Chính phủ tháo gỡ "nút thắt" nợ tiền đất tái định cư cho người dân: Băn khoăn về đối tượng được thụ hưởng

01/11/2019 14:31

Hàng ngàn hộ dân của Đà Nẵng gánh trên mình hàng trăm tỷ đồng nợ đất tái định cư (TĐC) như mở cờ trong bụng khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 79/2019 sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất. Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, đông đảo người dân nợ tiền đất TĐC đi nộp tiền trả nợ bỗng "chết đứng" khi được biết UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 06 sửa đổi, bổ sung giá đất mới, đồng nghĩa với việc người nợ đất TĐC phải nộp tiền theo cách áp giá mới, tăng hàng trăm triệu đồng, có trường hợp tăng cả tỷ đồng...

Hàng ngàn hộ dân của Đà Nẵng gánh trên mình hàng trăm tỷ đồng nợ đất tái định cư (TĐC) như mở cờ trong bụng khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 79/2019 sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất. Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, đông đảo người dân nợ tiền đất TĐC đi nộp tiền trả nợ bỗng "chết đứng" khi được biết UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 06 sửa đổi, bổ sung giá đất mới, đồng nghĩa với việc người nợ đất TĐC phải nộp tiền theo cách áp giá mới, tăng hàng trăm triệu đồng, có trường hợp tăng cả tỷ đồng...

P. Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà) địa bàn có rất nhiều người nợ đất TĐC. 

Trao đổi với phóng viên chiều 30-10, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN- MT TP Đà Nẵng cho hay, việc sửa đổi Nghị định này của Chính phủ khiến người dân đang nợ đất TĐC rất phấn khởi, nhưng đối tượng được thụ hưởng không phải là đại trà, vì vậy các ngành chức năng vẫn phải nghiên cứu văn bản để tham mưu cho TP vận dụng tháo gỡ. Ông Hùng dẫn chứng, điều 1 của Nghị định mới sửa đổi điều 16 Nghị định 45 quy định, chỉ với các đối tượng là các hộ hộ gia đình, cá nhân (gồm người có công với cách mạng, hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

Trong khi đó, điều 2 (xử lý chuyển tiếp) quy định rõ: Đối với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo quy định của pháp luật từng thời kỳ mà đến trước ngày nghị định này có hiệu lực mà chưa thanh toán hết nợ tiền sử dụng đất thì thực hiện như sau: Với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử đụng đất trước ngày 1-3-2016 thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận (hoặc theo số tiền ghi trên giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật) đến hết ngày 28-2-2021. Quy định này không áp dụng đối với số tiền sử dụng đất thanh toán mà hộ gia đình, cá nhân đã nộp vào ngân sách nhà nước. Kể từ ngày 1-3-2021 trở về sau thì hộ gia đình, cá nhân phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.

Ngoài ra, đối với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất từ ngày 1-3-2016 đến ngày nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo số tiền ghi trên giấy chứng nhận đã được xác định theo quy định tại Nghị định 45/2014 trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ghi nợ tiền sử dụng đất. Nếu quá thời hạn 5 năm kể từ ngày ghi nợ tiền sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân phải thanh toán số tiền còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.

Nghị định cũng hướng dẫn đối với hộ gia đình, cá nhân ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng ghi nợ bằng vàng, bằng tài sản hoặc bằng các phương thức khác không phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ghi nợ thì UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng xác định lại số nợ bằng tiền theo đúng quy định của pháp luật từng thời kỳ

Người nợ đất TĐC Q. Sơn Trà tỏ ra rất lo lắng ở thời điểm đầu năm do phải nộp giá đất mới.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thời điểm quy định giá đất mới, Đà Nẵng có tới hơn 6.900 hộ nợ đất TĐC với số tiền khoảng 866 tỷ đồng. Với việc Chính phủ ký ban hành Nghị định 79/2019 sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất như đã nêu trên, một số địa phương cho hay, cũng là điều khiến người dân vui mừng. Song việc giới hạn đối tượng như điều 1 của nghị định mới sửa đổi thì số lượng không đáng bao nhiêu, bởi hầu như người đang nợ đất TĐC là hộ thu nhập bình thường, bình dân chứ không phải hộ nghèo. Một lãnh đạo địa phương cho biết, với những hộ thuộc gia đình có công thì ngay từ đầu tiền đất đã được giảm nhiều. Có nhiều trường hợp sau đó đã trả nợ hết, hoặc một phần. Còn với hộ nghèo, gần như đã bán hết đi mua chung cư ở. Cũng từ thông tin đọc được trên mạng về Nghị định mới sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014, lãnh đạo một số quận và phường cho hay, có nhiều hộ đang nợ đất TĐC chiều 31-10 rất mừng nên điện đến hỏi chính quyền, nhưng chính quyền không thể giải thích ngay, đành phải trao đổi lại rằng sẽ hỏi rõ chính sách từ cấp trên sau đó giải thích lại. Nói về số liệu cụ thể hộ được giới hạn trong điều 1 của Nghị định mới, lãnh đạo các địa phương cho hay, ngày mai sẽ thông tin cụ thể, nhưng chắc chắn rất ít.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tô Văn Hùng cũng nhận thấy rằng, việc ràng buộc đối tượng như điều 1 của Nghị định mới đúng là người dân được hưởng lợi không nhiều. Thời gian tới, có lẽ thành phố, các ngành và địa phương có liên quan cũng phải bàn giải pháp, chứ xem ra việc thực hiện còn rất nan giải, cam go.

Công Hạnh - Theo CAND

http://cadn.com.vn/news/75_215247_chinh-phu-thao-go-nut-that-no-tien-dat-tai-dinh-.aspx

Bạn đang đọc bài viết "Chính phủ tháo gỡ "nút thắt" nợ tiền đất tái định cư cho người dân: Băn khoăn về đối tượng được thụ hưởng" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.