Cần làm rõ dấu hiệu trốn thuế trong vụ chuyển nhượng 9.000m2 đất được cho liên quan đến vợ lãnh đạo tỉnh Bình Dương

25/06/2020 11:45

Báo chí rộ lên thông tin khu đất có diện tích 9.000m2 kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn thực tế nhằm hành vi trốn thuế và những lùm xùm quanh việc xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ sông… liên quan đến vợ một lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Báo chí rộ lên thông tin khu đất có diện tích 9.000m2 kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn thực tế nhằm hành vi trốn thuế và những lùm xùm quanh việc xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ sông… liên quan đến vợ một lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Khu nhà vườn 0,9ha của bà Hoa nhìn từ trên cao cho thấy có nhiều công trình xây dựng (Hình chụp đầu tháng 6/2020). Ảnh PLVN

Định giá thấp để trốn thuế?

Trên tờ Pháp luật Việt Nam phản ánh, khu đất 9.000m2 trên thuộc tờ bản đồ số 29, số thửa mới 638 (được tách từ thửa 629). Ngày 10/8/2016, bà Phạm Mai Hoa (SN 1966, CMND số 280933894 cấp ngày 8/11/2011 tại Công an Bình Dương; HKTT số 134/4, đường 30/4, khu 2, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một) nhận chuyển nhượng diện tích này.

Bà Hoa nguyên là cán bộ Tỉnh đoàn Bình Dương, Giám đốc Nhà Thiếu nhi, sau đó nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 01/3/2017.

Trước khi bà Hoa nhận chuyển nhượng, theo giấy tờ cũ, khu đất có 441m2 thuộc hành lang an toàn đê bao, 2.250m2 thuộc hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, diện tích còn lại 6.309m2.

9.000m2 đất nhưng giá chuyển nhượng là 100 triệu đồng?

Hai bên mua bán với giá rẻ bất thường; 0,9ha đất tọa lạc vị trí “nhất cận thị, nhị cận giang” nhưng giao dịch chỉ 100 triệu đồng. Trong khi đó theo giá thị trường, không loại trừ khu đất từ thời điểm 2016 phải có giá cao hơn rất nhiều.

Vì sao bà Hoa lại mua được khu đất với giá rẻ như vậy? Đây là một giao dịch “đặc quyền”, hay hai bên không trung thực trong khai báo số tiền giao dịch thực tế để trốn thuế?.

Hơn tháng sau, ngày 19/9/2016, bà Hoa được cấp giấy chứng nhận số CĐ689694, toàn bộ 9.000m2 được ghi mục đích sử dụng: Trồng cây lâu năm; thời hạn sử dụng: Đến tháng 12/2040.

Điều khác thường ở chỗ trong sổ đỏ này có ghi chú: “Thửa đất có 2.250m2 đất CLN (cây lâu năm-NV) thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình sông Sài Gòn; 441m2 đất CLN thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình đường đê bao”.

Điều 11 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về thể hiện nội dung tại điểm ghi chú trên sổ đỏ như sau: “Trường hợp thửa đất hoặc một phần thửa đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình đã được công bố, cắm mốc thì ghi “Thửa đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình… (ghi tên của công trình có hành lang bảo vệ)”; hoặc ghi “Thửa đất có… m2 đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình…” đối với trường hợp một phần thửa đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình”.

Như vậy, đã là đất “hành lang bảo vệ an toàn công trình sông, hành lang bảo vệ an toàn công trình đường đê bao”, mà lại còn ghi thêm đất này là đất trồng cây lâu năm, chức năng “2 trong 1”; là dấu hiệu sai quy định.

Nghi vấn xây dựng lấn chiếm lòng sông

Trên tờ Kinh tế nông thôn phản ánh, theo đơn thư của người dân, từ 8/2016 đến nay, sau khi mua khu đất nông nghiệp trồng cây lâu năm ven sông Sài Gòn (thuộc ấp Phú Thuận, xã Phú An, Thị Xã Bến Cát), bà Phạm Mai Hoa (sinh năm 1966, hộ khẩu thường trú tại 134/4 đường 30/4, khu 2, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một) đã tự ý cho đổ đất đá san lấp, lấn ra tận mép bờ sông Sài Gòn với diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông.

Đã là đất “hành lang bảo vệ an toàn công trình sông, hành lang bảo vệ an toàn công trình đường đê bao”, mà lại còn ghi thêm đất này là đất trồng cây lâu năm, chức năng “2 trong 1”; là dấu hiệu sai quy định.

Đồng thời cho kè và xây dựng hệ tường rào kiên cố, đóng cọc bê tông nổi để xây dựng nhiều hạng mục như: nhà thủy tạ, cầu tàu và các công trình kiên cố khác (theo kiểu khu nghỉ dưỡng)…

Cũng trên tờ Kinh tế nông thôn, người dân cho biết, bà Phạm Mai Hoa là vợ lãnh đạo tỉnh Bình Dương nên mới lấn sông, xây dựng được công trình “khủng” như thế (?!).

Chính vì không thấy cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý công trình vi phạm của bà Phạm Mai Hoa, nên tại khu vực giáp ranh giữa sông Thị Tính, sông Sài Sòn, người  dân đua nhau xây dựng công trình khủng như: phim trường Limli ở ấp Phú Thứ, xã Phú An; nhà hàng hạng sang Rạch Mít ở xã An Tây thuộc TX Bến Cát… Mặc dù nhiều trường hợp bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính, nhưng chưa cưỡng chế, tháo dỡ nên tình trạng dân xây dựng lấn ra hành lang an toàn đường sông ngày càng nhiều, khiến cho dư luận bức xúc.

