‘Tôi đã sốc khi phải ký hợp đồng quản lý tài sản gần 162 triệu đồng!’
Do cần vốn đầu tư kinh doanh, năm 2011 gia đình ông Nguyễn Văn Minh (thôn 2, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số 735, tờ bản đồ số 2 với diện tích 194m2 của gia đình để vay 900 triệu đồng từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).
Ông Minh cho biết, trước khi được giải ngân khoản vay 900 triệu đồng, cán bộ của Techcombank đề nghị ông Nguyễn Văn Minh phải ký vào hợp đồng quản lý tài sản với Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank AMC).
Cứ tưởng phí dịch vụ quản lý tài sản chỉ vài triệu đồng, ai ngờ số tiền này lên tới gần 162 triệu đồng (trong thời hạn gần 10 năm). Khoản phí dịch vụ này tương đương khoảng 18% tổng số tiền gốc gia đình ông Minh vay vốn ngân hàng.
“Tôi đã bị sốc khi bị Techcombank và Techcombank AMC bắt chẹt. Nhưng vì toàn bộ thủ tục vay vốn đã hoàn thiện, hợp đồng tín dụng với ngân hàng cũng đã ký, gia đình cũng cần tiền đầu tư nên tôi buộc phải ngậm đắng nuốt cay, nhắm mắt ký vào hợp đồng quản lý dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm với Techcombank AMC”, ông Minh bức xúc.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Minh, khi vay nợ Techcombank gia đình chỉ thế chấp sổ đỏ một thửa đất 194m2 cho ngân hàng. Vậy tại sao Công ty Techcombank AMC thu phí dịch vụ quản lý lên tới gần 162 triệu đồng? Họ có mất gì đâu cơ chứ!
“Sau này khi tìm hiểu hoạt động cho vay của các ngân hàng khác, tôi mới biết là không hề có quy định nào bắt buộc khách hàng phải đóng phí quản lý tài sản bảo đảm. Càng không có khoản phí quản lý tài sản (hoặc bảo hiểm khoản vay) nào có mức giá đắt “cắt cổ” như vậy. Bởi trên thực tế, việc quản lý và giữ tài sản bảo đảm của khách hàng là quyền và nghĩa vụ của ngân hàng”, theo lời ông Minh.
Ông Minh đặt câu hỏi: Phải chăng Techcombank và Techcombank AMC đã lợi dụng sự ngây thơ, thiếu hiểu biết của gia đình tôi về hoạt động tín dụng để “bày binh bố trận, hợp tác ăn ý, giăng lưới, dụ khách hàng sập bẫy và buộc phải nộp các khoản tiền bất hợp lý cho họ?”.
Lãi chồng lên lãi, phí chồng lên phí
Sau khi hoàn tất quá trình vay vốn ngân hàng, gia đình ông Minh rơi vào tình cảnh “lãi chồng lãi, phí chồng phí”. Theo ông Minh: Thứ nhất, trên giấy tờ, Techcombank chi nhánh Thăng Long giải ngân cho ông Minh số tiền 900 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền còn lại gia đình nhận được hơn 800 triệu đồng, do phải đóng ngay lập tức 39,6 triệu đồng khoản phí và thuế VAT cho dịch vụ quản lý tài sản 1 năm đầu tiên cho Techcombank AMC.
Thứ hai, thời điểm năm 2011, mức lãi suất khoản vay 900 triệu đồng mà Techcombank chi nhánh Thăng Long áp dụng cho trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Minh là 21%/năm. Đây là mức lãi suất cao ngất ngưởng mà khách hàng phải trả để đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, từ tháng 5/2012, định kỳ 3 tháng một lần ông Minh phải nai lưng trả thêm khoản phí bảo vệ tài sản bảo đảm xấp xỉ 4,5 triệu đồng cho Techcombank AMC. Thứ ba, khi gia đình gặp khó khăn, trả nợ gốc và lãi chậm thì Techcombank áp dụng điều khoản phạt tiền (số tiền phạt đến nay đã lên tới khoảng 1 tỷ đồng).
