Vài ngày trước khi Thông tư số 22/2019/TT-BXD, có hiệu lực, Phòng Quản lý đô thị đã có báo cáo dự án Opal Skyline, và ngay trong ngày hôm đó, Chủ tịch UBND thành phố Thuận An Nguyễn Thanh Tâm đã ký duyệt quy hoạch.
Chủ tịch Bình Dương cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư khi chưa có đất
Bình Dương là một trong những địa phương khá nhanh nhạy và “đi tắt đón đầu” trong việc phê duyệt các thủ tục hành chính liên quan đến bất động sản. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp tỉnh này thu hút khá nhiều nhà đầu tư lớn tham gia thị trường thời gian qua.
Điển hình trong việc “đi tắt đón đầu” là ngày 3/2/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm đã ký văn bản số 404/UBND-KT. Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An (Công ty con của Đất Xanh) làm chủ đầu tư dự án Khu căn hộ - thương mại Dịch vụ cao tầng đường Nguyễn Văn Tiết (tên thương mại là Opal Skyline), trong khi khu đất vẫn thuộc chủ quyền của người khác.
Để thu hút khách hàng, môi giới đều khẳng định Opal Skyline đã hoàn thành đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi được hỏi về “sổ đỏ” của dự án thì các môi giới lại tung ra một “sổ đỏ” do cá nhân (tên cá nhân này đã bị bôi xóa) đứng tên, thay vì chủ đầu tư của dự án. Tại sao một doanh nghiệp chưa có quyền sử dụng đất đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ưu ái cho làm chủ đầu tư dự án? Quy định nào cho phép làm điều này?
Theo phân tích của các luật sư, việc làm tắt thủ tục này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt khi xảy ra tình huống tranh chấp giữa chủ đất và Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An. Hiện tại, dự án này đã được chào bán, nếu khách hàng ký hợp đồng để mua căn hộ, nhưng chủ đầu tư không được giao đất mà lại tranh chấp với chủ đất thì khách hàng có thể “tiền mất tật mang”.
Chủ tịch Thuận An ký duyệt thần tốc trước khi Thông tư mới có hiệu lực
Ngày 26/6/2020, UBND thành phố Thuận An ra Quyết định số 2902/QĐ-UBND, nội dung phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 cho dự án nói trên. Điều đặc biệt là Quyết định này được Chủ tịch UBND thành phố Thuận An Nguyễn Thanh Tâm ký trong ngày, ngay sau khi Phòng Quản lý đô thị có báo cáo. Dự án này có gì đặc biệt mà ông Nguyễn Thanh Tâm lại ký duyệt nhanh như vậy? Đây là trường hợp cá biệt, hay tất cả các dự án trên địa bàn thành phố Thuận An đề được ông Chủ tịch tranh thủ hỗ trợ?
Theo Quyết định số 2902/QĐ-UBND, dự án Opal Skyline có quy mô dân số khoảng 3.432 người. Công trình có 36 tầng nổi và 1 tầng hầm. Trong đó, phần khối đế 3 tầng (mật độ tối đa 57%), khối tháp 33 tầng (mật độ tối đa 35%) và 1 tầng tum. Với chỉ tiêu quy hoạch này, chủ đầu tư có thể tận dụng tối đa hệ số sử dụng đất lên đến 13,26 lần, chưa kể tầng tum. Chiều cao công trình tối đa 135m.
Điều khá trùng hợp là thời điểm ông Nguyễn Thanh Tâm ký duyệt văn bản ngày 26/6/2020 là thứ 6, và đến thứ 4 tuần kế tiếp, ngày 1/7/2020 là Thông tư số 22/2019/TT-BXD, có hiệu lực. Theo quy định mới tại Thông tư này, đối với các công trình có chiều cao > 46m phải đảm bảo hệ số sử dụng đất không vượt quá 13 lần (trừ các lô đất xây dựng các công trình có yêu cầu đặc biệt về kiến trúc cảnh quan, điểm nhấn đô thị đã được xác định thông qua quy hoạch cao hơn). Như vậy, việc ký duyệt văn bản sớm đã giúp “cứu bàn thua trông thấy”, khi quy định mới chưa kịp có hiệu lực.
Opal Skyline có thể là dự án may mắn khi vượt qua thời khắc chuyển giao quy định, nhờ quyết định thần tốc của ông Nguyễn Thanh Tâm. Và những dự án còn lại, trong cuộc đua chỉ tiêu quy hoạch, ở thành phố Thuận An, nếu muốn vượt hệ số sử dụng đất quá 13 lần sẽ phải tìm cách để được lọt vào “các công trình có yêu cầu đặc biệt về kiến trúc cảnh quan, điểm nhấn đô thị”. Câu chuyện sẽ không đơn giản vì phải xác định thông qua quy hoạch cao hơn.