã nắm và đã kiểm tra, xử lý.
Cụ thể, bà Ngọc cho biết trong 10 công trình PV cung cấp thì có tám công trình xây dựng không phép, hai công trình xây dựng sai phép.
Trong đó, đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính chín công trình (bảy công trình có quyết định xử phạt), còn một trường hợp chưa lập biên bản vi phạm hành chính (lý do là chưa liên hệ được với người chủ).
Qua hồ sơ bà Ngọc cung cấp, công trình nhà xưởng của ông NAT đã xây dựng xong. Tuy nhiên, sau khi PV phản ánh đến chính quyền địa phương thì ngày 15-3, UBND phường phối hợp với Phòng Quản lý đô thị lập biên bản vi phạm hành chính (chưa có quyết định xử phạt).
Tương tự, công trình nhà trọ của ông TLH cũng mới lập biên bản vi phạm hành chính vào ngày 16-3. Đến ngày 17-3, PV quay lại công trình xây dựng này thì ghi nhận bên ngoài cửa cổng đã đóng kín nhưng bên trong vẫn còn hàng chục công nhân đang xây dựng.
Vì sao các công trình đều có quy mô lớn nhưng khi xây dựng thì chính quyền địa phương không biết mà để công trình hoàn thiện mới phát hiện?
Bà Ngọc giải thích do bà mới về làm lãnh đạo tại địa phương chưa lâu nên chưa sát sao hết tất cả công việc. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý về xây dựng tại địa phương quá ít, địa bàn rộng, dân cư đông nên phần nào chưa thể quản lý chặt chẽ.
Theo bà Ngọc, các công trình này từ khi xây dựng cũng đã được cán bộ địa phương xuống nhắc nhở, yêu cầu dừng thi công nhưng người dân vẫn lén lút làm.
Theo bà Ngọc, chính quyền địa phương vẫn thường xuyên kiểm tra, quyết liệt ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép. “Không có chuyện cán bộ dung túng, bao che cho các trường hợp vi phạm. Nhưng do địa bàn rộng, dân cư đông, cán bộ quản lý về xây dựng quá ít nên có lúc, có nơi còn chưa kịp thời phát hiện, xử lý” - bà Ngọc nói.
Bà Ngọc khẳng định gần đây nhất chỉ có 10 công trình này xây dựng không phép, sai phép và chưa phát hiện công trình nào khác. Thế nhưng, khi PV cung cấp thêm một số công trình nhà xưởng mới được xây dựng xong (không phép) thì bà Ngọc không biết.•
Bình Dương: Phát hiện, xử phạt hơn 1.000 trường hợp xây dựng trái phép Theo Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, năm 2022, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.054 trường hợp xây dựng trái phép. Trong đó, xây dựng không phép là 688 trường hợp và trái phép là 366 trường hợp. Theo đó, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã ban hành các quyết định xử phạt với số tiền gần 16 tỉ đồng. Riêng quý I-2023, các đơn vị chức năng của tỉnh Bình Dương đã phát hiện 254 trường hợp xây dựng không phép và ban hành 257 quyết định xử phạt với số tiền hơn 8 tỉ đồng. |