Cổ đông FTM, SMD Holdings, công ty chứng khoán và miếng gân gà trên bàn tiệc

08/10/2019 14:29

Trong cú rơi sàn xấp xỉ 30 phiên của cổ phiếu FTM, nhiều người đã gọi các công ty chứng khoán (CTCK) là con mồi của những gã thợ săn. “Thợ săn” được nhắc đến ở đây là “đội lái” và “cổ đông”.

Trong cú rơi sàn xấp xỉ 30 phiên của cổ phiếu FTM, nhiều người đã gọi các công ty chứng khoán (CTCK) là con mồi của những gã thợ săn. “Thợ săn” được nhắc đến ở đây là “đội lái” và “cổ đông”.

Cuộc khủng hoảng cổ phiếu FTM đang tạo ra những giằng co kéo dài giữa các bên liên quan, đồng thời được giới đầu tư quan tâm. Chúng tôi giới thiệu loạt bài phản ánh thực tế cách thức tạo lập những chuỗi giao dịch ẩn chứa rủi ro trên thị trường chứng khoán, với hi vọng giúp các nhà đầu tư tránh được nguy cơ cho đồng tiền của mình.

Bài 1: Hành trình tạo lập những hợp đồng margin

Nhưng đã gần hai tháng trôi qua kể từ ngày cổ phiếu FTM của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) báo đèn đỏ và bắt đầu chuỗi rơi tự do với hàng chục phiên không có thanh khoản, đến nay hơn chục “con mồi” không có thông tin chính thức nào bất chấp các thông tin rò rỉ về nghi vấn thao túng, các khoản nợ margin từ hàng tỉ đến hàng chục tỉ đồng trên một số tài khoản.

Điều gì đang diễn ra? Các CTCK với kinh nghiệm và nghiệp vụ dày dặn có thực sự, hay đơn giản chỉ là, “nạn nhân” – “con mồi”? Và ai thực sự là “thợ săn” giăng bẫy CTCK như những lời nhận định?

Câu trả lời chỉ thực sự rõ ràng nếu có kết luận từ cơ quan chức trách. Nhưng từ các vận động phổ biến trên thị trường chứng khoán, có thể mường tượng được một số giả định.

Diễn biến cổ phiếu FTM gắn với những thông tin rò rỉ về vai trò của SMD Holdings. Ảnh: VnDirect. Đồ họa: T.C.C.

Ai là người thiệt hại khi FTM nằm sàn, mất thanh khoản?

Về lí thuyết, chắc chắn đó là các cổ đông, khi tài sản trên sàn của họ có thể sụt giảm tới 90% (từ mức đỉnh 25.000 đồng/cp xuống 2.600 đồng). Thiệt hại cụ thể sẽ khác nhau, tùy thuộc vào thời điểm và giá vốn, thời gian nắm giữ, số lượng nắm giữ.

Các CTCK cũng thiệt hại thấy rõ, khi khoản tiền cho vay margin chưa thể thu hồi và giá trị khối tài sản đảm bảo là các cổ phiếu FTM liên tục co ngót.

Trong nghiệp vụ định giá, cổ phiếu (cũng giống như tiêu sản, hàng tồn kho) là một trong những tài sản có rủi ro cao vì yếu tố biến động giá và thanh khoản. Do đó, giá trị định giá sẽ thấp hơn thị giá đang được giao dịch khá nhiều. Hạn mức cho vay, đến lượt nó, cũng chỉ khoảng 30 – 40% tổng giá trị tài sản định giá.

Giả định thị giá cổ phiếu FTM thời điểm được duyệt vay margin là 25.000 đồng/cp, các CTCK định giá từ 5.000 – 15.000 đồng và duyệt hạn mức dưới 50% giá trị tài sản đảm bảo. Khi FTM rơi xuống đáy 2.600 đồng, nhiều CTCK đã lỗ nặng. Chưa cần bàn đến phần lãi, nợ phí, hay thanh khoản để đảm bảo khả năng thu hồi tiền mặt.

Thường trong các cú rơi đột ngột của giá cổ phiếu, các cổ đông nhỏ lẻ – những người mua vào lúc giá cổ phiếu tăng sẽ thiệt hại nặng. Nhưng với FTM, việc các cổ đông sáng lập và cổ đông lâu năm vẫn nắm số lượng rất lớn cổ phiếu phần nào cho thấy cổ đông nhỏ chưa tham gia nhiều.

Trên các diễn đàn dành cho giới đầu tư nhỏ, gần như chỉ thấy “khán giả” chứ không có nhiều tiếng kêu than về việc mắc kẹt với FTM.

Câu hỏi là: nếu cả cổ đông và CTCK cùng thiệt hại như vậy, thì ai hưởng lợi ở các trường hợp này? Và đồng tiền (tiền vốn thực có của cổ đông, và tiền cho vay margin của công ty chứng khoán và các bên thứ ba) đã đi đâu?

