Chủ khu ẩm thực gần 25.000m2 xây không phép xin tồn tại công trình

09/10/2020 12:00

Lấn chiếm đất rạch, tự ý chuyển đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm sang đất thương mại dịch vụ để kinh doanh khu ẩm thực nhưng khi cơ quan chức năng xử lý thì chủ sử dụng đất lại xin cho tồn tại công trình.

Lấn chiếm đất rạch, tự ý chuyển đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm sang đất thương mại dịch vụ để kinh doanh khu ẩm thực nhưng khi cơ quan chức năng xử lý thì chủ sử dụng đất lại xin cho tồn tại công trình. 

Buộc nộp lại tiền thu lợi bất chính 

Thời gian qua, huyện Bình Chánh được xem là “điểm nóng” về tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng của TP.HCM. Nhiều trường hợp vi phạm suốt thời gian dài nhưng chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm, gây bức xúc cho người dân.

Một trong số đó là khu ẩm thực Bình Xuyên (số C3/18 ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) do ông Trần Duy Nhã làm chủ. Khu ẩm thực có quy mô gần 25.000m2 này được xác định có nhiều vi phạm đất đai từ năm 2009

Chủ khu ẩm thực Bình Xuyên sử dụng sai mục đích hàng chục ngàn mét vuông đất.)

Về nguồn gốc đất, theo UBND xã Bình Hưng, trong 25.000m2 đất khu ẩm thực Bình Xuyên có hơn 2.300m2 thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Trần Duy Nhã, phần còn lại ông này thuê của 4 chủ đất khác và một phần rạch.

Theo quy hoạch, toàn bộ khu đất này thuộc Khu B – Làng Đại học, có quyết định thu hồi đất của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 11/1996.

Giai đoạn từ năm 2000 – 2003, các chủ đất đã tiến hành san lấp toàn bộ phần rạch. Năm 2008, gia đình ông Nhã thương lượng, thuê lại các phần đất này và bắt đầu đào ao, dựng các công trình như chòi thực khách ngồi, khu giữ xe… của khu ẩm thực Bình Xuyên.

Đến năm 2013, chủ khu ẩm thực tháo dỡ bãi xe cũ làm khu phòng VIP và các chòi thực khách ngồi lân cận. Từ năm 2015 đến nay, khu ẩm thực không xây dựng thêm các công trình kiên cố. Hàng năm, chủ khu ẩm thực có sơn phết, lợp lại lá, tu sửa và di dời những điểm vui chơi.

Hiện trạng khu ẩm thực gồm các hạng mục: Bãi giữ xe ô tô, bãi giữ xe máy, điểm trưng bày giày, phòng nhận tiệc, các chòi thực khách ngồi dùng tiệc, nhà bếp, kho vật dụng, điểm vui chơi, nhà vệ sinh… và các công trình tạm khác.

Hiện trạng khu ẩm thực Bình Xuyên.)

Ngày 23/4/2020, UBND xã Bình Hưng đã lập biên bản vi phạm hành chính với ông Trần Duy Nhã. Nhưng do cần rà soát diện tích vi phạm nên UBND xã kiến nghị gia hạn thời hạn ban hành quyết định xử phạt.

Đến tháng 6/2020, UBND huyện Bình Chánh đã chuyển hồ sơ vi phạm hành chính của ông Nhã cho Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM để cơ quan này xem xét, trình UBND Thành phố ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền.

Trong báo cáo, UBND huyện Bình Chánh chỉ ra hàng loạt vi phạm của chủ khu ẩm thực Bình Xuyên, đó là: Chiếm hơn 4.800 đất rạch; chuyển hơn 13.000m2 đất lúa và hơn 6.000m2 đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp. Trên những phần đất vi phạm này có xây dựng cột bê tông, tường gạch, mái tole, mái lá…

Do đó, UBND huyện Bình Chánh đề xuất xử phạt chủ nhà hàng ẩm thực Bình Xuyên tổng số tiền 210 triệu đồng, buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và trả lại đất lấn chiếm. Đồng thời, xem xét buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm mà có.

Công trình không phép là "điểm ẩm thực tiêu biểu"?

Trong khi cơ quan chức năng vẫn đang xử lý các hành vi vi phạm về đất đai tại khu ẩm thực Bình Xuyên, mới đây ông Trần Duy Nhã có đơn xin cho tồn tại công trình.

Theo ông Nhã, khu đất 25.000m2 nhà hàng Bình Xuyên được ông thuê lại từ 4 hộ dân với hiện trạng xây dựng nhà trọ, vườn kiểng, chuồng vịt… từ năm 2003. Sau đó, ông cải tạo làm quán ăn sinh thái Bình Xuyên.

Ngoài tạo công ăn việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương, chủ khu ẩm thực Bình Xuyên cho biết hàng năm đều nộp thuế kinh doanh cho Nhà nước đầy đủ. Đây còn là điểm ẩm thực tiêu biểu của TP.HCM cũng như được du khách quốc tế ưu thích (!?).

Chủ khu ẩm thực Bình Xuyên xin cho tồn tại công trình đến khi dự án Làng Đại học triển khai.)

Lấy lý do khu ẩm thực nằm trên khu đất bị quy hoạch treo đã 28 năm và nếu không sử dụng vào mục đích gì sẽ rất lãng phí, ông Nhã xin cho tồn tại khu ẩm thực đến khi dự án triển khai và sẽ tự nguyện tháo dỡ.

Bên cạnh đó, các hộ dân cho ông Nhã thuê đất là Võ Văn On, Nguyễn Văn Hai và Đinh Công Lý cũng có đơn gửi cơ quan chức năng. Những người này xin được sử dụng đất vào mục đích cho thuê tạm để có thu nhập trang trải cuộc sống.

Trao đổi với PV VietNamNet, một lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh cho biết, huyện đã báo cáo vụ việc xử lý vi phạm đất đai tại khu ẩm thực Bình Xuyên đến UBND TP.HCM và quan điểm của địa phương là thực hiện theo chỉ đạo của Thành phố.

Liên quan đến việc xử lý các trường hợp xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng tại huyện Bình Chánh, ngày 7/9/2020 UBND TP.HCM chỉ đạo UBND huyện chủ trì, phối hợp cùng các sở ngành liên quan thành lập tổ công tác.

Tổ công tác này có chức năng xử lý các nội dung liên quan và thực hiện cưỡng chế các công trình vi phạm về đất đai, xây dựng có tính chất phức tạp, trọng điểm ở huyện Bình Chánh.

UBND TP.HCM giao Sở Tư pháp phối hợp với các đơn vị thực hiện áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, biện pháp ngăn chặn, xử lý nhanh đối với công trình vi phạm đất đai, xây dựng sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua.

Phương Anh Linh - Theo Vietnamnet

Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "Chủ khu ẩm thực gần 25.000m2 xây không phép xin tồn tại công trình" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.