Con đường chuyển hoá ‘đất công’ thành dự án ngàn tỷ Charmington Iris

26/03/2020 12:20

Từ khu đất thuộc quyền quản lý của nhà nước, sau quá trình chuyển đổi, hợp tác lòng vòng, Charmington Iris đã trở thành dự án ngàn tỷ, rơi vào tay công ty tư nhân.

Từ khu đất thuộc quyền quản lý của nhà nước, sau quá trình chuyển đổi, hợp tác lòng vòng, Charmington Iris đã trở thành dự án ngàn tỷ, rơi vào tay công ty tư nhân.

Đất công?

Được biết, khu đất 76 Tôn Thất Thuyết, phường 16, quận 4 ban đầu được Thủ tướng Chính phủ giao cho Nhà máy thủy tinh Khánh Hội theo Quyết định 607/TTg tháng 10/1994. Sau khi tiếp quản, Sabeco liên doanh với đối tác Malaysia thành lập Công ty TNHH Malaya Việt Nam (MVG) để làm nhà máy sản xuất bao bì thủy tinh phục vụ sản xuất.

Trong liên doanh này, Sabeco góp 30% vốn điều lệ, số tiền này được dùng thuê khu đất trong 12 năm đầu để góp vốn vào liên doanh với đối tác nước ngoài. Từ năm thứ 13 trở đi, liên doanh mới phải nộp tiền thuê đất cho nhà nước. Nhưng theo quyết định sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước ban hành năm 2007, khu đất này không thuộc diện Sabeco được tiếp tục quản lý, sử dụng.

Theo đó, với quyết định này thì Sabeco không còn được hưởng giá trị lợi thế của khu đất. Tuy nhiên, đến năm 2009, Sabeco và Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ du lịch Hiệp Phúc (Công ty Hiệp Phúc) cùng MVG ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư để khai thác khu đất. Mặc dù thời điểm này, MVG đã có kế hoạch di dời nhà máy đến nơi khác.

Ngày 27/03/2015, Sabeco có báo cáo đề xuất Bộ Công thương được hợp tác với Công ty Hiệp Phúc với số vốn góp 26% vốn điều lệ, thông qua việc thành lập một pháp nhân mới để triển khai dự án căn hộ thương mại tại khu đất 76 Tôn Thất Thuyết. Đề xuất này đã được Bộ Công thương chấp thuận vào ngày 14/01/2016, cho phép thành lập liên doanh theo đề xuất của bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco.

Ngày 15/01/2016, hợp đồng hợp tác giữa Sabeco và Công ty Hiệp Phúc được ký kết theo đúng đề xuất nói trên. Ngày 03/02/2016, Công ty TNHH đầu tư Sabeco HP (Sabeco HP) được thành lập do bà Nguyễn Thị Phước làm Tổng giám đốc. Trong liên doanh này, công ty Hiệp Phúc chiếm 74% vốn điều lệ, Sabeco chiếm 26% vốn điều lệ. Được biết, bà Phước hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại Địa ốc Việt (Vietcomreal).

Phối cảnh dự án ngàn tỷ Charmington Iris

Cũng liên quan đến khu đất, theo một báo cáo từ bộ phận quản lý vốn Nhà nước của Sabeco với Bộ Công thương năm 2015 thì, MVG đã có văn bản không tiếp tục tham gia đầu tư từ tháng 07/2013. MVG cũng cho biết là đến 30/06/2016, Sabeco và Hiệp Phúc không được UBND TP.HCM cho phép làm chủ đầu tư dự án tại 76 Tôn Thất Thuyết thì MVG sẽ trả lại khu đất này cho Nhà nước.

Nhằm giữ lại khu đất 76 Tôn Thất Thuyết, trong một báo cáo của Sabeco với Bộ Công thương có đoạn trích dẫn: “Công ty Hiệp Phúc đã chuyển tiền cho MVG để MVG nộp tiền thuê đất, từ 01/07/2013 đến 30/05/2016 khoảng 15 tỉ đồng hằng năm”. Dù trước đó, từ tháng 07/2013 đến tháng 12-2015, sau khi di dời nhà máy MVG không nộp tiền thuê đất hằng năm cho Nhà nước vì MVG không muốn giữ lại khu đất này.

Dự án ngàn tỷ được hình thành rồi bị thu hồi

Ngày 12/08/2016, dự án đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 4140/QĐ-UBND. Dự án cũng được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 theo Văn bản số 4404/SQHKT-QHKTT ngày 27/09/2016 của Sở Quy hoạch Kiến trúc cho công ty Sabeco HP.

