Nguyên ĐBQH chỉ ra điểm yếu là quá trình tổ chức thi hành luật không gắn giữa quyền hạn, nhiệm vụ với trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.
Một trong những mục tiêu được Chính phủ đề ra trong năm 2020 là chấm dứt việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định. Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, đối tượng, hết thời gian sử dụng theo quy định.
Bàn về mục tiêu này, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội khẳng định, không có việc gì không thể làm được nếu có quyết tâm chính trị đủ mạnh, thực sự muốn làm và có sự chỉ đạo, thống nhất từ trên xuống dưới.
Việt Nam đã có Luật quản lý, sử dụng tài sản công, nhưng một điểm yếu cố hữu tồn tại nhiều năm nay ở Việt Nam là việc tổ chức thi hành luật còn yếu, từ khi có luật đến khi chuyển hóa vào cuộc sống còn một khoảng cách rất xa mà nguyên nhân là do quá trình tổ chức thi hành.
Đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công, cơ sở pháp lý cũng có sự thay đổi theo thời gian, có sự không ăn khớp giữa thực tiễn quản lý, sử dụng với các quy định của pháp luật.
“Vậy nên, một hậu quả rất lớn đã xảy ra là thời gian qua, tài sản công của chúng ta – vốn không nhiều đối với một quốc gia – được sử dụng không hiệu quả, có những chỗ gây ra thất thoát, lãng phí, có những chỗ lại tạo ra những vùng đất màu mỡ cho những người có tư tưởng biến của công thành “của ông”.
Chính phủ đặt ra mục tiêu nói trên với mong muốn siết chặt công tác quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo đúng mục đích, phát huy hiệu quả cho nền kinh tế và hạn chế tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống chính trị.
Về thời điểm hoàn thành (trong năm 2020), như đã nói nếu quyết tâm cũng có thể làm nhưng theo tôi là khó”, ông Lê Việt Trường nhận xét.
Ông phân tích cụ thể: Mảng thứ nhất là tài sản công giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, sau đó bố trí cho cá nhân sử dụng, có một số nhà công vụ theo chính sách mới bảo đảm cho những người điều chuyển công tác, chưa có điều kiện xác lập chỗ ở cá nhân yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Việc bố trí như vậy là cần thiết, nhưng khi hết thời gian sử dụng, hoặc bản thân cán bộ đó không còn là đối tượng được sử dụng nhà công vụ nữa thì theo quy định của pháp luật, người đó buộc phải trả lại.
“Thời gian qua truyền thông phản ánh có một số cán bộ chây ì không chịu trả nhà công vụ thì cơ quan quản lý nhà nước, tiêu biểu là Bộ Xây dựng đã gửi thông báo, nêu tên (dù viết tắt), cơ quan từng công tác… để yêu cầu trả nhà. Tôi nghĩ biện pháp này sẽ đem lại hiệu quả và các cá nhân đó sẽ phải trả lại, thời hạn mà Chính phủ đề ra có thể hoàn thành”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội nói.
Mảng thứ hai mà ông Trường cho rằng đặt ra mục tiêu hoàn thành vào năm 2020 khó khả thi là việc chấm dứt việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định.
“Tài sản công tài được giao cho cơ quan, tổ chức, nhất là các tổ chức cũ – trước đây có nhà máy, xí nghiệp, giờ giải thể chuyển thành tài sản để các bộ, địa phương quản lý.
Đất đó là đất công và luật pháp đã quy định rất rõ nhưng một số người cố tình bằng cách này hay cách khác cho thuê, đem liên doanh, liên kết sai mục đích sử dụng. Hiện nay có nơi xây được khách sạn, có nơi làm đại lý, có nơi làm cơ sở sản xuất…
Điều này đòi hỏi phải có quá trình để xử lý hệ quả vì về mặt pháp luật là sai, nhưng trong từng trường hợp lại có hoàn cảnh cụ thể của nó, phải giải quyết cho thỏa đáng, thậm chí phải xử lý hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm.
Ví dụ, vụ cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến phải xử lý hình sự do liên quan đến sai phạm đất đai xảy ra tại 3 khu đất trên đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1 (TP.HCM).
Tuy nhiên, cũng có những vụ việc không hoàn toàn do động cơ trục lợi, vi phạm quy định của pháp luật về tham nhũng mà do hoàn cảnh cụ thể lúc bấy giờ hoặc do một yếu tố nào đó, cơ quan, tổ chức, địa phương cho liên doanh, liên kết.
Nếu không thuộc vào mục tiêu buộc Nhà nước phải giữ như đất an ninh quốc phòng, không vi phạm vào quy hoạch thì có thể thay đổi mục đích sử dụng, chuyển hóa thành đất thương mại, Nhà nước thông qua đó giao đất có thu tiền sử dụng đất để phục vụ mục đích phát triển chung của xã hội, cách giải quyết khi đó phải khác.
Nếu tài sản công đó phục vụ mục tiêu đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước thì phải tính cách giải quyết để đảm bảo quyền lợi của các bên, nhất là người đi thuê, liên doanh bỏ vốn vào đầu tư xây dựng.
Vì lẽ đó, ý muốn của người đứng đầu bộ ngành được giao quản lý, tham mưu là tốt nhưng đi vào thực tế thì không đơn giản”, ông Lê Việt Trường phân tích.
Cũng theo vị nguyên đại biểu Quốc hội, ngay việc thực hiện giữa các địa phương cũng không giống nhau. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… ngay từ khi chưa giành chính quyền cũng đã là nơi tập trung các cơ quan của chế độ cũ, đất ở đó có nhiều giá trị, phục vụ làm cơ sở công quyền, làm trung tâm thương mại, dịch vụ… Chính ở những nơi này nảy sinh nhiều mâu thuẫn và một bộ phận người sử dụng, quản lý tranh thủ lỗ hổng, kẽ hở của pháp luật để làm trái.
Địa phương phải làm sao để hoàn thành mục tiêu mà Trung ương đã đề ra? Trả lời câu hỏi này, ông Lê Việt Trường nhấn mạnh, cái yếu nhất của ta là quá trình tổ chức thi hành luật không gắn giữa quyền hạn, nhiệm vụ với trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.
“Ví dụ, bây giờ cần yêu cầu: tổng diện tích nhà cửa, đất đai công của địa phương là bao nhiêu, diện tích đang quản lý đúng mục đích là bao nhiêu, sai mục đích là bao nhiêu, giao cho chủ tịch tỉnh, thành lên kế hoạch, báo cáo Thủ tướng, trong thời gian bao lâu thì xử lý xong, không xong thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý.
Làm như vậy sẽ thực hiện được ngay và mới đạt được kết quả như mong muốn”, ông Trường cho biết.