Vướng quy hoạch phân lũ, Hà Nội chưa thể tiến hành lập quy hoạch 2 bên sông Hồng, khoảng gần 10 vạn dân Thủ đô sinh sống ở các vùng ngoài đê đang chịu ảnh hưởng bởi quy hoạch treo này. Từ việc quy hoạch chậm, dẫn đến việc xin cho, xây dựng sai phép, chiếm đất nông nghiệp diễn ra tràn lan tại các xã phường ngoài đê.
Ðất ngoài đê biến tướng
Số liệu từ Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 60 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, trong khi đó mới chỉ xử lý được 5 vụ, còn tồn đọng 55 vụ. Ngoài ra, rất nhiều vụ vi phạm từ những năm trước vẫn còn tồn đọng. Trong đó từ năm 2011 đến 2019, toàn thành phố tồn đọng 1.821 vụ việc chưa được xử lý. Tình trạng vi phạm phổ biến là xây dựng công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều và trên bãi sông; đổ thải, san lấp lấn chiếm lòng sông, bãi sông…
Ghi nhận của PV Tiền Phong tại khu vực phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) với khoảng 3/4 dân số sống ở ngoài đê, việc quản lý đất bãi khu vực này luôn nóng. Tại khu tập thể F361, các ngõ 1, 5, 9, 11 (hướng về phía bờ sông) xuất hiện hàng chục công trình xây dựng kiên cố theo kiểu nhà vườn. Theo người dân tại đây, những năm trước, nhiều nhà phía bên trong thuê đổ phế thải xây dựng lấn sông, rồi xây dựng các công trình kiên cố trên đất lấn chiếm.
Quanh khu vực này còn có các phường Tứ Liên, Nhật Tân, trước đây chủ yếu trồng đào, quất. Tốc độ đô thị hóa cao khiến những mảnh đất vườn dần biến mất, thay vào đó là những công trình 2- 4 tầng mọc lên. Như trên đường Âu Cơ, các công trình nằm tại số 321; 337; 281A… đều là các công trình xây dựng kiên cố nằm trên đất nông nghiệp.
Ở những khu vực ngoài đê đã được cấp sổ đỏ, các chủ công trình đều phải thỏa thuận với Sở NN&PTNT Hà Nội, chỉ được xây dựng tạm… Thế nhưng hàng loạt công trình sai phép, cơi nới không phép liên tục xuất hiện trên địa bàn phường Yên Phụ. Có thể điểm danh các công trình cấp tập xây dựng, đang hoàn thiện như: Công trình số 31 đường 6 Tập thể F361; 2 công trình đối diện chợ Yên Phụ (số 3 ngõ 108 Nghi Tàm) được cấp phép 4 tầng 1 tum nhưng đang cơi nới nâng thêm 1 tầng.
Phía bên kia cầu, địa bàn các phường Bồ Đề, Long Biên, Ngọc Lâm… thuộc quận Long Biên, đất nông nghiệp ngoài đê bị biến tướng thành nhà xưởng, xây dựng nhà hàng, quán ăn…
Lãng phí nguồn lực
Đại diện UBND phường Yên Phụ cho biết, đất bãi trên địa bàn chiếm tới 12ha, các công trình ở đây chưa có kiểm đếm, thống kê cụ thể. Việc các công trình kiên cố mọc lên ở hành lang thoát lũ là có, có những công trình xây dựng hơn 20 năm, chưa giải quyết được. Phường thường xuyên ra quân xử lý các công trình nhà, lán tạm xây dựng dọc hành lang đê, nhưng các công trình này dựng rất nhanh chỉ trong 1 đêm, nhiều lúc làm không xuể.
Hạt quản lý đê số 2 đã phối hợp UBND phường Yên Phụ kiểm tra và lập nhiều hồ sơ vi phạm, dỡ bỏ toàn bộ lều tạm, khung cột tre, mái lá, nhà khung sắt, mái tôn,… Hiện cả cơ quan quản lý, người dân đều mong sớm có quy hoạch phân khu R khu vực ngoài đê để người dân có thể sinh sống ổn định.
Năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật đất đai trong công tác quản lý Nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công thuộc trách nhiệm của UBND quận Long Biên và UBND các phường trên địa bàn quận.
Kết luận thanh tra cho thấy đã có 304 trường hợp vi phạm đất nông nghiệp với tổng diện tích đất là 13,7ha. Trong đó, sử dụng không đúng mục đích, xây dựng trái phép là 286 trường hợp, diện tích 13,3ha và chuyển nhượng trái quy định 14 trường hợp, diện tích 0,17ha; tự san lấp đất trên đất nông nghiệp là 3 trường hợp tại phường Việt Hưng với diện tích 0,15ha.
Mới đây, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo thành phố Hà Nội và Bộ NN&PTNT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, do không có quy hoạch hai bên sông Hồng nên hiện nhiều nguồn lực bị lãng phí. Các khu đất bãi ven sông nhiều năm qua không ai dám đầu tư vì không có quy hoạch. Địa phương chỉ có thể cho đấu thầu tối đa 5 năm đối với đất bãi bồi ven sông. "Tôi đi Đan Phượng, Hoài Đức, đất ngoài bãi mênh mông mà không dùng được. Có đất bãi giữa ở Hoàn Kiếm, muốn mượn dùng tạm một số việc cũng không được. Tất cả đều chờ quy hoạch", Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định, khi có quy hoạch phân lũ, thành phố sẽ tiến hành quy hoạch. Từ đó, khoảng 900.000 người dân dọc hai bên bờ sông sẽ được tạo sinh kế ổn định, bộ mặt đô thị khang trang sạch đẹp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đề nghị của Hà Nội là hoàn toàn chính đáng. Trong thời gian tới, Bộ sẽ cử lực lượng khoa học giỏi phối hợp với Hà Nội rà soát lại quy hoạch phân lũ, làm cơ sở cho thành phố xây dựng quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. |