Doanh số giảm 80%
Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Quốc Cường Gia Lai, mã chứng khoán: QCG) ghi nhận doanh thu thuần 204 tỷ đồng trong quý II vừa qua. Mảng kinh doanh chính là bất động sản chiếm 90% tổng doanh số của doanh nghiệp phố núi sụt giảm nghiêm trọng 80% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, tỷ suất lợi nhuận gộp của Quốc Cường Gia Lai lại cải thiện đáng kể so với cùng kỳ 2020. Biên lãi gộp mảng bất động sản tăng từ 11% lên 26%. Ngược lại, mảng kinh doanh điện chiếm gần 10% tổng doanh thu lại lỗ khi doanh số thấp hơn giá vốn.
Doanh thu sụt giảm mạnh nên chi phí bán hàng của doanh nghiệp phố núi cũng thấp hơn nhiều so với quý II năm trước. Riêng các khoản chi phí trả lãi vay, quản lý doanh nghiệp không thay đổi đáng kể so với cùng kỳ.
Sau khi hạch toán các chi phí và thuế, lợi nhuận ròng của Quốc Cường Gia Lai còn 9 tỷ đồng, thấp hơn 10% so với mức lãi quý II/2020.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Quốc Cường Gia Lai đạt doanh thu 550 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 28 tỷ đồng, giảm hơn 30%.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai hơn 9.900 tỷ đồng. Nợ phải trả là gần 5.700 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngân hàng chỉ chiếm gần 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại mượn hơn 800 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân liên quan và hạch toán vào khoản phải trả.
Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai mượn của Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan 97 tỷ đồng. Con gái bà Loan là Nguyễn Ngọc Huyền My cũng cho công ty của mẹ mượn 11 tỷ đồng.
Song song đó, Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai Lại Thế Hà cùng con gái Lại Thị Hoàng Yến cho công ty mượn tổng cộng hơn 120 tỷ đồng.
Bên cho Quốc Cường Gia Lai mượn tiền nhiều nhất là Công ty Cổ phần Bất động sản Hiệp Phúc với 423 tỷ đồng. Kế đó là Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Phạm Gia cho mượn 153 tỷ đồng. Đây đều là 2 doanh nghiệp liên kết Quốc Cường Gia Lai đang đóng vai trò cổ đông lớn.
Thành viên HĐQT từ nhiệm, công ty con bị giải thể
Thời gian qua, doanh nghiệp phố núi chứng kiến hàng loạt biến động. Cuối tháng 6, Quốc Cường Gia Lai giải thể hai công ty thành viên gồm Công ty TNHH Bất động sản Quốc Cường Phước Kiển và Công ty Cổ phần Bất động sản Quốc Cường Thuận An.
Trong đó, Quốc Cường Phước Kiển là công ty con với 80% vốn thuộc sở hữu của Quốc Cường Gia Lai. Còn Quốc Cường Thuận An là công ty liên kết có 31% vốn do doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan nắm giữ.
Công ty TNHH Bất động sản Quốc Cường Phước Kiển được thành lập năm 2015, vốn điều lệ ban đầu 999 tỷ đồng. Doanh nghiệp này ra đời cùng thời điểm Quốc Cường Gia Lai được công nhận là chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Phước Kiển thuộc huyện Nhà Bè, TPHCM.
Phước Kiển là dự án lớn nhất của Quốc Cường Gia Lai với diện tích lên tới hơn 90 ha. Công ty cho biết đã đền bù 80% diện tích dự án. Tuy nhiên, dự án này đến nay vẫn bất động do vướng mắc về thủ tục pháp lý, theo thông tin từ lãnh đạo doanh nghiệp.
Trong khi đó, Quốc Cường Thuận An được thành lập vào năm 2020, có vốn điều lệ 355 tỷ đồng với mục đích ban đầu để tham gia phát triển dự án bất động sản tại Bình Dương.
Giữa tháng 6, 2/4 thành viên HĐQT của Quốc Cường Gia Lai từ nhiệm khiến ban lãnh đạo doanh nghiệp chỉ còn 2 người. Cuối tháng 7 vừa qua, công ty mới bổ sung một thành viên HĐQT độc lập.
Tổng giám đốc Như Loan hiện trực tiếp sở hữu 37% cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Cộng với cổ phần của các con và người thân, gia đình bà Loan nắm giữ 55% vốn điều lệ, giữ quyền chi phối doanh nghiệp.
Theo Việt Đức/Dân trí