Theo các chuyên gia, với số vốn nhỏ trên dưới 500 triệu đồng, nhà đầu tư vẫn có cơ hội tham gia vào thị trường bất động sản nếu biết cân đối bài toán thu chi.
Vàng, chứng khoán không dành cho dân ngoại đạo
Vàng và chứng khoán đang là những kênh đầu tư thu hút sự quan tâm của giới đầu tư ngoại đạo. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, biên độ lên xuống của 2 thị trường này đã tạo ra những đợt sóng đầu tư đáng kể trong vài tháng gần đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, cũng không ít người lựa chọn gửi tiết kiệm để đảm bảo an toàn về dòng tiền.
Bàn về rủi ro và cơ hội của các kênh đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng: Vàng đang là kênh đầu tư có nhiều biến động nhất thời điểm này nhưng tồn tại không ít rủi ro. Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ và không chuyên thì đầu tư vàng thời điểm này chắc chắn không phải là lựa chọn an toàn.
Theo TS. Lực, nếu mua vàng để lướt sóng thì khả năng có lãi là rất thấp. Đồng thời, nhà đầu tư cũng không nên rút hết tiền tiết kiệm để chuyển sang đầu tư vàng. Hiện nay, mức chênh lệch giá mua bán trong nước đã ở mức khá cao - gần 2 triệu đồng nên sẽ rủi ro khi mua vào hay bán ra không đúng thời điểm.
Còn theo ông Nguyễn Anh Đào, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư VietHome, trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, những người có khoản tài chính dao động trên dưới 500 triệu đồng càng phải cân nhắc kỹ hơn khi ra quyết định.
“Nếu chọn đầu tư vàng, người dân cần phải xem xét, thận trọng và chịu được rủi ro. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, khi các nước đang bơm tiền ra để kích cầu tiêu dùng, dẫn đến đồng tiền hạ giá và đẩy giá vàng lên cao. Tuy nhiên, khi hết dịch thì đồng tiền sẽ không được bơm ra nữa dẫn đến nguy cơ tích trữ vàng có thể sẽ quay đầu giảm bất thình lình”, ông Đào chia sẻ và bày tỏ sự lo ngại rất có thể vài tháng tới vàng sẽ có chiều hướng giảm hoặc nếu tăng thì không còn tăng đáng kể.
Về chứng khoán, Tổng Giám đốc VietHome cho rằng đây vẫn là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận khá tốt, nhưng với người vốn nhỏ thì nên chú ý các yếu tố sau: Thứ nhất, nhà đầu tư phải có chút kiến thức nền về tài chính chứng khoán. Người mới gia nhập thì lại càng phải tìm hiểu kỹ hơn về các công ty niêm yết, chọn mua các cổ phiếu đã giảm sâu về sát nút, đánh giá được mức độ tăng giảm của cổ phiếu đó. Thứ 2, với khoản tiền ít thì cần ưu tiên tiêu chí đầu tiên là an toàn, chọn lọc các cổ phiếu không còn khả năng giảm thấp hơn mà chỉ có thể tăng lên dù tăng ít. Thứ 3, phải chọn đúng doanh nghiệp uy tín và không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh.
Tuy nhiên, ông Đào cũng cho lời khuyên rằng, khi đầu tư chứng khoán cần cân nhắc thời điểm, chỉ nên đầu tư thời gian ngắn. Trong chứng khoán thì hầu hết 95% thất bại, chỉ khoảng 5% thành công. Do đó, nhà đầu tư phải tự xem xét chỉ số đo lường mức giá đó có cao hơn giá trị trên sổ sách nhiều hay không rồi mới ra quyết định.
Đối với gửi tiết kiệm, theo ông Đào, đây là xu hướng "ăn chắc mặc bền", nếu ai sợ rủi ro thì có thể bỏ tiền vào kênh này. Tuy nhiên, tiết kiệm chỉ là kênh giữ tiền an toàn hơn so với các kênh còn lại nhưng mức lãi không cao.
“Thời gian qua, lãi suất ngân hàng liên tục giảm mạnh, đối với các kênh gửi tiết kiệm dưới 6 tháng tại tất cả các ngân hàng đều được đưa về mức lãi suất thấp nhất. Tuy vậy, những người chưa có kinh nghiệm đầu tư thì có thể tạm gửi tiết kiệm như một cách để dành nguồn tiền và chờ thời điểm thích hợp mới đầu tư hoặc tìm hiểu kỹ càng hơn để tránh đầu tư sai chỗ”, ông Đào lưu ý.
Cùng nội dung này, theo TS. Cấn Văn Lực, ước tính hiện khoảng 60,65% tiền của nhà đầu tư vẫn gửi vào tiết kiệm. Nếu kỳ vọng lạm phát 4% với lãi suất 6%, như vậy nhà đầu tư vẫn có lợi suất dương. Theo đó, gửi tiết kiệm vẫn là một lựa chọn phổ biến. Tuy nhiên, ông Lực cũng lưu ý rằng, trong cương vị nhà đầu tư, rót tiền vào đâu tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro. Có những nhà đầu tư sợ rủi ro, như thế hệ lớn tuổi, tiền tiết kiệm vẫn là kênh ưa thích hoặc chia tiền ra mỗi chỗ một ít. Còn với những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro, sẽ có lựa chọn đầu tư riêng.
"Tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư là nên đa dạng hóa và rủi ro một chút, nhiều nhà đầu tư thích lướt sóng và dùng đòn bẩy tài chính khá lớn, thậm chí vay cả tín dụng đen, khi thị trường đi xuống, chắc chắn sẽ phá sản, lỗ vốn", ông Lực nhấn mạnh.
