Bức tranh tài chính tập đoàn xây dựng Coteccons thế nào?

03/11/2023 10:04

Đây là quý đầu tiên mà Coteccons thay đổi niên độ tài chính kể từ khi niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM vào năm 2010.

Qua đó, năm tài chính 2024 sẽ tính đầy đủ trên 12 tháng, từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024.

Kinh doanh thăng hoa

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 (niên độ tài chính mới từ 1/7/2023 và kết thúc vào 30/6/2024) vừa được công bố mới đây, Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã: CTD) ghi nhận doanh thu thuần trong kỳ đạt gần 4.124 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ. Doanh thu chính chủ yếu đến từ hợp đồng xây dựng với hơn 4.116 tỳ đồng.

Cùng đó, giá vốn hàng bán có mức tăng nhẹ hơn nên sau khấu trừ, Coteccons báo lãi gộp 100 tỷ đồng, cao gấp 3 lần con số cùng kỳ niên độ trước (1/7 - 30/9/2022). Song song đó, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng 22%, lên hơn 101 tỷ đồng. Nguồn thu tài chính tăng chủ yếu là lãi tiền gửi ngân hàng, lãi chậm thanh toán và lãi từ đầu tư chứng khoán.

Trong kỳ, Coteccons tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động; chi phí tài chính ghi nhận ở mức 32 tỷ đồng, giảm 27%, chủ yếu do giảm trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư. Do đó, kết thúc quý I/2024, “ông lớn” ngành xây dựng này thu về gần 67 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cải thiện mạnh so với khoản lỗ hơn 3,5 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Đây là quý có lãi cao nhất trong 11 quý (kể từ quý I/2021).

buc-tranh-tai-chinh-tap-doan-xay-dung-coteccons-the-nao-1698980591.jpg

Lỗ chứng khoán hơn 15 tỷ, bức tranh tài chính Coteccons thế nào? (ảnh minh họa: Internet). 

Giải trình biến động lợi nhuận, Coteccons cho biết doanh thu tăng tác động lợi nhuận tăng. Bên cạnh đó, do chính sách trích lập dự phòng đối với các dự án rủi ro mà ban lãnh đạo đã chủ động thực hiện từ năm trước, đã làm giảm nhẹ được tác động của các biến động về chi phí nhân công, nguyên vật liệu xây dựng và các yếu tố vĩ mô lên chi phí giá vốn trong kỳ.

Coteccons vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên vào giữa tháng 10/2023. Kế hoạch niên độ tài chính 2024 (từ 1/7/2023 đến 30/6/2024) với 17.793 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và lãi sau thuế đạt 274 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch cả năm, sau quý I/2024, Coteccons đã thực hiện được 23% chỉ tiêu về doanh thu và 24% chỉ tiêu lãi sau thuế.

Sở hữu 14,43% vốn tại Ricons hậu "đấu tố"

Tính đến thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của Coteccons ghi nhận gần 20.551 tỷ đồng, giảm 4% (tương đương giảm 825 tỷ đồng) so với đầu năm. Hơn một nửa tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn, với gần 11.280 tỷ đồng, chủ yếu là từ khách hàng. Trong đó, doanh nghiệp đã phải trích lập dự phòng nợ xấu 1.195 tỷ đồng.

Tương tự, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 15% về gần 1.854 tỷ đồng tại cuối tháng 9/2023, bao gồm hơn 1.632 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, gần 237 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh. Đáng chú ý, Coteccons nắm tới gần 2.225 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng 18% so với hồi đầu năm. Trong đó, có 1.445 tỷ đồng là tiền gửi tại ngân hàng có thời hạn gốc không quá 3 tháng.

Mặt khác, Coteccons đang có hàng tồn kho ghi nhận ở mức 2.928 tỷ đồng, giảm 7%. Trong đó, chiếm phần lớn là chi phí các công trình dở dang gần 2.965 tỷ đồng, với dự án Ecopark CT21-22 hơn 306 tỷ đồng, còn lại là các dự án khác.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, tại ngày 30/9/2023, Coteccons có khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn với hơn 49 tỷ đồng vào chứng chỉ quỹ ETF Kim Growth VN30, hơn 28 tỷ đồng vào cổ phiếu của Công ty CP FPT (mã: FPT) và gần 7 tỷ đồng vào Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG). Ngoài ra, Coteccons có 152 tỷ đồng đầu tư vào các công ty khác. Với tổng đầu tư vào chứng khoán là 236,6 tỷ đồng, công ty trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán hơn 15 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, Coteccons còn hơn 12.212 tỷ đồng nợ phải trả, giảm 7% so với đầu năm, bao gồm nợ vay tài chính chiếm 1.133 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn. Công ty có hơn 471 tỷ đồng vay nợ từ kênh trái phiếu và các khoản còn lại là vay ngân hàng. Về vốn chủ sở hữu, tổng vốn tính đến cuối tháng 9/2023 của Coteccons đạt hơn 8.338 tỷ đồng, trong đó có gần 455 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Đặc biệt, Coteccons vẫn đang sở hữu 14,43% vốn tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons trong bối cảnh hai doanh nghiệp này đang có nhiều lùm xùm kiện tụng về việc đòi nợ. Tại ngày 30/9/2023, Coteccons có tổng cộng 1.913 nhân sự, giảm 72 người so với thời điểm ngày 30/6/2023.

Bạn đang đọc bài viết "Bức tranh tài chính tập đoàn xây dựng Coteccons thế nào?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.