Các dự án của Tập đoàn Nam Cường liên tục bị "tuýt còi"

08/06/2022 14:16

Tập đoàn Nam Cường là cái tên liên tục bị cơ quan chức năng từ Thanh tra Bộ Xây dựng, Kiểm toán nhà nước,… đến Thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhắc đến trong các kiến nghị xử lý vi phạm thời gian qua.

2021032612080714toa-van-phong-nam-cuong1-1654672481.jpg

Dự án chậm tiến độ, chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính,... nhiều dự án của Tập đoàn Nam Cường bị cơ quan chức năng 'tuýt còi' thời gian qua.

Thanh tra Bộ Xây dựng nhắc tên vì “quên” đầu tư

Vừa qua, thanh tra Bộ Xây dựng vừa ban hành kết luận thanh tra số 39 về việc thanh tra Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, và loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan đến quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, TP. Hà Nội.

Theo Kết luận Thanh tra nói trên, Công ty CP Tập đoàn Nam Cường được “nhắc tên” liên quan đến việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xay dựng dự án không đảm bảo đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng, không đúng tiến độ, vi phạm khoản 3, điều 65, Luật Quy hoạch đô thị 2009, dẫn đến không đảm bảo về môi trường, kiến trúc, cảnh quan và đời sống cư dân đô thị.

Cụ thể, trong khi diện tích xây xanh, các công trình hạ tầng xã hội theo quy hoạch đã thiếu so với quy chuẩn tại đồ án Quy hoạch xây dựng, Tổng mặt bằng, phương án kiến trúc được phê duyệt thì phần diện tích cây xanh (ô 03-CXTP) thuộc dự án Khu đô thị mới Phùng Khoang được giao cho Công ty CP tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư lại “quên” chưa được đầu tư.

Kiểm toán nhà nước đề nghị xử lý tài chính hàng nghìn tỷ đồng

Tại dự án Khu đô thị mới Dương Nội do Công ty CP Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư, vào năm 2018, dự án này đã bị Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý tài chính số tiền trên 1.324 tỷ đồng.

phan-doi-cdt-nam-cuong-1654672482.jpg

 Cư dân "bao vây" tư gia Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường Lê Thị Thúy Ngà tại Khu đô thị mới Dương Nội (ảnh Int).

Cụ thể, tại văn bản số 576/KTNN-TH ngày 2/6/2020 của Kiểm toán Nhà nước phúc đáp công văn của Văn phòng Chính phủ yêu cầu cho ý kiến đối với Báo cáo của UBND TP. Hà Nội báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về kết quả kiểm tra đơn tố cáo vi phạm đất đai, xây dựng, thực hiện dự án trên địa bàn phường Dương Nội, (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), Kiểm toán Nhà nước cho biết vào năm 2018 đơn vị này đã kiến nghị xử lý tài chính số tiền hơn 1.324 tỷ đồng tại dự án Khu đô thị mới Dương Nội (theo Báo cáo Kiểm toán phát hành kèm theo Công văn số 808/KTNN-TH ngày 27/12/2018).

Trong đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị thu hồi hơn 718 tỷ đồng do: Nguồn kinh phí được để lại tính trừ tiền sử dụng đất sai suất đầu tư, cộng sai số học và thực tế không thực hiện.

Theo Kiểm toán Nhà nước, kết quả kiểm tra cho thấy đơn vị đã thực hiện nộp đủ số tiền nói trên.

Tuy nhiên đối với số tiền hơn 606 tỷ đồng kiến nghị xử lý tài chính khác đã được Kiểm toán Nhà nước nêu rõ tại Báo cáo kèm theo Công văn số 808/KTNN-TH nói trên, đến thời điểm ban hành Báo cáo số 138/BC-UBND ngày 27/5/2021, UBND TP. Hà Nội thông tin Tập đoàn Nam Cường vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với số tiền hơn 606 tỷ đồng này.