Cân đôi bài toán thu chi khi "gửi tiền" vào bất động sản
Đánh giá về kênh đầu tư bất động sản, ông Nguyễn Anh Đào, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư VietHome cho rằng dù thị trường có khó khăn nhưng đây vẫn là kênh đầu tư nên được ưu tiên, đặc biệt là với những người có số vốn nhỏ và non kinh nghiệm.
Trong khi các kênh đầu tư khác đang biến động mạnh thì bất động sản hiện đang chững lại, thậm chí một số khu vực người dân có xu hướng giảm xuống do thị trường ít giao dịch. Đây là cơ hội mua vào cho các nhà đầu tư.
Chuyên gia này cũng cho rằng bất động sản sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng thêm do Nhà nước đang đẩy mạnh đầu tư công, đồng bộ hạ tầng. Khi đó, các khu vực đang phát triển mạnh về công nghiệp, cảng biển sẽ tiếp tục tăng giá mạnh. Khi hệ thống điện đường trường trạm phát triển thì kéo theo bất động sản khu vực phát triển theo.
Ngoài ra, Việt Nam hiện đang đón luồng đầu tư rất lớn về phát triển công nghiệp đô thị. Đây là 2 điều kiện tốt nhất để hỗ trợ bất động sản sớm hồi phục và quay lại nhịp tăng trưởng như trước. Tuy nhiên, ông Đào cũng lưu ý cần lựa chọn kỹ càng khi mua bất động sản, không nên đi theo trào lưu hay xu hướng. Với người có vốn ít thì nên mua thì xác định trước mắt ngắn hạn và dài hạn từ 3 - 6 tháng chứ không thể bán ra ngay.
“Với 500 triệu đồng, người dân nên nên xem xét mua đất ở những khu vực có tiềm năng phát triển trong tương lai. Những nơi có thể phát triển về công nghiệp, đô thị thì nhiều tiềm năng hơn và khả năng tăng giá ổn định hơn. Ví dụ đất ở Long An có thể tìm mua đất nông nghiệp, đất vườn hoặc các khu vực xa hơn như Bàu Bàng, Bình Dương hoặc một số khu vực ở Đồng Nai, Lâm Đồng… cũng có thể mua được mức giá như trên. Tuy nhiên, đầu tư thì nhắm đường dài chứ không nên vội vàng, hấp tấp”, ông Đào nói.
Chia sẻ tại một tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cũng đã phân tích các rủi ro giữa 5 kênh đầu tư là vàng, bất động sản, chứng khoán, tiết kiệm và ngoại tệ. Sau những nhận định chung, vị chuyên gia này cũng nghiêng cán cân về bất động sản.
"Tôi ví dụ bây giờ tôi gửi tiền ngân hàng dài hạn tôi được 7% nhưng thực chất tiền của tôi sẽ mất giá, như năm trước sẽ là 5% còn năm nay là 3%. Như vậy, thực chất lợi suất của tôi khi gửi ngân hàng chỉ là 4% do trượt giá mà chúng ta không nhìn thấy được. Nhưng mà gửi ngân hàng thì tôi được lợi là gần như rủi ro bằng 0, chắc chắn tôi không mất tiền.
Nếu tôi đầu tư bất động sản tiền thuê mỗi năm khoảng được 4%, và giá trị bất động sản tăng mỗi năm khoảng 5% nữa thì tôi được khoảng 10%. Đầu tư bất động sản thì có thể xảy ra rủi ro hơn gửi tiết kiệm. Nhưng, căn cứ giữa 4% với 10% thì có xứng đáng để tôi chấp nhận rủi ro để hưởng lơi suất hay không?", ông Thành phân tích thêm.
Trong khi đó, ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa lại cho rằng với 500 triệu là số vốn quá nhỏ trong thời điểm hiện tại. Bất động sản vẫn là kênh đầu tư ổn định hơn so với các kênh còn lại nhưng nếu muốn tham gia vào thị trường thì nhà đầu tư cần phải cân nhắc nhiều yếu tố như thu nhập, khả năng vay và chi trả. Theo ông Quang, với số vốn nhỏ dao động trên dưới 500 triệu đồng thì chỉ phù hợp với người mua bất động sản thứ 2 để làm "của để dành".
Với mức giá nhà/đất đã lên quá cao như hiện tại, người mua phải tự cân đối bài toán thu chi và ít nhất phải sử dụng đòn bẩy tài chính khoảng 30% thì mới đủ khả năng mua vào. Mỗi người cần phải tự cân nhắc tiềm lực tài chính của bản thân, nếu vay thì có khả năng chi trả hay không và phải lường trước thu nhập có bị ảnh hưởng tiếp nếu dịch bệnh kéo dài hay không?
"500 triệu chỉ phù hợp với đối tượng có thu nhập ổn định và mỗi tháng dư ra khoảng 30 triệu đồng thì mới nên vay thêm để đầu tư. Hoặc tôi giả sử 2 vợ chồng cùng có thu nhập ổn định, mỗi tháng sau khi trừ các khoản chi phí phải dư được được trên 20 triệu thì vẫn có thể vay thêm để đầu tư các khu vực khác ngoài TP.HCM. Có thể mua đất ở Lâm Đồng, Long An, Phú Mỹ, Bình Dương... đó là tùy vào điều kiện và nhu cầu phù hợp với mỗi người", ông Quang cho ý kiến.