Tiếp đó, ngày 18/11/2016, UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi hơn 34.000m2 đất trước đây của MVG để giao cho Sabeco HP đầu tư hạ tầng toàn bộ khu vực theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời chấp thuận cho Sabeco HP sử dụng hơn 16.000m2 từ tổng diện tích đất thu hồi nói trên để đầu tư dự án trung tâm dịch vụ thương mại căn hộ theo quyết định số 6057/QĐ-UBND.

Đến ngày 01/09/2017, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký Quyết định số 4689/QĐ-UBND về duyệt Phương án giá đất theo giá thị trường đối với khu đất số 76 Tôn Thất Thuyết, phường 16, Quận 4 giá trị quyền sử dụng đất ở có tổng diện tích hơn 1,6ha với được duyệt là hơn 384 tỷ đồng, tương đương đơn giá đất là hơn 23 triệu đồng/m2.

Thời điểm này, dư luận dấy lên nghi vấn Sabeco HP có được ưu ái khi phê duyệt giá đất ở khu đất này với đơn giá chỉ 23 triệu đồng/m2? Tại sao khu đất không được giao không thông qua đấu giá? Liệu Nhà nước có bị thất thu ngân sách hay không? Trong khi đó, năm 2011 UBND TP.HCM ban hành Công văn số 3029/UBND-ĐTMT về bổ sung đơn giá đất ở để tính bồi thường, hỗ trợ trong dự án nâng cấp đô thị Thành phố số 2 trên địa bàn phường 16, phường 18, quận 4.

Theo đó, đất mặt tiền đường Tôn Thất Thuyết (đoạn từ Xóm Chiếu đến đường Nguyễn Thần Hiến) có giá gần 54 đồng/m2; Hẻm 66 Tôn Thất Thuyết (hẻm xi măng cấp 1, vị trí 4) có giá hơn 23 đồng/m2; Hẻm xi măng cấp 2, vị trí 3 có giá  22 triệu đồng/m2; Hẻm xi măng cấp 2, vị trí 4 có giá 21 triệu đồng/m2.

Khu đất dự án Charmington Iris được định giá 23 triệu đồng/m2

Cần biết rằng, theo quy hoạch được duyệt thì dự án Charmington Iris có mật độ xây dựng 40%, hệ số sử dụng đất 8,5 lần và quy mô dân số tối đa 3.784 người. Theo hệ số đất được duyệt này mỗi m2 sàn xây dựng được phân bổ giá đất chưa đến 3 triệu đồng. Trong khi giá đất thị trường thời điểm này đã rơi vào tầm 70 triệu đến 80 triệu đồng 1m2.

Cuối tháng 12/2018, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định thu hồi quyết định chủ trương đầu tư dự án trung tâm thương mại dịch vụ căn hộ tại 76 Tôn Thất Thuyết (quận 4) của UBND thành phố ngày 12/8/2016. Qua đó, UBND thành phố yêu cầu rà soát nguồn gốc, cơ sở pháp lý của việc bố trí nhà cho 14 cá nhân còn cư ngụ trong khu đất 76 Tôn Thất Thuyết. Đến nay, dự án Charmington Iris đang được các cơ quan chức năng của TP.HCM xem xét, rà soát lại hồ sơ pháp lý.

Như Chất lượng Việt Nam đã thông tin trước đó, dự án Charmington Iris chính là dự án trung tâm thương mại dịch vụ căn hộ tại 76 Tôn Thất Thuyết (quận 4) do công ty Sabeco HP làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 2 block cao 35 tầng, gồm 1.438 căn hộ, với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Được phát triển bởi Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) và Công ty Cổ phần Thương mại Địa ốc Việt (Vietcomreal).

Sau khi bị UBND TP.HCM rút Quyết định chủ trương đầu tư, Vietcomreal gần như rất kín tiếng về dự án này, nhưng phía TTC Land vẫn tiếp tục chào bán dự án và ký hợp đồng đặt cọc, thu tiền của khách hàng. Khi bị khách hàng phát giác, TTC Land đã tình cách để “chây ỳ” thực hiện nghĩa vụ của mình.

Anh Đức  - Theo VietQ

Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "Con đường chuyển hoá ‘đất công’ thành dự án ngàn tỷ Charmington Iris" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.