Trước đó, từ tháng 8/2020, Phó Thủ tưởng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có đề nghị UBND TP. Hà Nội khẩn trương yêu cầu Tập đoàn Nam Cường nộp tiền (tại Văn bản số 6668/VPCP-V.I ngày 12/8/2020 của Văn phòng Chính phủ)

Bên cạnh đó, cũng theo văn bản số 576/KTNN-TH của Kiểm toán Nhà nước, tính đến thời điểm ban hành văn bản (ngày 2/6/2020), việc thực hiện dự án Khu đô thị mới Dương Nội do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư đã chậm gần 5 năm so với quyết định cho phép đầu tư, còn nhiều hạng mục còn dang dở, thậm chí chưa đầu tư.

Thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường gọi tên vì “treo” dự án

Là doanh nghiệp có nhiều hoạt động tại Hà Nội, Tập đoàn Nam Cường hiện có nhiều dự án “lọt” tầm ngắm thanh tra của các cơ quan chức năng liên quan đến việc chấp hành các quy định của nhà nước trong công tác triển khai dự án.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội vừa có quyết định thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 33 tổ chức sử dụng đất tại 11 quận, huyện thuộc TP Hà Nội.

Trong đó, Tập đoàn Nam Cường có đến 2 dự án thuộc đối tượng thanh tra gồm dự án Giao đất để xây dựng trục kinh tế (tại huyện Thạch Thất) và dự án xây dựng đường trục phát triển kinh tế Bắc Nam (tại huyện Quốc Oai).

Được biết, dự án xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam do Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội làm chủ đầu tư (trước đây dự án có tên là đường trục phát triển kinh tế xã hội bắc Nam tỉnh Hà Tây, nay là TP Hà Nội). Dự án được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) và được hoàn vốn từ dự án các khu đô thị dọc tuyến đường.

Dự án đầu tư xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc – Nam có chiều dài là 63,32km, mặt cắt ngang 42m, đi qua 6 huyện của Hà Nội, có tổng trị giá đầu tư là 7.694 tỷ đồng (theo dự toán lập từ năm 2008). Dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công xây dựng từ ngày 6/7/2008. Nhưng đến nay, dự án trên bị "lụt" tiến độ, chưa đưa vào sử dụng.

Trước thực trạng trên, một số huyện có dự án đi qua gồm: Chương Mỹ, Thạch Thất, Phúc Thọ đề nghị UBND TP xem xét giao huyện làm chủ đầu tư thực hiện các đoạn tuyến đi qua địa bàn huyện, thành phố sẽ xem xét đầu tư từ nguồn ngân sách TP giai đoạn 2021-2025.

Trước đó, TP. Hà Nội cũng đã có báo cáo về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Cụ thể, Hà Nội rà soát có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Được biết, trong đó có nhiều dự án của Tập đoàn Nam Cường.

Đáng chú ý trong các dự án nói trên, là loạt dự án của Tập đoàn Nam Cường gồm: Khu đô thị Chương Mỹ (567ha, chậm giải phóng mặt bằng); khu đô thị Cổ Nhuế (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm - chậm giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông, khớp nối hạ tầng kỹ thuật).

Ngoài ra, Hà Nội cũng kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo pháp luật với dự án xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam đoạn qua Thạch Thất, Quyết định thu hồi khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai.

Tập đoàn Nam Cường tiền thân là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp và xây dựng Xuân Thủy, được thành lập từ năm 1984. Sau nhiều năm phát triển, Tập đoàn Nam Cường lớn mạnh và được coi như một thế lực trong giới phát triển bất động sản.

Đến cuối năm 2016, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch Lê Thị Thuý Ngà góp 4.230 tỷ đồng, tương đương sở hữu 94%. 

Thực tế, nhiều năm gần đây, tình hình tài chính của Tập đoàn Nam Cường không mấy khả quan. Năm 2020, doanh thu thuần của Tập đoàn Nam Cường chỉ đạt 79 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019. Lãi ròng tụt dốc xuống mức -5,5 tỷ đồng, so mới mức lợi nhuận năm 2019 là 28,6 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Tập đoàn Nam Cường đạt hơn 6.403 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 5.039 tỷ đồng.

Theo Lê Sáng/Markettimes
Bạn đang đọc bài viết "Các dự án của Tập đoàn Nam Cường liên tục bị "tuýt còi"" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.