Techcombank AMC quản lý tài sản gì, quản lý như thế nào?
Ông Minh cũng cho biết, mặc dù trên hợp đồng dịch vụ quản lý tài sản giữa ông và Techcombank có dòng chữ: “Trên cơ sở Bên A (là ông Nguyễn Văn Minh) có nhu cầu và Bên B (Techcombank AMC) đồng ý cung cấp dịch vụ, các bên cùng nhau thống nhất thảo thuận ký kết Hợp đồng dịch vụ dịch vụ quản lý tài sản”.
Nhưng thực tế, ông chỉ thế chấp sổ đỏ thửa đất 194m2 cho ngân hàng thì cần gì phải bỏ ra gần 162 triệu đồng để Techcombank AMC quản lý thay, trong khi gia đình ông đang quản lý, sử dụng và bảo vệ tài sản này không hề có khó khăn gì.
“Thử hỏi, một gia đình đang thiếu vốn làm ăn thì có ai tự nguyện bỏ ra hơn 160 triệu đồng để thụ hưởng một dịch vụ không cần thiết và vô giá trị?”, ông Minh nói.
Theo nội dung dịch vụ Hợp đồng quản lý tài sản giữa ông Nguyễn Văn Minh ký với Techcombank AMC ngày 10/5/2011, Techcombank AMC cung cấp dịch vụ quản lý tài sản cho ông Nguyễn Văn Minh gồm: kiểm tra, đánh giá hồ sơ/hiện trạng tài sản và theo dõi, kiểm tra, cập nhật thông tin về tình trạng của tài sản.
Tuy nhiên, mục 2, Điều 2 của hợp đồng: “Tài sản là (chi tiết về số lượng, diện tích, sở hữu, địa chỉ bảo quản...)” lại bị bỏ trống. Không có bất cứ thông tin mô tả nào về tài sản bảo đảm mà Techcombank AMC quản lý cho ông Nguyễn Văn Minh.
Như vậy, khi xảy ra cháy nổ, thất thoát, hư hỏng tài sản bảo đảm, gia đình ông Nguyễn Văn Minh không thể quy trách nhiệm pháp lý cho Techcombank AMC. Câu hỏi được đặt ra là, Techcombank AMC yếu kém về nghiệp vụ hay cố tình mập mờ thông tin về tài sản bảo đảm của khách hàng để dễ dàng thoái thác trách nhiệm khi có sự cố bất lợi xảy ra?.
Tại sao cả khách hàng và Techcombank AMC ký một hợp đồng trị giá lên tới gần 162 triệu đồng mà việc soạn thảo nội dung dịch vụ lại qua quýt, cẩu thả và nóng vội như vậy?
Chưa vội bàn đến tính đúng – sai về mặt pháp luật đối với nội dung của bản Hợp đồng quản lý tài sản bảo đảm giữa ông Nguyễn Văn Minh và Techcombank AMC. Nhưng, có thể khẳng định, dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo của Techcombank AMC chính là “con gà đẻ trứng vàng” giúp Techcombank... hái ra tiền từ khách hàng.
Ông Minh cho biết, do vừa phải vay vốn với lãi suất cao ngất ngưởng (21%/năm), vừa phải trả khoản phí quản lý tài sản bảo đảm quá lớn, lãi mẹ đẻ lãi con dẫn đến gia đình không còn khả năng trả nợ đúng kỳ hạn. Khoản vay của ông Nguyễn Văn Minh được Techcombank chuyển sang danh mục nợ xấu.
Bi kịch của gia đình ông Minh cũng bắt đầu từ đây. Đỉnh điểm là chiều ngày 13/5/2021, hai nhân viên của Techcombank AMC dẫn theo 5 đối tượng lạ mặt kéo đến nhà ông Nguyễn Văn Minh đòi cắm người giữ tài sản trái pháp luật, làm náo loạn cuộc sống bình yên của khu dân cư.