Thị trường chứng khoán tuần từ 29/6 - 3/7 diễn biến khó lường. Tâm lý nhà đầu tư tỏ ra thận trọng và giải ngân cầm chừng sau khi làn sóng thứ hai của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lan rộng tại một số quốc gia trên thế giới.
Thị trường chứng khoán tuần từ 29/6 - 3/7 tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm của cả 2 chỉ số chính là VN-Index và HNX-Index. Trong tuần qua, VN-Inex có 2 phiên biến động mạnh là 29/6 và 1/7. Trong phiên 29/6, VN-Index bất ngờ giảm đến 2,65%, tuy nhiên, chỉ số này phiên 1/7 đã tăng trở lại 2,23%.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 847,61 điểm, tương ứng giảm 0,51% so với tuần trước đó. HNX-Index giảm 1,67% xuống còn 111,55 điểm. UPCoM-Index cũng giảm 0,27% xuống 55,26 điểm.
Tương tự như tuần trước đó, đa phần các nhóm ngành trên thị trường đều diễn biến kém tích cực trong tuần giao dịch từ 29/6 - 3/7. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là gánh nặng cho thị trường khi ghi nhận nhiều mã giảm giá mạnh. Trong đó, SHB giảm 8,6% từ 14.000 đồng/cp xuống còn 12.800 đồng/cp, LPB giảm 6,3% từ 8.753 đồng/cp xuống 8.199 đồng/cp, VPB giảm 3,2% xuống 21.300 đồng/cp, MBB giảm 2,9% xuống 16.850 đồng/cp.
Bên cạnh nhóm ngân hàng, hàng loạt cổ phiếu trụ cột như ACV, MWG, GAS, BVH, HVN… cũng giao dịch không được tích cực và tạo áp lực rất lớn lên các chỉ số thị trường. ACV giảm đến 3,7% xuống 59.120 đồng/cp, MWG giảm 2,97% xuống 81.700 đồng/cp, GAS giảm 2,63% xuống 70.300 đồng/cp.
Các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index là VIC, GAS và BID khi lấy đi của chỉ số lần lượt 11,25; 1,04 và 0,92 điểm. VIC trong tuần giảm hơn 1,4% xuống 90.200 đồng/cp.
Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số là VHM, SAB và CTD khi đóng góp vào chỉ số lần lượt 2,10; 1,87 và 0,30 điểm tăng. VHM tăng 2,91% từ 75.600 đồng/cp lên 77.800 đồng/cp, SAB tăng đến 6,2% lên 175.000 đồng/cp.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, số mã giảm chiếm ưu thế hơn đáng kể, tuy nhiên một số cổ phiếu như THD, VRG, HRB hay DLR lại gây sự chú ý khi tăng rất mạnh. THD tăng từ 31.100 đồng/cp lên 49.900 đồng/cp tương ứng 60,45%.
Thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần với hơn 4.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HoSE giảm 10,1% xuống 23.954 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 17,3% xuống 1,45 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 25,9% xuống 2.102 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 29,7% xuống 218 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại bán ròng trở lại hơn 100 tỷ đồng trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM sau khi mua ròng hơn 422 tỷ đồng ở tuần trước đó. Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng trở lại gần 81 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách bán ròng là cổ phiếu VIC với gần 59 tỷ đồng. Các cổ phiếu lớn như VCB, HDB, BID, GAS hay SSI đều bị khối ngoại bán ròng mạnh ở tuần qua. Chiều ngược lại, PLX được mua ròng mạnh nhất với giá trị hơn 314 tỷ đồng. HPG và VHM được mua ròng lần lượt 164 tỷ đồng và 85,8 tỷ đồng.
Theo chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp với thanh khoản có sự suy giảm rõ nét và xuống dưới mức trung bình 20 tuần, cho thấy sự thận trọng nhất định của nhà đầu tư trước xu hướng không rõ ràng hiện tại. Bên cạnh đó, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 7 duy trì mức basis âm khá lớn 17,07 điểm so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy nhà đầu tư phái sinh vẫn nghiêng về khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (6/7 - 10/7), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 840 điểm (MA50) và xa hơn là ngưỡng 805 điểm (fibonacci retracement 38,2%). Nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu nên quan sát thị trường trong tuần tới và có thể bán giảm tỷ trọng nếu như VN-Index đánh mất ngưỡng 840 điểm. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cầm tiền mặt có thể giải ngân trở lại nếu VN-Index có nhịp giảm về gần ngưỡng 805 điểm.