Hàng loạt công trình xây dựng không phép tại vườn quốc gia Cát Bà đang trở thành vấn đề nhức nhối, cần xử lý dứt điểm.
Sai phạm tồn tại dai dẳng
Như Báo Giao thông đã ghi nhận, tới thời điểm hiện tại, các công trình xây dựng không phép của 9 doanh nghiệp, cá nhân vẫn ngang nhiên tồn tại, "băm nát" vườn quốc gia Cát Bà, bất chấp TP Hải Phòng đã có nhiều chỉ đạo khắc phục, yêu cầu tháo dỡ. Hiện trong vườn quốc gia Cát Bà, vẫn còn nhiều công trình với sắt, thép, bê tông đang hoen gỉ gây mất mỹ quan, thiếu an toàn, một số công trình thậm chí hiện vẫn còn đang lén lút xây dựng.
Mới đây nhất, đoàn liên ngành huyện Cát Hải đã đi kiểm tra thực tế tại 7 điểm du lịch trên các trên các vịnh, đảo thuộc quần đảo Cát Bà, bao gồm: Công ty Cổ phần (CTCP) thương mại Thanh Bình; CTCP khu du lịch đảo Cát Bà; CTCP dịch vụ du lịch đảo Cát Dứa; Công ty TNHH du lịch, dịch vụ, thương mại, thủy sản Thùy Trang; CTCP thương mại Tùng Long; Công ty TNHH Đảo Cát và CTCP đầu tư thương mại và dịch vụ Đông Kinh.
Qua kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện hàng loạt những sai phạm của các đơn vị này liên quan đến các vấn đề phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động du lịch và công tác trật tự xây dựng, cấp điện, cấp nước…
Cụ thể, về công tác PCCC và an ninh trật tự, có 3 doanh nghiệp là CTCP dịch vụ du lịch đảo Cát Dứa, Công ty TNHH Đảo Cát và Công ty Cổ phần (CTCP) thương mại Thanh Bình chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu về PCCC và ANTT. Riêng CTCP thương mại Thanh Bình không có hồ sơ PCCC, giấy chứng nhận về đủ điều kiện an ninh trật tự.
Đối với công tác bảo vệ môi trường, có tới 6/7 doanh nghiệp không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hầu hết tại các điểm liên doanh, liên kết nói trên, nước thải phát sinh trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ được thu gom vào các bể tự hoại, tự thấm, không có hệ thống xử lý nước thải.
Ngoài ra, có 6/7 doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu về hoạt động của bãi tắm, còn thiếu cơ sở vật chất như phao tiêu, dây pha, cờ chỉ giới, biển báo vùng hành lang an toàn, biển báo khu vực nguy hiểm và phòng thường trực cấp cứu, nhân viên y tế. Đặc biệt, cả 7 cơ sở xây dựng các công trình không có giấy phép, trong đó có tới 6 đơn vị sử dụng hệ thống máy phát điện nhưng không có hồ sơ an toàn điện.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết: Qua kiểm tra phát hiện hàng loạt những sai phạm của các điểm du lịch liên quan đến một số lĩnh vực, UBND huyện Cát Hải đã tổng hợp báo cáo với thành phố và tiếp tục kiểm tra, làm rõ theo quy định.
Sai phạm nghiêm trọng, xử lý chậm trễ
Câu chuyện “băm nát” vườn quốc gia (VQG) Cát Bà bắt đầu từ năm 2003, khi đó doanh nghiệp chưa có thủ tục đầu tư theo quy định, chưa được UBND TP Hải Phòng phê duyệt Đề án cho thuê môi trường để kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên tại VQG Cát Bà, nhưng VQG Cát Bà thông qua Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường cho liên doanh, liên kết với một số doanh nghiệp xây dựng phòng nghỉ trên diện tích 150ha mặt nước và gần 1,5ha đất rừng trên các đảo Nam Cát, Cát Dứa, Hòn Ba Bằng, Bãi Tháp Nghiêng thuộc VQG Cát Bà.
Thậm chí việc sử dụng đất rừng, mặt nước VQG Cát Bà của doanh nghiệp có giai đoạn không được thông qua Hợp đồng kinh tế nào với cơ quan có thẩm quyền.
Những sai phạm tại VQG Cát Bà được đánh giá là nghiêm trọng, thế nhưng công tác xử lý lại vô cùng chậm trễ. Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, ngày 27/8/2020, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã họp với các ban ngành thành phố và huyện Cát Hải. Trên cơ sở đề nghị của Thanh tra TP Hải Phòng, ông Tùng đã giao Công an TP Hải Phòng có văn bản xác định công trình xây dựng tại các điểm liên doanh, liên kết trong VQG Cát Bà có phải là vật chứng vụ án hình sự tội lợi dụng chức vụ ,quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại đây hay không? Đồng thời, giao các sở ngành và huyện Cát Hải kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, trật tự xây dựng, phòng chống cháy nổ, lưu trú, bảo vệ môi trường…
Ngày 4/9/2020, đoàn công tác của UBND TP Hải Phòng đã kiểm tra thực tế và sau đó, thành phố tiếp tục có văn bản chỉ đạo việc tháo dỡ các công trình vi phạm liên quan đến hoạt động liên doanh, liên kết tại VQG Cát Bà để hoàn trả mặt bằng cho VQG quản lý và trồng cây theo đúng quy định.
Văn bản nêu rõ: "Trường hợp các doanh nghiệp không hợp tác trong việc tháo dỡ công trình vi phạm, UBND huyện Cát Hải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thủ tục và tổ chức cưỡng chế theo quy định pháp luật trong thời gian sớm nhất".
Tiến Nguyễn - Theo Giao thông