“Vì thế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cứ bình tĩnh, không phải quá lo lắng. Nhờ vào công nghệ, thế giới đã thay đổi rồi. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực ra lại dễ tồn tại trong thế giới số này vì không có gì để mất như các doanh nghiệp lớn….”, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software nhấn mạnh tại sự kiện mới đây.
Công nghệ tưởng xa vời nhưng hiện đã quá gần sự thật, thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người
“Một máy in 3D có thể in ra tất cả các mẫu mã đẹp, chuẩn hơn hẳn các kỹ sư, công nhân. Thậm chí có thể in ra thịt để ăn được… cứ tưởng công nghệ đang còn xa vời nhưng thực ra nó đã đến rất gần với hiện thực rồi”, ông Tiến minh chứng.
Theo ông Tiến, cách mạng công nghiệp sẽ làm thay đổi mọi hình hài. Nếu chuyển đổi kỹ thuật số thì cần có những con người kỹ thuật số. Ngày hôm nay không phải là “cá lớn nuốt cá bé” mà là doanh nghiệp nào nhanh sẽ chiến thắng. Cho nên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cứ bình tĩnh, quan trọng là dám thay đổi để làm.
Theo ông Tiến, thời kì công nghệ, doanh nghiệp nào nhanh sẽ chiến thắng chứ không phải doanh nghiệp nào to hơn sẽ chiến thắng
“Tôi ví dụ, nếu ngày trước tôi sẽ không dám cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn theo kiểu xây dựng hệ thống cửa hàng với vốn lớn thì ngày hôm nay nhờ vào công nghệ, nhờ vào máy in 3D tôi chỉ cần một vài người xuất sắc thì có thể làm ra bất cứ mẫu gì, sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn đó”, ông Tiến chia sẻ.
Vị Chủ tịch này kể câu chuyện để cho thấy, công nghệ đã làm thay đổi cuộc sống của con người. “Tôi có một người bạn làm nghề in. Với nghề này chắc chắn sẽ mất việc vì công nghệ đang dần thay thế kiểu làm thủ công. Mà trong thời đại thế giới số thì phải làm những gì khác biệt, riêng lẻ mới có thể chiến thắng. Người bạn này đã chuyển sang in áo cho các cặp đôi. Dần dần anh ấy phát hiện ra nhờ đi vào mảng nhỏ và nhờ công nghệ anh có thể tiếp xúc với lượng lớn khách hàng trên mạng xã hội, khắp cả nước. Sau đó, anh ấy dùng máy in để in các dòng chữ trên áo (tháng sinh/năm sinh) tiếp cận đúng thị hiếu của khách hàng trẻ, tạo nên phong trào đặt áo cho bố mẹ, người yêu….bằng năm sinh/tháng sinh được in trên áo. Tiếp theo, người bạn này đem sản phẩm này bán hàng trên Amazon và nhiều website khác”.
“Từ một người không rành ngoại ngữ, người bạn này có thể bán hàng trên toàn thế giới nhờ vào công nghệ. Chính công nghệ đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống/thị trường của người đàn ông này”, ông Tiến nhấn mạnh.
Ngày nay có một thực tế, nhờ vào công nghệ chúng ta biết trước được ai là khách hàng. Có bao nhiêu khách hàng đúng với sản phẩm mình bán ra. Theo ông Tiến, nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay chưa chắc đã làm được, kể cả có tiền. Thống kê cho thất, trong số 500 tập đoàn lớn nhất toàn cầu trong 10 năm qua đã biến đi mất một nửa do không thấy được sức mạnh của công nghệ làm thay đổi mọi thứ.
“Một doanh nghiệp nhỏ tiếp cận khách hàng là khó nhất, không đủ tiền và nguồn lực. Nhưng thế giới hiện nay đã thay đổi, nhờ vào công nghệ mọi thứ có thể đảo lộn. Thực ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại dễ tồn tại trong thế giới số này, bởi vì các doanh nghiệp lớn có quá nhiều thứ để thay đổi và mất quá nhiều để thay đổi. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ vừa không có gì để mất nhiều cả”, ông Nam Tiến nhấn mạnh.
Cái khó nhất là con người có dám thay đổi?
Theo Chủ tịch FPT Software, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có diễn ra ở Việt Nam hay không cũng không quan trọng, vì những cuộc cách mạng trước đó chúng ta cũng đã bỏ qua. Với cuộc cách mạng này, chúng ta không tham gia cũng không sao. Tuy nhiên, nếu không tham gia thì đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam cạnh tranh với các cường quốc kinh tế.
Thời kì công nghệ số có thể khiến hàng triệu công nhân mất việc trong vòng 5 năm tới khi họ còn rất trẻ. Thế nhưng, cũng nhờ vào công nghệ có thể tạo ra hàng triệu công việc mới. “Công nghệ thực chất ra là nô lệ, là công cụ của mình, cái khó nhất là con người có dám thay đổi hay không”, ông Tiến nhấn mạnh.
Công nghệ thực chất ra là nô lệ, là công cụ của mình, cái khó nhất là con người có dám thay đổi hay không
Có mấy điều, tôi muốn chia sẻ trong thời đại chuyển đổi số này:
Thứ nhất, trong cuộc cách mạng 4.0, nói nhiều nhất về chuyển đổi số. Đó chính là văn hóa số, chứ không phải công nghệ. Chúng ta có sẵn sàng thay đổi chúng ta trong thế giới số quan trọng hơn là ứng dụng công nghệ nào. Big Data, AI... chỉ là câu từ về công nghệ chứ không phải là điều quyết định.
Thứ hai, nói đến văn hóa số là con người, nó phải được xuất phát từ thực tâm của người lãnh đạo cao nhất.
Thứ ba, các doanh nghiệp phải nhìn được sự phát triển công nghệ là để tránh cho mình con đường chết. Tôi nhìn thấy, hiện rất nhiều các doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ đi vào con đường phá sản vì nếu cứ làm như vậy, làm như cách cũ thì chính công nghệ sẽ đẩy các anh chị vào chỗ chết.
Thứ tư, với công nghệ, một doanh nghiệp bé cũng có thể lợi dụng được thế giới phẳng. Chúng ta ngồi một chỗ có thể bán hàng đi bất cứ nơi đâu, có quyền đặt cả thế giới vào bàn tay mình.
Thứ năm, tất cả các doanh nghiệp dù đông hay ít công nhân có một nhu cầu là mọi người phải giao tiếp với nhau. Với thời kì này, hãy quên tất cả các ứng dụng trên máy tính đi mà nên biến tất cả hoạt động của một doanh nghiệp trong lòng bàn tay. Các ứng dụng vì vậy thực sự quan trọng.
Theo Phương Nga
Theo: cafef.vn