BVTM Gangwhoo vẫn ngang nhiên hoạt động trong khi bị cấm vì xảy ra chết người

03/11/2021 08:40

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu Bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo (Bệnh viện Gangwhoo) ngưng hoạt động kể từ ngày 18/10 cho đến khi có thông báo kết luận điều tra sau sự cố nghi tai biến phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM), khiến bà N.T.N.TH. tử vong. Tuy nhiên, cơ sở này vẫn bất chấp mở cửa hoạt động, thu phí xét nghiệm và nhận thực hiện PTTM.

Kiện Bệnh viện Gangwhoo ra tòa

Như Tieudung.vn đã thông tin trước đó, ngày 16/10, bà N.T.N.TH. (50 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) đến khám và làm PTTM hút mỡ bụng tại Bệnh viện Gangwhoo (576-578 Cộng Hòa, Phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Một ngày sau, bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu với tình trạng diễn biến nặng, sau đó bị tử vong lúc 21 giờ ngày 18/10.

Sau cái chết thương tâm của bà N.T.N.TH., trao đổi với ông Bùi Ngọc Vĩnh (chồng bệnh nhân), bác sĩ Phùng Mạnh Cường – người trực tiếp thực hiện PTTM hút mỡ bụng (cũng là Giám đốc Bệnh viện Gangwhoo) khẳng định, các bác sĩ Gangwhoo đã tận tâm, tìm mọi biện pháp cứu chữa khi thấy bệnh nhân khó thở. Tuy nhiên, vì bà N.T.N.TH. bị tai biến y khoa diễn tiến rất nhanh nên không qua khỏi, dẫn đến tử vong.

“Em cũng đã quan hệ nhờ bác sĩ tốt nhất cứu chữa cho chị, chị cũng đã được dùng đến phương pháp tốt nhất là Ecmo để điều trị…Bệnh viện đã làm việc với Công An TP, đoàn Thanh tra Sở Y tế, báo cáo sự việc tai biến lên Bộ Y tế…đang chờ cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân” – bác sĩ Cường nói.

Tuy nhiên, đáp lại những lời giải thích trên, ông Vĩnh đau lòng cho biết, Bệnh viện Gangwhoo đã không thực hiện đúng quy trình sơ cứu, chuyển cấp cứu. Thậm chí, có dấu hiệu “giảm lỏng” bà N.T.N.TH. nhiều giờ liền (trong tình trạng thở máy) để tự xử lý, cuối cùng khiến bệnh nhân bị hoại tử thành bụng, phải điều trị bằng phương pháp Ecmo nhưng vẫn không qua khỏi.

“Cứu người như cứu lửa, còn nước còn tát…là phương châm của ngành y. Nhiều lần tôi tự hỏi, bác sĩ Cường đã học những điều này trước khi hành nghề y hay chưa? Tại sao khi vợ tôi nguy kịch phải thở máy, vị bác sĩ này vẫn gian dối bảo bệnh nhân đã khỏe. Rồi lại tiếp tục ngăn cản người nhà tiếp xúc với bệnh nhân, không cho bệnh nhân chuyển viện cấp cứu kịp thời. Đến khi vào Bệnh viện Chợ Rẫy, vợ tôi phải chạy Ecmo, đây là kỹ thuật tim phổi nhân tạo chỉ dành cho người sắp chết, vậy mà bác sĩ Cường lại nói là phương pháp tốt nhất, quá đau lòng cho trái tim vô cảm của vị bác sĩ này” - ông Vĩnh bức xúc.

anh-2-1635903360.jpg

Mặc dù Sở Y tế đã chỉ đạo ngừng hoạt động phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, ngày 27/10, tại Bệnh viện Gangwhoo vẫn có nhiều khách hàng đến ngồi chờ làm dịch vụ. Ảnh cắt từ clip

Liên quan đến vụ việc, ông Vĩnh cho biết thêm, ngày 26/10 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế đã mời gia đình lên làm việc. Theo đó, buổi làm việc nhằm để làm rõ thông tin sự việc, hướng dẫn giải thích các quy định pháp luật về tranh chấp trong khám chữa bệnh, theo điều 80 Luật Khám chữa bệnh.

Cụ thể, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có hỏi ông Vĩnh về việc phía Bệnh viện GangWhoo có liên hệ gia đình và thỏa thuận việc bồi thường hay không. Tuy nhiên, quan điểm của ông Vĩnh là muốn sự việc được giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật, để không còn ai phải mất mạng oan giống vợ ông. Do vậy, ông Vĩnh đã ủy quyền cho luật sư làm thủ tục đâm đơn kiện bệnh viện ra tòa án.

Trước đó, Thanh tra Sở Y tế cũng đã phối hợp Phòng Y tế Tân Bình, Công an, UBND phường 13, quận Tân Bình tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc, niêm phong các trang thiết bị y tế và hồ sơ bệnh án có liên quan tại Bệnh viện Gangwhoo, để phục vụ cho công tác điều tra. Đồng thời yêu cầu bệnh viện ngưng hoạt động kể từ 18/10 cho đến khi có thông báo kết luận điều tra vụ việc.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV báo Kinh tế & Đô thị, chỉ 1 tuần sau khi bà N.T.N.TH. tử vong, Bệnh viện Gangwhoo đã mở cửa hoạt động trở lại.

