Chứng khoán Việt Nam đối mặt rủi ro “cú nảy mèo chết”?

28/04/2020 19:04

Trong nửa tháng qua, TTCK Việt Nam đã phục hồi mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp niêm yết. Liệu thị trường có xảy ra “cú nảy mèo chết”(*)?

Trong nửa tháng qua, TTCK Việt Nam đã phục hồi mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp niêm yết. Liệu thị trường có xảy ra “cú nảy mèo chết”(*)?

DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Khoa, Chuyên viên Tư vấn Quản lý Tài sản của Công ty Chứng khoán VNDIRECT xung quanh vấn đề này.

ông Phạm Văn Khoa, Chuyên viên Tư vấn Quản lý Tài sản của Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Ông Phạm Văn Khoa, Chuyên viên Tư vấn Quản lý Tài sản của Công ty Chứng khoán VNDIRECT

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự phục hồi của TTCK Việt Nam trong thời gian qua?

Trong 2 tuần qua, thị trường trong nước phục hồi mạnh cùng với đà tăng của thị trường quốc tế, số lượng cổ phiếu trên thị trường tham gia đà phục hồi lần này tăng đột biến so với khoảng thời gian 1 năm trở lại đây. Tức là hầu hết các cổ phiếu đều có đà tăng tối thiểu từ 20-30%, đây là một diễn biến đáng chú ý bởi từ rất lâu chúng ta chưa chứng kiến một đà tăng trên diện rộng như vậy.

Và chúng tôi thừa nhận rằng, đà tăng này mang nhiều tính chất của một đợt tăng ngắn hạn. Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký, dòng tiền hiện tại chủ yếu từ nhà đầu tư cá nhân, họ đã mua vào rất mạnh trong thời gian qua. Trong khi đó, các nhà đầu tư tổ chức như nhà đầu tư nước ngoài, các công ty chứng khoán lại liên tục bán ròng với quy mô lớn.

Lịch sử giao dịch cho thấy khi dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân tham gia mạnh, thì giá cổ phiếu tăng rất nhanh, nhưng không bền vững. Còn nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức lại đóng vai trò giữ nhịp thị trường rất tốt, nếu họ đang rút ra thì khả năng thị trường khó tăng mạnh. Chính vì thế, chúng tôi nhận định đà tăng vừa qua của thị trường có màu sắc ngắn hạn.

- Có nhiều ý kiến cho rằng, TTCK Việt Nam có nguy cơ xảy ra “cú nảy mèo chết”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi nghĩ còn hơi sớm để có thể khẳng định như vậy, do bối cảnh của thị trường đang có sự phân hóa mạnh. Hiện nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn duy trì đà tăng, đi ngược thị trường.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khi giới đầu tư trở nên bất cẩn trọng, họ sẽ liên tục mua vào, vì cứ nghĩ mua vào sẽ có lãi. Đó là một rủi ro rất cao, bởi hành động lúc đó thuần túy được thúc đẩy bởi cảm xúc. Chắc chắn sau khi thị trường tăng liên tục trong nửa tháng vừa qua thì khả năng xảy ra một vài phiên biến động mạnh theo chiều hướng điều chỉnh là hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là rủi ro lớn cho những nhà đầu tư ngắn hạn. 

- Ông có thể cảnh báo nào cho nhà đầu tư về nhóm ngành cũng như mã cổ phiếu nào có nguy cơ trên, thưa ông?

Trong giai đoạn tháng 3 có rất nhiều cổ phiếu đã giảm trung bình khoảng 20-30% và rất nhiều cổ phiếu có thị giá dưới 10.000 đồng/cp, nhưng bây giờ lại là nhóm tăng giá mạnh nhất.

Các nhà đầu cơ ngắn hạn thường ưa thích cổ phiếu có thị giá thấp bởi khi tăng giá, những cổ phiếu đó có khả năng tăng mạnh nhất. Do đó, rủi ro sẽ nằm ở nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ, bởi đây thường là cổ phiếu của những doanh nghiệp có khả năng sinh lời rất kém. Những cổ phiếu này sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro khi thị trường điều chỉnh. Bởi tăng nhanh sẽ giảm nhanh.

- Ông có khuyến nghị gì cho nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

Nếu là nhà đầu tư cá nhân, tôi cho rằng nên hạn chế tham gia thị trường. Trên góc độ đầu tư, khi giá đã lên cao và đà tăng đã trải ra trên diện rộng thì lúc đó cơ hội không còn nữa, rủi ro dành cho người đến sau. Các nhà đầu tư nên chờ khi thị trường phân hóa, tìm những cơ hội thực sự để đi ngược thị trường.

Xin cảm ơn ông!

(*) thị trường phục hồi, nhưng không kéo dài, sớm giảm điểm trở lại.

Bạn đang đọc bài viết "Chứng khoán Việt Nam đối mặt rủi ro “cú nảy mèo chết”?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.