Liệu có bao che?

Cũng trên tờ Pháp luật Việt Nam, trong Văn bản số 108/BC-UBND của UBND TX. Bến Cát (Bình Dương) đã nêu đích danh chủ sử dụng 9.000m2 này là bà Phạm Mai Hoa. Báo cáo số 108/BC-UBND cho rằng trên khu đất bà Hoa, “công trình xây dựng không vi phạm hành lang an toàn sông Sài Gòn”. Tuy nhiên, hình ảnh từ trên cao và từ dưới mặt sông ghi nhận, tại khu đất này, chiếm hành lang an toàn sông Sài Gòn là cả trăm mét bờ sông đã được kè bằng bê tông kiên cố, dựng hàng rào có chăng thép gai B40, có cả cổng đi ra mặt sông dạng dành cho bến du thuyền…

Phản hồi trên Báo Bình Dương, bà Phạm Mai Hoa cho biết: “Hình ảnh được đăng trên một số phương tiện thông tin phản ánh không phải là công trình trên đất của tôi; việc xây dựng công trình trên đất của tôi là hoàn toàn nằm ngoài phạm vi hành lang bảo vệ an toàn sông Sài Gòn. Khi xây dựng công trình trên đất, tôi đều có xin phép chính quyền địa phương theo quy định. Trên đất của tôi hiện tại chỉ có căn nhà gỗ được xây dựng để làm nơi ở, sinh hoạt của tôi, người làm vườn, nằm trên phần diện tích đất ở đã được chuyển mục đích sử dụng đất, hoàn toàn không có cái gọi là “tổ hợp công trình” như các thông tin, dư luận đã nêu. Những thông tin dư luận phản ánh vừa qua về khu đất trên của tôi đã gây ra sự hiểu nhầm, tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và gia đình tôi và hình ảnh của tỉnh Bình Dương”.

Nhiều tờ báo phản ánh, lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương đều có dấu hiệu né tránh trả lời vì… “rất tế nhị”.

Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Phú An thông tin trên tờ Kinh tế nông thôn là do mình mới nhận chức nên chưa được bàn giao đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, thế nên chưa nắm rõ được công trình vi phạm nói trên. Đồng thời sẽ cho cán bộ phòng ban liên quan thu thập tài liệu và trả lời cho báo chí sau. Còn ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND TX. Bến Cát đề nghị báo chí làm văn bản (nội dung làm việc) để UBND thị xã trả lời cụ thể.

Trước những thông tin trốn thuế trong chuyển nhượng đất đai và nghi vấn xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, thiết nghĩ lãnh đạo tỉnh Bình Dương cần sớm thành lập đoàn thanh kiểm tra, làm rõ và thông báo kết quả minh bạch cho người dân và báo chí được biết.

Điều 7, Luật Đê điều, các hành vi bị nghiêm cấm:– Phá hoại đê điều.

– Nổ, phá gây nguy hại đến thân đê, trừ trường hợp khẩn cấp được người có thẩm quyền quy định tại Điều 34 của Luật này quyết định nổ, phá nhằm phân lũ, làm chậm lũ để hộ đê.

– Vận hành trái quy chuẩn kỹ thuật đối với công trình phân lũ, làm chậm lũ, cống qua đê, công trình tràn sự cố, cửa khẩu qua đê, trạm bơm, âu thuyền trong phạm vi bảo vệ đê điều.

– Vận hành hồ chứa nước thượng lưu trái quy chuẩn kỹ thuật gây ảnh hưởng đến đê điều.

– Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt.

– Sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; sử dụng xe cơ giới đi trên đê khi có biển cấm trong trường hợp đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão, trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa.

– Đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông; để vật liệu trên đê, trừ vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.

– Chiếm dụng, sử dụng hoặc di chuyển trái phép vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.

– Phá hoại cây chắn sóng bảo vệ đê, trừ trường hợp khai thác cây chắn sóng quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này.

– Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác; đào ao, giếng trong phạm vi bảo vệ đê điều và các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ.

– Sử dụng sai mục đích ngân sách đầu tư cho xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa và bảo vệ đê điều.

 

Tội trốn thuế:

Khoản 5 Điều 108 Luật Quản lý thuế quy định hành vi trốn thuế là “Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn”. Như vậy, đối với một tài sản nhưng các bên ký nhiều hợp đồng (hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng, văn bản thỏa thuận…) với số tiền khác nhau, sau đó sử dụng hợp đồng giá thấp để khai thuế, mà cơ quan nhà nước có chứng cứ xác định hợp đồng đó không trung thực thì trường hợp này được xem là tài liệu không hợp pháp.

Theo quy định điều 200 Bộ Luật hình sự 2015 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự thì cá nhân có các hành vi (9 hành vi theo quy định khoản 1) nhằm trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc từng bị kết án về tội này… thì bị phạt tiền từ 100 triệu – 500 triệu đồng hoặc bị kết án từ 3 tháng đến 1 năm tù.

Cá nhân trốn thuế mức cao nhất có thể bị phạt tiền đến 4,5 tỉ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.

Nếu cá nhân vi phạm trốn thuế lần đầu với số tiền chưa đến 100 triệu đồng thì bị xử phạt hành chính.

Minh Hải – An Bình/Theo Sức khỏe 24h

 

Bạn đang đọc bài viết "Cần làm rõ dấu hiệu trốn thuế trong vụ chuyển nhượng 9.000m2 đất được cho liên quan đến vợ lãnh đạo tỉnh Bình Dương" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.