Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hầu hết các công trình xây dựng trong vùng lõi di sản Tràng An (Ninh Bình) của Công ty CP dịch vụ thương mại và du lịch Doanh Sinh đều vượt phép, thậm chí có công trình vượt phép gấp nhiều lần.
Công trình "khủng" được xây dựng vượt phép tại khu vực Thung Nham (thuộc thôn Hải Nham, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), nơi Công ty CP dịch vụ thương mại và du lịch Doanh Sinh do ông Phạm Công Chất làm Chủ tịch HĐQT, cũng là người được UBND tỉnh Ninh Bình cho thuê đất, đã và đang xâm hại nghiêm trọng di sản Tràng An.
Clip Công trình "khủng" xây dựng vượt phép xâm hại di sản danh thắng Tràng An
Theo Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình" đến năm 2030, thì di sản thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2014 này có diện tích 12.252 ha thuộc các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Tam Điệp và TP Ninh Bình.
Trong đó, vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi) có diện tích là 6.226 ha thuộc 12 xã của 5 huyện, TP trên, diện tích còn lại là vùng đệm. Tại huyện Hoa Lư có 6 xã nằm trong vùng lõi, trong đó có xã Ninh Hải. Theo Quyết định của Thủ tướng, vùng lõi di sản Tràng An được phân thành vùng cấm và hạn chế xây dựng (kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt), trong khu vực này sẽ không cho kinh doanh dịch vụ và các hoạt động lưu trú.
Thế nhưng, tại khu vực Thung Nham, những hình ảnh mà phóng viên ghi lại cho thấy di sản Tràng An đang bị xâm hại nghiêm trọng đến mức nào. Một vùng non nước hữu tình chỉ có núi rừng, cỏ cây, sông nước ngày nào giờ dày đặc các công trình vui chơi giải trí, ăn nghỉ.
Đặc biệt, gần đây nhất, Công ty Doanh Sinh tiếp tục cho xây dựng thêm hàng loạt công trình, trong đó có nhiều công trình xây dựng vượt phép, thậm chí vượt phép gấp nhiều lần, sai vị trí khiến nơi đây mất dần đi vẻ đẹp nguyên sơ vốn có, vẻ đẹp mà Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014.
Hàng loạt công trình đang được Công ty Doanh Sinh rầm rộ cho xây dựng trong vũng lõi di sản Tràng An - là vùng cấm và hạn chế xây dựng theo Quyết định 230 của Thủ tướng
Qua hình ảnh cho thấy ngoài những công trình đang xây dựng thì có hàng loạt các công trình khác đã đưa vào khai thác du lịch khiến vùng non nước hữu tình "ngộp thở"
Hai trong số các công trình đã được UBND huyện Hoa Lư kiểm tra và phát hiện xây dựng vượt phép theo Quyết định cấp phép xây dựng của Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình
Đây là cụm nhà nghỉ 2 tầng số hiệu 25, diện tích xây dựng thực tế 1.990 m2 (đã xây dựng xong tầng hầm, đang làm thép sàn mái tầng 1), vượt tới 1.390 m2 diện tích được cấp phép
Đại công trường này đã san ủi, "đào xới" nhiều diện tích đất rừng trong vùng lõi Tràng An
Điều đáng nói, những công trình này ngang nhiên xây dựng xâm hại di sản Tràng An trong một thời gian dài thì lực lượng chức năng mới vào cuộc kiểm tra
Đại đa số các công trình đã được đổ móng bêtông, dựng cốt thép để đổ mái, đổ tầng
Ông Bùi Duy Quang, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư, thừa nhận những công trình này đã xây dựng vượt phép, tức tăng diện tích lớn hơn so với Quyết định được cấp có thẩm quyền cấp phép
Những khối bê tông cốt thép mọc lên sừng sững giữa vùng lõi di sản, dù cho vùng này đã được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt
Lý giải về những công trình xây vượt phép này, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư phân trần do đơn vị chưa kịp xuất trình giấy phép xây dựng
Dù đã bị yêu cầu dừng hoạt động nhưng Công ty Doanh Sinh vẫn không chấp hành, vẫn cho xe đổ đất san mặt bằng và cho người làm việc trên các công trình này
Trong quá trình xâm nhập ghi nhận thực tế tại đây, phóng viên luôn có khoảng 3-4 người bám theo
Công ty Doanh Sinh xây dựng các công trình vượt phép trong vùng lõi di sản, thế nhưng điều khó hiểu là UBND huyện Hoa Lư lại để công ty này xin hồ sơ để hợp thức hóa sai phạm