Hành trình của những hợp đồng margin

Chỉ các cơ quan chức năng mới có thể giúp trả lời câu hỏi đó. Nhưng thông thường, những sự việc kiểu này thường bắt đầu từ những cam kết và sự xuất hiện của nhiều bên quanh các hợp đồng margin.

Trên giấy tờ, những hợp đồng này được tạo lập gắn với việc mở tài khoản giao dịch margin khi nhà đầu tư đề nghị và CTCK đồng ý với điều kiện phù hợp với các qui định của pháp luật và chính sách của CTCK tại từng thời điểm.

Các qui định của pháp luật đối với các mã cổ phiếu được hay không được giao dịch margin là rất rõ ràng, và mang tính qui định khung. Vấn đề nằm ở việc tuân thủ của các CTCK, và việc CTCK đưa ra chính sách cho vay cụ thể dựa trên sự đánh giá, thẩm định, khẩu vị rủi ro và không ngoại trừ nhiều yếu tố khác nữa.

Thông thường, không phải nhà đầu tư cá nhân nào cũng hiểu rõ và đủ khả năng để đàm phán chính sách cho vay với các CTCK. Một tỉ dụ là trên các hợp đồng, thường có phần khai về kiến thức của nhà đầu tư.

Cũng vì lẽ đó, mà trong hoạt động liên quan đến cấp margin thường có sự xuất hiện của các bên thứ ba làm trung gian. Nhà trung gian là những cá nhân hoặc tổ chức am hiểu đầu tư, có quan hệ sâu sát với các CTCK.

Nói riêng trong diễn biến của FTM, có nhiều thông tin rò rỉ nói về vai trò của SMD Holdings vị trí trung gian này. Trường hợp này, thông tin chính thức chưa xác nhận.

Nhưng thực tế vận động của thị trường, những trung gian “kiểu SMD Holdings” là phổ biến. Không những vậy, các nhà trung gian không hoạt động độc lập mà còn liên kết với nhiều cá nhân khác, có thể là môi giới của chính CTCK cho vay, hoặc các “cộng tác viên” là môi giới tự do, hoặc môi giới của CTCK khác.

Các trung gian này có vai trò tích cực là vì một lẽ: cuộc chơi margin luôn có rủi ro. Các cổ đông chơi margin thường là những người thích tìm kiếm lợi nhuận lớn dựa vào đòn bẩy sức mua, và cũng chấp nhận rủi ro mất trắng nếu phán đoán sai kịch bản giá cổ phiếu mà họ mua.

Các CTCK thừa hiểu điều đó, và thường chỉ chấp nhận rủi ro nếu có lợi ích đủ lớn. Lãi vay là chưa đủ, các CTCK cần phí giao dịch. Phí chỉ đủ lớn để hấp dẫn khi thanh khoản đủ tốt.

Với các cổ phiếu tốt và có thanh khoản tự nhiên ổn định, khối lượng giao dịch đủ hấp dẫn để tạo doanh thu tốt từ phí. Nhưng với các cổ phiếu kém hấp dẫn, việc cấp margin thường kèm theo cam kết ngầm về thanh khoản.

Ví dụ, để được giải ngân 10 đồng tiền vay margin, phải có cam kết “xoay vòng” giá trị giao dịch mỗi tháng lên tới nhiều lần như vậy.

Đó cũng chính là việc để làm cho các công ty và cá nhân trung gian: giới thiệu mở nhiều tài khoản cho một số nhà đầu tư, đặt ở nhiều CTCK; nhận ủy quyền của nhà đầu tư để thực hiện giao dịch; thậm chí tự mở tài khoản để giao dịch cùng.

Các nhà trung gian không làm việc không công. Thường có những thỏa thuận nào đó giữa các nhà đầu tư với nhà trung gian, giữa nhà trung gian với CTCK. Đó là các thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận đầu tư, hoặc chia sẻ lợi nhuận thu được từ phí giao dịch được đội lên nhờ việc tạo thanh khoản.

Nhưng chưa đủ, để vận hành một chuỗi gồm nhiều mắt xích trung gian, cần những khoản tiền đủ lớn. Lợi nhuận đầu tư không phải là thứ luôn chắc chắn. Còn chia sẻ doanh thu từ phí giao dịch sẽ làm bào mòn lợi nhuận của CTCK.

Một khoản luôn xác định được con số, đó chính là mức lãi suất chênh lệch mà nhà đầu tư chấp nhận trả thêm so với mức lãi suất ghi trên các hợp đồng margin. Mức “lãi ngoài” vài ba phần trăm trong những trường hợp này không hề hiếm.

Những khoản chênh lệch đó là nguồn sống của các nhà trung gian. Tất nhiên không ai dám chắc họ hưởng trọn được số đó. Người duyệt cho vay margin ở CTCK hiểu rằng đó lại là một rủi ro nữa với sức chịu đựng của nhà đầu tư, và cũng là rủi ro dây chuyền với chính CTCK.

T.C.C

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Bạn đang đọc bài viết "Cổ đông FTM, SMD Holdings, công ty chứng khoán và miếng gân gà trên bàn tiệc" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.