Một số hộ dân trong khu vực giải phóng mặt bằng chưa di dời vìchưa thỏa thuận được giá bồi thường thỏa đáng.
Cầu Bình Đào bắc qua sông Trường Giang, nối liền hai xã Bình Đào và Bình Triều (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) dù hạng mục cầu đã xây dựng xong nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng vì chưa có đường dẫn phía xã Bình Đào.
Ông Nguyễn Văn Hường (ngụ thôn 2, xã Bình Đào) cho biết cầu Bình Đào cũ (cầu sắt) sau nhiều năm sử dụng nay đã xuống cấp trầm trọng. Mới đây, Nhà nước đầu tư xây dựng cây cầu mới bằng bê tông cốt thép khang trang. Sau thời gian dài xây dựng, cầu hoàn thành nhưng phần đường dẫn chưa thi công được.
“Lâu nay người dân ở đây đi cầu sắt ọp ẹp đã cũ. Chúng tôi cũng mong có cây cầu mới để thuận tiện qua lại nhưng cầu làm xong rồi để đó do chưa có đường dẫn rất lãng phí. Tôi nghe nói họ bồi thường không thỏa đáng nhưng không rõ cụ thể thế nào” - ông Hường nói.
Ông Nguyễn Nhanh (ngụ thôn 2, xã Bình Đào), một trong những hộ dân nằm trong diện giải tỏa bồi thường, cho hay mức giá của Nhà nước đưa ra chưa thỏa đáng. Khu đất của gia đình ông nằm ngay tại ngã ba, đang kinh doanh buôn bán mang lại thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng, nếu chuyển đến nơi khác sẽ mất thời gian để tìm phương án làm ăn.
“Mức giá bồi thường cho nhà tôi quá thấp nên tôi chưa chấp nhận. Tôi không chống lệnh của Nhà nước, đến nơi khác thì tôi đồng ý nhưng phải bồi thường mức giá thỏa đáng. Chưa nói gia đình tôi buôn bán lâu nay, giờ chuyển đến chỗ khác không buôn bán được, mất hết thu nhập” - ông Nhanh nói.
Sẽ cưỡng chế trong quý I
Ông Nguyễn Xuân Ba, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất và công nghiệp - dịch vụ huyện Thăng Bình, cho biết công tác giải phóng mặt bằng cho cầu Bình Đào bị vướng năm hộ dân. Hiện nay, các hộ này đã có quyết định phê duyệt bồi thường theo quy định. “Trong năm hộ này có ba hộ tái định cư ngay trên phần đất còn lại, hai hộ buộc phải di dời bàn giao mặt bằng. Đơn vị đã thực hiện đúng quy định của Nhà nước, công khai mời các hộ bị ảnh hưởng đến nhận chi trả bồi thường nhưng vẫn chưa thỏa mãn” - ông Ba nói.
Theo ông Ba, các hộ có đề xuất hỗ trợ nhưng ngoài thẩm quyền nên huyện cũng đã báo cáo tỉnh. Đối với ba hộ tái định cư trên đất còn lại, tỉnh thống nhất cho chủ trương và quyết định phê duyệt hỗ trợ phần chấn động (nằm ngoài diện tích bị ảnh hưởng). Sắp tới, huyện sẽ mời ba hộ này đến nhận chi trả bồi thường.
Đối với hai hộ còn lại buộc phải di dời, do vị trí buôn bán thuận lợi, sinh lời cao nên người dân chưa đồng ý mức bồi thường của Nhà nước. Trong hai hộ này có một hộ được bố trí lô phụ theo quy định đã được huyện linh hoạt xử lý nhưng vẫn chưa đồng ý. Đến nay tỉnh thống nhất bố trí đất tái định cư (có thu tiền) cho hai hộ này gần khu vực đang sinh sống. Tuy nhiên, giá đất bồi thường của hai hộ này cao hơn giá đất ở khu tái định cư nên huyện xem xét, bố trí cho hộ ông Nhanh (hộ được nhận lô phụ) vị trí khác có đơn giá cao hơn.
“Đơn giá đất bồi thường của hộ này có mức 3,4 triệu đồng/m2, ngoài bố trí một lô đất ở khu tái định cư, huyện bố trí ở vị trí gần trung tâm huyện một lô đất khác có đơn giá 9 triệu đồng/m2. Hộ này được bồi thường giá đất 3,4 triệu đồng thì đến vị trí mới cũng chỉ nộp 3,4 triệu đồng/m2 đối với phần diện tích đất bị thu hồi. Còn phần diện tích vượt thì phải nộp cho Nhà nước đủ 9 triệu đồng nhưng gia đình chưa thống nhất” - ông Ba nói.
Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, cho biết hiện nay cơ bản ba hộ đã đồng ý, hai hộ còn lại vẫn chưa thống nhất phương án bồi thường. “Còn hai hộ nếu họ không đồng ý thì trong quý I sẽ tổ chức cưỡng chế. Vì ai cũng phải chấp hành theo quy định của Nhà nước” - ông Hùng nói.
Cầu Bình Đào xây mới nằm cách cầu cũ khoảng 100 m về bên phải tuyến quốc lộ 14E, khởi công xây dựng vào tháng 9-2019. Theo thiết kế, công trình có tổng chiều dài 713,4 m, chiều dài cầu 185,4 m, rộng 9 m theo tiêu chuẩn đường bộ cấp IV đồng bằng và hai đầu đường dẫn. |