“Cò đất” lộng hành
Từ thành phố Pleiku đi hết đường Phan Đình Phùng qua một cây cầu sắt là đến địa phận huyện Ia Grai. Thành phố và huyện chỉ cách một cây cầu.
Ở xã Ia Dêr này có rừng thông ken dày, hàng chục năm tuổi, xanh mướt. Đây là nơi tham quan, dừng chân lý tưởng của những người ưa dã ngoại. Cũng vì cảnh đẹp mà các cặp đôi chọn lựa chụp ảnh cưới, kết duyên phu thê. Rất nhiều du khách tỉnh bạn, hễ đến Gia Lai là tìm đến đồi thông này để trú chân, thưởng ngoạn.
Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, khu vực đồi thông xã Ia Dêr xuất hiện nhiều người về đây mua đất chia lô, tách thửa để bán nền.
Ông T.V.T. (50 tuổi) cho biết, ở đây bán đất là thông qua “cò”. “Hễ chủ đất treo bảng bán đất lên, là "cò" đến giật bẻ hết, rồi treo số điện thoại của họ lên. "Cò" bán được, thì chủ đất cho "cò" 10 triệu, 20 triệu đồng gì đó”, ông T. nói.
Theo ông T., ngày nào cò đất cũng lượn lờ ở đây, rất nhiều người, nhiều nhóm. Nhiều người có tiền lên đây bỏ ra 3-5 tỉ đồng mua vài héc-ta đất trồng cà phê của người đồng bào dân tộc thiểu số, sau đó chia lô tách từng thửa nhỏ, bán cho khách hàng. Giá đất mà giới đầu tư ở đây rao bán từ 110 -150 triệu đồng/mét chiều ngang.
Ngày 20/10, tại Gia Lai, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố quyết định về việc thanh tra trách nhiệm UBND tỉnh Gia Lai trong quản lý, sử dụng đất đai như: Sử dụng đất sai mục đích, tự ý hiến đất mở đường rồi phân lô, bán nền; lấn chiếm đất công, chuyển mục đích đất sai quy hoạch; chuyển nhượng đất trái phép; có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (từ 29/11 – 1/12 dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Trần Cẩm Tú đã nêu rõ: “Gia Lai còn vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai”. Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016 - 2021 và cá nhân Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thiếu trách nhiệm, buông lỏng chỉ đạo, điều hành, quản lý việc thực hiện các dự án, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư… |
Thực tế chúng tôi ghi nhận, tại đây có một khu đất rộng khoảng 5.000m2, được ai đó cho ủi bằng phẳng. Tiếp đó đóng cọc, kéo dây chia thành 6-7 lô, mỗi lô có diện tích 5mx25m, và 5mx30m rồi treo biển bán đất 130 triệu đồng/m; 150 triệu đồng/m. Đất đây đang sốt, có nhà đầu tư “chơi sang” xây hẳn vài căn cấp 4 liền kề, rao bán 800 - 900 triệu đồng/căn, tùy vị trí.
Các nhánh đường “xương cá” khu vực đồi thông này, dày đặc các biển “bán đất đồi thông”, “cần bán gấp”, “bán đất”… giá nào cũng có, từ 300 triệu đồng - 2 tỷ đồng (10m ngang). Để bán đất thu lời nhanh, hiệu quả, có người lập hẳn cả công ty ở đây, treo biển rõ to, với slogan: “Chuyên môi giới bất động sản, tư vấn pháp lý trong lĩnh vực đất đai, làm giấy tờ sang nhượng đất, sổ đỏ, nhận sửa nhà, bao vật tư… kèm số điện thoại”.
Lập đoàn thanh tra để xử lý
Vì giá đất ở đồi thông đang sốt, ngày 2/12 vừa qua, Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tỉnh Gia Lai phải ra văn bản gửi huyện Ia Grai cảnh báo. Văn bản của sở này nêu: “Qua theo dõi tình hình thực tế và phản ánh của người dân, có tình trạng một số cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất vườn ao của hộ gia đình cá nhận tại xã Ia Der, huyện Ia Grai (đa số là nhận chuyển nhượng đất có nguồn gốc của hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ) sau đó chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở với diện tích lớn, tách thửa bán nền, gây sốt thị trường đất nền, giá đất tại xã la Der (khu vực tiếp giáp thành phố Pleiku) diễn biến phức tạp.
Sở này đề nghị huyện Ia Grai tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về đất đai để người dân biết, đặc biệt quan tâm đến hộ đồng bào dân tộc thiểu số tránh bị một số đối tượng xấu lợi dụng trao đổi, mua bán đất đai trục lợi.
Trong khi chính quyền cảnh báo thì cò đất ra rả chào mời bán đất cả công khai lẫn qua mạng xã hội facebook, zalo. Gọi vào số điện thoại trên biển bán đất, một cò đất tên H. buông lời có cánh: “Bên em (ở đồi thông - PV) nhiều lô lắm. Một lô em bán 470 triệu đồng, 10 mét ngang thì nhân đôi 940 triệu đồng. Làm hợp đồng, đặt cọc 30 triệu đồng xong thì ra bìa đỏ luôn. Hồ sơ, thủ tục sang nhượng bên em làm từ A-Z”.
Trao đổi về cơn sốt đất ở huyện này, ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: “Khi nắm thông tin, chúng tôi đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra để xử lý các vi phạm (nếu có)”.
Giá đất sốt cao, "cò" đất hưởng lợi, riêng những người đồng bào dân tộc thiểu số bị những lời dụ dỗ phải bán đi vườn tược. Để sinh nhai, họ phải lùi sâu vào vùng xa xôi, cách trở để ở. Không vườn canh tác, họ đi chăn thuê gia súc dưới những tán rừng thông Ia Dêr. Nhưng những cánh rừng thông tuyệt đẹp ở Ia Dêr này, mai sau cũng khó giữ khi mà cơn sốt đất và lợi nhuận từ đất tăng chóng mặt từng ngày.
Liên quan đến sai phạm đất đai tại tỉnh này, ngày 2/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Giang H’Đan - Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa, ông Nguyễn Thành Thoại - Phó Trưởng phòng TN&MT và ông Vũ Văn Sáng, nguyên cán bộ phòng TN&MT huyện Đak Đoa. Các cán bộ này đã hợp thức hóa, tự ý cho chuyển đổi 1,4 hec-ta đất trồng cây lâu năm thành đất ở khi chưa có sự đồng ý của UBND tỉnh, để cho ông Trần Xuân Hùng, nguyên Phó Giám đốc sở TN&MT phân lô, bán nền. |
Theo Đình Văn/Tiền Phong