Nhiều doanh nghiệp đua nhau chi hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư vào các dự án du lịch tâm linh như Chùa Tam Chúc, Khu du lịch Thác Bạc – Suối Sao…
Những năm gần đây, hàng loạt dự án quần thể du lịch tâm linh đồ sộ đua nhau mọc lên tại các địa phương trên cả nước. Nếu như miền Nam có Đại Nam ở Bình Dương thì tại miền Bắc, Công ty Xây dựng của đại gia Xuân Trường đã đổ hàng chục nghìn tỷ đồng vào những đại tự như: Khu du lịch tâm linh quần thể Bái Đính – Tràng An (Ninh Bình); Khu Du lịch Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam), khu tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng), Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)…
Theo báo Giao Thông các dự án này đều do doanh nghiệp xin cấp đất từ địa phương thời hạn khai thác lên đến 70 năm. Tuy nhiên, hầu hết các khu du lịch tâm linh tại miền Bắc đã và đang có sự đan xen đầu tư giữa vốn của doanh nghiệp và vốn Nhà nước.
Năm 2006, đại gia Xuân Trường xin xây siêu dự án về văn hóa tâm linh – nghỉ dưỡng sinh thái – vui chơi giải trí khác là Tam Chúc – Ba Sao với tổng mức đầu tư 11 nghìn tỷ đồng. Tới nay, Dự án đã hoàn thành các hạng mục về cơ sở hạ tầng (đường, cống thoát nước, trồng cây…). Đây đều là những hạng mục thuộc vốn Nhà nước đầu tư, phần còn lại thực hiện do nguồn vốn xã hội hóa thì vẫn còn dang dở.
Trước đó vào năm 2004, đại gia Xuân Trường đã khởi công xây dựng Khu Du lịch Tràng An – chùa Bái Đính (Ninh Bình) trên diện tích 700ha với 20 hạng mục. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, chùa Bái Đính mới chỉ hoàn thiện được khoảng 10 hạng mục và vẫn còn hơn 10 hạng mục nữa chưa được xây dựng xong. Trước hết, đại gia Xuân Trường trực tiếp là bên B chịu trách nhiệm thi công các hạng mục công trình từ nguồn vốn ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng. Còn bên A là Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An thừa ủy quyền của UBND tỉnh Ninh Bình ký hợp đồng với doanh nghiệp.
Ngoài công ty Xuân Trường ra Công ty TNHH Phú Bình cũng tham gia hoạt động xây dựng các công trình tâm linh tại Dự án Khu du lịch Thác Bạc – Suối Sao (xã Yên Trung, Yên Bình, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội).
Từ năm 2002, Công ty TNHH Phú Bình (nay là Công ty Cổ phần du lịch KOVA) lập hồ sơ báo cáo UBND tỉnh Hòa Bình xin được đầu tư thực hiện dự án: Trồng rừng, bảo vệ rừng kết hợp khai thác du lịch sinh thái Thác Bạc (xã Yên Trung, huyện Lương Sơn, Hòa Bình). Sau khi được phê duyệt, dự án khu du lịch Thác Bạc – Suối Sao được đầu tư xây dựng từ cuối năm 2002 và cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 năm 2005 với quy mô 59,2ha, bắt đầu khai thác từ năm 2006. Sau đó, chủ đầu tư dự án đã có văn bản xin mở rộng quy mô dự án thêm khoảng 200ha.
Ngày 8/5/2008, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Văn bản số 713/UBND-ĐT đồng ý chủ trương cho phép mở rộng dự án với quy mô là 233ha và được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt nhiệm vụ chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 1406/QĐ-UBND ngày 1/7/2008. Năm 2008, xã Yên Trung, Yên Bình được tách ra khỏi tỉnh Hòa Bình và hợp nhất về TP Hà Nội. Từ đây, dự án Khu du lịch Thác Bạc – Suối Sao cùng với nhiều dự án khác bị tạm dừng thực hiện để đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
Và mới đây, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng 47,67 ha đất trồng lúa năm 2019 để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái – tâm linh Lạc Thủy (tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy), do Công ty TNHH Một thành viên Pacific – Hòa Bình làm chủ đầu tư.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 1/2020. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã đề nghị điều chỉnh tiến độ, phân theo từng giai đoạn tương ứng với 2 phân khu của dự án, do đó tiến độ hoàn thành là tháng 3/2025. Trong giai đoạn từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2022, chủ đầu tư sẽ hoàn thành phân khu I, giai đoạn từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2025 sẽ tiến hành xây dựng phân khu II.
Kiều Trang (T/h)
Theo ĐS&PL