Bà Lê Thị Minh Hiền, chủ công trình sai phạm 20 năm phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa chưa xử lý xong lần đầu lên tiếng.
Bà Lê Thị Minh Hiền, chủ công trình được cho là lấn chiếm 20m2 đất công liền kề với Trạm biến áp Hồ cá 1 (phố Võ Văn Dũng, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) chia sẻ đầy ấm ức.
Bà Hiền cho hay, bà mua lại ô đất liền kề với Trạm biến áp Hồ Cá 1 từ nhiều năm trước. Việc chủ hộ cũ (bà Nguyễn Thị Vinh) lấn chiếm hay vi phạm trật tự xây dựng, bị xử lý, cưỡng chế như thế nào bà không hề hay biết.
“Đây là thửa đất xen kẹt, gia đình tôi sử dụng nhiều năm qua, có đóng thuế sử dụng đất, đã được Sở Tài nguyên Môi trường TP.Hà Nội vẽ bản đồ thửa đất để hoàn tất các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình tôi” – bà Hiền nói và trưng ra các giấy tờ, thủ tục… để chứng minh.
Bà cũng cho hay, việc mua bán ô đất này là tiền tích góp nhiều năm của vợ chồng bà, không phải bà tự ý “nhảy dù”, “lấn chiếm” đất công của xã hội.
Khi có đơn thư của các hộ dân gửi lên UBND phường Ô Chợ Dừa, chính quyền sở tại đã cử lực lượng chức năng xuống xác minh, xử lý đơn thư. Gia đình bà đã phải giải trình rất nhiều lần.
“Lãnh đạo phường cho biết, những vấn đề sai phạm liên quan trực tiếp tới việc lấn chiếm, xây dựng của bà Nguyễn Thị Vinh (chủ thửa đất ban đầu) đã có văn bản, biên bản, quyết định xử phạt. Khi tôi mua lại thửa đất này, nó đã có nguyên trạng như ngày hôm nay, chúng tôi không cơi nới, xây mới hay lấn chiếm thêm”.
Bà cho hay, do tuổi tác, sức khỏe, vợ chồng bà cho thuê miếng đất này để người thuê kinh doanh café.
“Những vấn đề chủ quán café chiếm lòng đường để xe của khách, bật nhạc to đến khuya… gây ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh, công an phường đã trực tiếp xuống lập biên bản xử lý. Trách nhiệm của chúng tôi sẽ nhắc nhở người thuê không vi phạm để ảnh hưởng tới bà con xung quanh” – bà Hiền cam kết.
“Tôi rất mệt mỏi”
Xác nhận sự việc công trình xây dựng của chủ cũ vi phạm từ nhiều năm trước, UBND phường đã có biên bản xử phạt, yêu cầu đình chỉ xây dựng, thậm chí cưỡng chế… tới nay là 20 năm nhưng vẫn chưa giải quyết xong, bà Hiền cho biết, mình cũng là nạn nhân và rất mệt mỏi về việc này.
“Theo như tôi được biết, phường nói đất này thuộc Trạm biến áp Hồ Cá 1 do Điện lực Đống Đa quản lý. Tôi đã lên Điện lực Đống Đa để hỏi thông tin, cơ quan này trả lời bằng văn bản nói rằng đất không thuộc Trạm biến áp, do đó Điện lực Đống Đa không liên quan.
Trong khi đó, lãnh đạo phường trả lời báo chí, để xử lý dứt điểm công trình sai phạm thì Điện lực phải có dự án mở rộng, cải tạo Trạm biến áp, di dời đền bù cho gia đình tôi sang chỗ khác. Gia đình tôi bị kẹt vào giữa, không biết làm như thế nào cho đúng”.
Bà cho biết, gia đình bà đang có đơn tường trình gửi UBND TP.Hà Nội, UBND quận Đống Đa, phường Ô Chợ Dừa và các ban ngành liên quan… để được giải quyết dứt điểm.
“Chúng tôi quá mệt mỏi vì việc này. Tôi là người dân, bỏ tiền ra mua đất và sinh sống chứ không phải lấn chiếm, nhảy dù. Nếu là đất lấn chiếm, phường đã thu hồi và cưỡng chế nhà tôi từ lâu chứ không để đến tận ngày hôm nay” – bà Hiền mệt mỏi.
Tiếp tục loay hoay
Vẫn câu chuyện liên quan đến đơn thư phản ánh, tố cáo công trình nhà dân địa chỉ 18B Võ Văn Dũng, PCT phường Ô Chợ Dừa Phạm Việt Cừ xác nhận công trình lấn chiếm là có thật, chính quyền nhiều lần xử lý nhưng vẫn chưa xong.
Từ năm 2001, phường đã lập biên bản về hành vi lấn chiếm 20m2 đất công của bà Vinh (chủ hộ ban đầu), đề nghị các ngành chức năng dỡ bỏ công trình; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; cảnh cáo…
Năm 2015, bà Vinh tự ý sang nhượng trái phép, bán phần đất lấn chiếm cho bà Lê Minh Hiền. Bà Hiền (chủ mới) tiếp tục xây dựng công trình kiên cố, bị xử phạt vi phạm trật tự xây dựng, đình chỉ công trình…
Ông Cừ cho biết, để di dời được hộ dân ra khỏi khu đất này, Điện lực Đống Đa phải lập dự án, lên phường án di dời, đền bù cho người dân. Đây không phải trách nhiệm của phường.
Trong khi đó, đại diện Điện lực Đống Đa khẳng định, trạm biến áp nói trên là một hạng mục thuộc khu giãn dân. Đất lấn chiếm là đất công, không phải đất của điện lực quản lý nên việc xử lý vi phạm là trách nhiệm của phường. Đối với đất lấn chiếm không có hồ sơ pháp lý, phường báo cáo lên Quận để có phương án yêu cầu di dời, nếu hộ dân không di dời thì tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ theo luật định.
Trong lúc chính quyền sở tại “loay hoay” tìm hướng xử lý 20m2 đất lấn chiếm, vợ chồng bà Lê Thị Hiền khốn khổ vì “mắc kẹt”.
"Tôi chỉ mong chính quyền sớm giải quyết dứt điểm để yên ổn cuộc sống, phường cũng không phải nhận đơn thư phản ánh kéo dài như hiện tại. Gia đình tôi đã có đơn kiến nghị lên lên chính quyền các cấp của Hà Nội để chờ câu trả lời thẳng thắn" - bà Hiền nói.