Theo Báo cáo quản trị tháng 1/2020, trong danh sách người có liên quan của ông Nguyễn Văn Đạt có bà Nguyễn Thị Diệu Hiền (vợ).
Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền – với vai trò mẹ ruột cũng ở trong danh sách người có liên quan của ông Nguyễn Tấn Danh – con trai ông Đạt, Phó Chủ tịch HĐQT Phát Đạt.
Tuy nhiên, bắt đầu từ Báo cáo quản trị tháng 7/2020, ông Nguyễn Văn Đạt chỉ còn những người liên quan là bố mẹ ruột, Nguyễn Tấn Danh – con trai, Phan Thị Thanh Hiếu – con dâu, Nguyễn Thị Minh Thư – con ruột, Nguyễn Thị Anh Thư – con ruột, cùng danh sách anh chị ruột, anh rể, chị dâu.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền không còn ở trong danh sách người có liên quan với ông Đạt nhưng vẫn ở trong sanh sách người có liên quan với ông Nguyễn Tấn Danh với mối quan hệ là mẹ ruột.
Nguyên nhân là ông Nguyễn Văn Đạt và bà Nguyễn Thị Diệu Hiền đã ly hôn.
Cũng từ tháng 8/2020, cổ phiếu PDR bắt đầu “đổi vận”. Thay vì lẹt đẹt suốt quãng thời gian dài vì những nút thắt trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, Phát Đạt báo lãi 1.220 tỷ đồng vào năm 2020 – tăng 40% so với năm 2019 và tiếp tục tăng trưởng, đạt 1.860 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế vào năm 2021.
Trong vòng 1 năm, cổ phiếu PDR tăng gần 4 lần, Phát Đạt gia nhập nhóm doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô.
Vào tháng 6/2021, ông Nguyễn Văn Đạt lần đầu vượt qua bà Nguyễn Thị Phương Thảo để trở thành người giàu thứ 6 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản vượt 1 tỷ USD.
Bước sang năm 2022, tình hình thị trường chứng khoán không còn thuận lợi, cổ phiếu PDR đã đánh mất 30% thị giá.
Mới đây, vào cuối tháng 5/2022, do thế chấp 15 triệu cổ phiếu để làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 500 tỷ đồng của Phát Đạt, khi cổ phiếu PDR lao dốc khiến cho giá trị tài sản đảm bảo gốc bị suy giảm xuống dưới mức cho phép theo điều khoản, ông Đạt phải nộp thêm 1,7 triệu cổ phiếu cho Công ty chứng khoán Bản Việt.
Ông Đạt xây dựng hình ảnh trên truyền thông là một doanh nhân vượt khó vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng dù không được học đại học.
Đặc biệt, ông Đạt chia sẻ rất nhiều về quan điểm coi trọng gia đình với nguyên tắc luôn về nhà trước 19h để ăn cơm tối cùng vợ con.
Là một doanh nhân nhạy bén, ông chủ của bất động sản Phát Đạt cũng tìm kiếm các cơ hội đầu tư bên ngoài mảng bất động sản.
Đơn cử, vào năm 2009, thị trường bất động sản bắt đầu xuất hiện nhiều dấu hiệu xấu và rơi vào khủng hoảng, ông Đạt quyết định lấn sân sang một lĩnh vực tưởng sẽ “ngon ăn” hơn là vận tải biển với việc thành lập Công ty cổ phần Thương mại Vận tải biển Trường Phát Lộc (TPL Shipping JSC).
Công ty Trường Phát Lộc sử dụng nguồn tài chính từ gia đình ông Đạt và vốn vay.
Tuy nhiên, từ năm 2009 đến năm 2013, công ty này lỗ 100 tỷ đồng. Khởi đầu, TPL Shipping JSC chỉ quản lý một tàu dầu/hóa chất DONG A STAR có trọng tải 8.386 tấn, chuyên vận tải dầu hoạt động trong khu vực nội địa Việt Nam và Đông Nam Á.
Sau một vài năm hoạt động không như kỳ vọng, Ban giám đốc đã quyết định bán tàu DONG A STAR để chuyển sang đầu tư đội tàu hóa chất chuyên dụng mới.
Năm 2014, doanh thu của TPL Shipping đạt 684 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng, cũng là năm đầu tiên ghi nhận lợi nhuận sau chặng đường 5 năm vượt chướng ngại vật.
Trước hoạt động kinh doanh khả quan, ông Đạt tuyên bố tham vọng IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) Trường Lộc Phát vào cuối năm 2016 và đưa doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu năm 2017 trên sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên cho đến nay, thông tin về Trường Lộc Phát không còn xuất hiện.
Cũng trong năm 2014 này, sau những khó khăn triền miên về tài chính, PDR đẩy mạnh tái trúc cấu thông qua các giải pháp như đàm phán với ngân hàng để cơ cấu các khoản nợ vay từ ngắn hạn sang dài hạn, tìm kiếm đối tác để cùng thực hiện dự án và tìm kiếm cơ hội đầu tư ngoài ngành. Nhưng cho đến năm 2017, sau khi thanh toán dứt điểm khoản nợ vay kéo dài nhiều năm với Ngân hàng Đông Á, bức tranh tài chính của PDR mới bắt đầu sáng hơn.