Quy trình hoạt động kỳ lạ…

anbgh-1-1635903360.jpg

Tự giới thiệu là bác sĩ, nhưng người phụ nữ tên Suri (trang phục màu xanh) không mặc áo blouse, không đeo bảng tên khi thăm khám, tư vấn cho khách hàng thực hiện PTTM. Ảnh cắt từ clip

Ngày 27/10, trong vai khách hàng có nhu cầu PTTM nâng ngực, PV đã đến trực tiếp trụ sở Bệnh viện Gangwhoo ở địa chỉ (576-578 Cộng Hoà, Phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) để được tư vấn, sử dụng dịch vụ.

Tại đây, sau khi thực hiện yêu cầu test nhanh Covid-19 (với giá 150.000 đồng/người/lần), và có kết quả âm tính, PV được hướng dẫn vào phòng riêng để được bác sĩ thăm khám và chọn loại túi ngực phù hợp.

“Các dòng túi ngực bên Gangwhoo dùng đều thông dụng trên thị trường. Tuy nhiên, bệnh viện có phương pháp làm khác so với các bệnh viện thẩm mỹ khác, nên chi phí bên chị sẽ cao hơn” - một người tự giới thiệu là bác sĩ Suri tư vấn và báo giá ca PTTM nâng ngực 80 triệu đồng. Trong đó, khách hàng phải đặt cọc trước 2 triệu đồng để thực hiện xét nghiệm, số tiền còn lại sẽ thanh toán vào tuần sau, trước khi tiến hành PTTM.

“Qua đầu tháng 11/2021, từ ngày 1-15, trong 15 ngày đó, em muốn làm ngày nào thì em cứ gọi cho chị, chị sẽ sắp lịch cho em lên làm” - bác sĩ Suri nói thêm.

anh-5-1635903493.jpg

Lấy máu xét nghiệm, đo điện tim, đo huyết áp đều được nhân viên Bệnh viện Gangwhoo thực hiện trong căn phòng này.

Được sự chỉ định của vị bác sĩ này, nhân viên Gangwhoo đưa PV lên lầu (khu vực xét nghiệm của Bệnh viện Gangwhoo) tiến hành lấy máu, đo điện tim, đo huyết áp chung trong một căn phòng và do một người phụ trách. Tuy nhiên, kỳ lạ là các nhân viên tại Gangwhoo đều không mang bảng tên trong quá trình làm việc. Lạ hơn nữa là sau khi lấy máu cho PV, người phụ nữ tên Hoa (không biết là y tá, điều dưỡng, hay kỹ thuật viên) thông báo sẽ chủ động gọi điện báo kết quả, chứ khách hàng không được đem giấy kết quả xét nghiệm của mình về nhà.

Đến ngày 28/10, PV liên hệ bác sĩ Suri (qua số điện thoại 0908…978) để hỏi kết quả xét nghiệm máu, thì được thông báo kết quả bình thường, có thể thực hiện phẫu thuật. Song, giấy trả kết quả xét nghiệm thì chỉ được xem trực tiếp tại bệnh viện, và phải trả lại cho bệnh viện ngay sau đó.

“Bên em là bệnh viện thẩm mỹ, chứ không phải là bệnh viện đa khoa khám chữa bệnh. Nên việc xét nghiệm máu chỉ để phục vụ cho việc làm thẩm mỹ, khách hàng chỉ được xem không được lấy. Đây là quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế và Giám đốc bên em” – bác sĩ Suri nói.

Tuy nhiên, dù khẳng định chắc nịch là vậy, nhưng khi thấy PV tỏ ý nghi ngờ về hoạt động thẩm mỹ tại Gangwhoo, thì nữ bác sĩ ngay lập tức gửi kết quả xét nghiệm cho PV.

anh-4-1635903493.jpg

Người chỉ định cho PV lấy máu xét nghiệm là bác sĩ Suri, nhưng trên giấy trả kết quả lại là bác sĩ Phùng Thị Thanh Tuyền. Kỹ thuật viên lấy máu tự giới thiệu với PV là tên Hoa, nhưng người ký CNXN là Hồ Kim Loan.

Ngoài ra, bác sĩ Suri còn chủ động nhắn tin cho biết, ngày 26/10, Bệnh viện Gangwhoo đã thực hiện PTTM nâng ngực cho một người phụ nữ, đồng thời gửi kèm hình ảnh qua cho PV xem để gia tăng sự tin tưởng.

Như vậy, có thể thấy, dù đã bị Sở Y tế đình chỉ hoạt động, Bệnh viện Gangwhoo vẫn lén lút hoạt động, tư vấn, xét nghiệm, nhận khách có nhu cầu PTTM. Nếu không may xảy ra một ca tai biến khác tại Bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo trong thời gian này thì trách nhiệm sẽ thuộc về đơn vị nào?

Theo tìm hiểu của PV, từ khi được Bộ Y tế cấp phép hoạt động là bệnh viện thẩm mỹ, Công ty Cổ phần Bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo đã trải qua 2 lần đăng ký thông tin doanh nghiệp. Trong đó, lần mới nhất là vào ngày 14/11/2019, với 15 ngành nghề được Gangwhoo đăng ký kinh doanh.

Vậy, với hoạt động của bệnh viện chuyên khoa như: chuyên khoa ngoại chung, chuyên khoa PTTM, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ..có được thực hiện tại trụ sở của Bệnh viện Gangwhoo hay không?

Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin ở bài sau.

Theo Tiểu Thúy - Kim Thy/Tiêu Dùng

Bạn đang đọc bài viết "BVTM Gangwhoo vẫn ngang nhiên hoạt động trong khi bị cấm vì xảy ra chết người" tại chuyên mục Y tế - Giáo dục. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.