Hàng loạt doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương….nợ đọng BHXH hàng chục tỷ đồng/đơn vị. Thậm chí có DN trốn đóng, trục lợi tiền BHXH của người lao động. Riêng tịa TP.HCM, đã có 71 DN bị chuyển hồ sơ công an, đề nghị khởi tố.
BHXH TP.HCM kiến nghị khởi tố 71 đơn vị, doanh nghiệp
Ngày 14/7, BHXH TP.HCM phối hợp cùng công an thành phố sơ kết công tác kiến nghị khởi tố hình sự tội gian lận BHXH, BHYT trong 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Theo BHXH TP.HCM, ngày 10/1/2020, đơn vị đã lập hồ sơ kiến nghị khởi tố chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) xử lý đối với 72 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ). Trong đó, có 64 đơn vị với tổng số nợ 113,1 tỷ đồng vi phạm Điều 216 Bộ luật Hình sự; đồng thời theo dõi áp dụng biện pháp thu hồi nợ đối với 8 đơn vị đã khắc phục hoặc có văn bản cam kết khắc phục.
Kết quả, BHXH TP.HCM và BHXH các quận, huyện đã chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với 60 đơn vị, doanh nghiệp (DN). Riêng 12 đơn vị còn lại không lập hồ sơ kiến nghị khởi tố, do có 4 đơn vị không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh và 8 đơn vị đã khắc phục nợ với tổng số tiền 36,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, BHXH các quận, huyện đã chủ động chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố thêm 11 DN (quận Bình Thạnh có 6 DN, quận 2 có 5 DN). Bên cạnh đó, BHXH quận 1 đề nghị khởi tố 1 DN đã khắc phục nợ trong tháng 12/2019 nhưng tiếp tục vi phạm là Cty TNHH Xây dựng Thương mại Lục Giác.
Như vậy, tính đến ngày 10/7/2020, cơ quan BHXH đã chuyển kiến nghị khởi tố đối với 71 DN (Văn phòng BHXH TP.HCM kiến nghị khởi tố 6 đơn vị và BHXH các quận, huyện kiến nghị khởi tố 65 đơn vị).
Theo ông Nguyễn Trọng Nam, Trưởng phòng Thanh tra-Kiểm tra (BHXH TP.HCM), tổng số tiền nợ của 71 đơn vị SDLĐ tại thời điểm chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố là 141,7 tỷ đồng; tổng số tiền khắc phục của đơn vị từ khi chuyển kiến nghị khởi tố là 14,9 tỷ đồng.
Trong đó, có 3 DN khắc phục hoàn toàn số nợ, gồm: Cty CP Đầu tư và Phát triển nhà đất Cotec truy nộp 8,5 tỷ đồng; Cty CP Xây dựng-Thương mại Hưng Việt (quận 10) truy nộp 585 triệu đồng; Cty CP Việt Đỉnh (quận Bình Thạnh) truy nộp 559 triệu đồng. Ngoài ra, 19 DN khác khắc phục một phần với số tiền 5,2 tỷ đồng (trên tổng số nợ 48,8 tỷ đồng); còn lại 49 DN chưa khắc phục với tổng số tiền nợ 83,5 tỷ đồng.
Theo đánh giá của BHXH các quận, huyện, công tác kiến nghị khởi tố hình sự còn mới, nên bước đầu vẫn còn lúng túng; văn bản hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 214, Điều 215 và Điều 216 của Bộ luật Hình sự chưa kịp thời, nên các bên chưa thống nhất bộ hồ sơ “chuẩn” trong kiến nghị khởi tố.
Đáng chú ý, theo BHXH quận Phú Nhuận, đến nay vẫn chưa thống nhất được bộ phận tiếp nhận, xử lý; yêu cầu xác định giám định viên tư pháp của cơ quan BHXH, trong khi cơ quan BHXH chưa có chức danh này.
Theo đại diện Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an TP.HCM), vẫn còn “độ vênh” trong quy trình xử lý của cơ quan BHXH và cách hiểu cơ quan Công an một số quận, huyện.
Để giải quyết vấn đề này, Công an TP.HCM đã có văn bản số 2905/PC01-Đ1 và 2893/PC01-Đ1 ngày 2/6/2020 gửi Cơ quan CSĐT Công an các quận, huyện đề nghị tiếp nhận, phân loại, xử lý các tin báo về tội phạm do cơ quan BHXH chuyển đến; đồng thời phân công thụ lý theo thẩm quyền, thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan BHXH…
Hà Nội kiên quyết xử lý, bảo vệ người lao động
Ngày 24/6 vừa qua, BHXH TP. Hà Nội đã công khai danh sách 150 đơn vị nợ đóng BHXH trên các phương tiện truyền thông đại chúng, với số tiền lên tới 55 tỷ đồng.
Đứng đầu danh sách là Cty CP Sông Đà 6, trụ sở tại nhà TM, Khu đô thị Văn Khê (phường La Khê, quận Hà Đông) với số tiền nợ gần 6,7 tỷ đồng trong 8 tháng của 789 người lao động.
Tiếp đến là Cty CP Đầu tư và Xây dựng số 4, trụ sở tại tầng 8, tòa nhà ICON 4 (243A Đê La Thành, quận Đống Đa) với số tiền nợ gần 5,6 tỷ đồng trong 21 tháng của 109 lao động…
Ngoài danh sách vừa công khai, thống kê của BHXH TP. Hà Nội cho thấy, tính đến hết ngày 31/5/2020, toàn thành phố còn 53.083 đơn vị, DN nợ đóng BHXH, tập trung chủ yếu ở khối DN ngoài quốc doanh. Như vậy, sau nhiều năm nỗ lực kiềm chế, tỷ lệ nợ BHXH trên địa bàn Hà Nội đang tăng trở lại với tổng số tiền nợ phải tính lãi là hơn 1.851 tỷ đồng, tăng hơn 937 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2019.
Theo ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, việc các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng BHXH đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là khi không may họ bị ốm đau, tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp…
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, nguyên nhân chính khiến tình trạng nợ đóng BHXH gia tăng trở lại là do dịch COVID-19 làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của không ít DN, khiến DN không cân đối được nguồn tiền để đóng BHXH cho người lao động.
Mặt khác, một số đơn vị, DN tuy không bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng BHXH không đúng mức quy định.
Ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH TP. Hà Nội cho hay, từ nay đến cuối năm 2020, cơ quan BHXH sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH tại các DN nợ đóng, trốn đóng, phát hiện trường hợp nào vi phạm sẽ chuyển sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý.
Tuy nhiên, ngày 15/7, xác nhận với Tiền Phong, lãnh đạo BHXH quận Hà Đông cho biết, sau bài báo, ông Quân có đến làm việc và hứa sẽ nộp trước 2-2,5 tỷ đồng để chốt sổ cho người lao động. Tuy nhiên, sau đó ông này lại…mất hút, đến nay chưa thấy nộp đồng tiền nào.