Thời gian qua, hàng loạt sai phạm nghiêm trọng liên quan đến quản lý, sử dụng và khai thác đất công tại nhiều địa phương đã được phản ánh và đưa ra ánh sáng. Điểm chung của những vụ việc nêu trên là đất công ở vị trí đắc địa có giá trị lớn nhưng lại được định giá thấp hơn giá trị thực, thậm chí không qua đấu giá để tư nhân thâu tóm xây dựng chung cư, văn phòng, cao ốc. Đã đến lúc, cần phải xử lý nghiêm thực trạng lũng đoạn này.
[caption id="attachment_58633" align="aligncenter" width="634"] Đất công ở các vị trí đắc địa có giá trị lớn nhưng lại được định giá thấp, thậm chí không qua đấu giá.[/caption]
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, tại Thành phố Hà Nội khi di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô theo chủ trương của Chính phủ được triển khai đã “lộ” ra nhiều quỹ đất vàng ở những vị trí đắc địa thuộc doanh nghiệp Nhà nước quản lý.
Tuy nhiên, sau khi các nhà máy, xí nghiệp được di dời, trên chính những mảnh đất đó lại “mọc” lên các tòa chung cư, cao ốc, văn phòng mà không thông qua đấu thầu, đấu giá. Điều này không chỉ gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng giao thông, dân cư của khu vực.
Cũng bởi những bất cập trên, Thanh tra Chính phủ đã từng chỉ rõ những vấn đề tồn tại của một loạt các dự án chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội (giai đoạn 2003 - 2016).
Trong đó có chỉ ra việc UBND Thành phố Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể nên các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất đầu tư dự án kinh doanh, xác định giá trị lợi thế thương mại chưa sát với thị trường. Một số doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư nên số tiền thu về cho ngân sách thấp, gây thất thoát lãng phí trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa.
Nhìn nhận vấn đề trên, giới chuyên môn cho rằng, cần phải công bố, công khai quy hoạch phát triển các quỹ đất trống cho nhân dân nắm rõ để họ cùng giám sát quá trình thực hiện dự án. Đồng thời, cần đấu giá công khai minh bạch các khu đất sau khi di dời. Mặt khác, về nguyên tắc thì chủ khu đất nào sau khi di dời cũng mong muốn được biến thành khu đất có giá trị tốt, có thể xây chung cư, nhà cao tầng… nhưng phải xem xét có phù hợp với quy hoạch hạ tầng giao thông, dân cư hay không thì mới có thể triển khai thực hiện.
Cũng có ý kiến cho rằng, cần phải có chế tài, cơ chế giám sát việc ban hành các quyết định giao đất, định giá đất thực hiện các dự án quan trọng tại các địa phương để đất vàng không rơi vào tay các công ty tư nhân.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, để xử lý nghiêm tình trạng “biến” đất công thành chung cư, cao ốc không qua đấu giá, đấu thầu thì các cấp chính quyền các địa phương và cơ quan chủ quản của các đơn vị có đất phải vào cuộc quyết liệt.
“Có những doanh nghiệp trụ sở ở Hà Nội nhưng họ lại có đất đai ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước nên khi doanh nghiệp họ tiến hành làm các thủ tục chuyển đổi dự án, chuyển đổi mục đích thì chính quyền địa phương sẽ nắm rất rõ. Do đó, chính quyền phải quyết liệt, cương quyết kiểm tra, giám sát theo Luật để hạn chế những vi phạm, sai phạm” – ông Điệp phân tích.
Cũng theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, khi đưa sang kinh doanh thương mại, xây dựng chung cư, cao ốc trên những mảnh đất công ở vị trí đắc địa thì nhất quyết phải đấu giá theo đúng quy định, công khai, minh bạch. Nếu trường hợp phát hiện vi phạm cần phải quyết liệt, truy đến cùng trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, chính quyền, từng bộ phận thực hiện.