Bức tranh tài chính kì lạ của Kita Group

11/01/2024 14:26

Cuối năm 2022, nợ phải trả của Kita Group lên tới 1.409 tỷ đồng, cao gấp 5,8 lần vốn chủ sở hữu. Công ty cũng lỗ lũy kế hàng chục tỷ đồng.

Mới đây, Công ty cổ phần Kita Invest, Chủ khu đô thị Stella Mega City nâng lãi suất trái phiếu lên mức khủng 13,9%/năm. Đồng thời, Kita Invest dời ngày đáo hạn trái phiếu thêm 18 tháng, từ ngày 5/11/2023 sang 05/05/2025. Trước đó, Kita Invest đã có một lần thay đổi kỳ hạn lô trái phiếu này trong tháng 5 và thay đổi kỳ hạn đối với hai lô trái phiếu khác trong tháng 7.

Không chỉ Kita Invest đang phải đối mặt với nợ nần khủng, “mẹ” – Công ty cổ phần Tập đoàn Kita Group (Kita Group) cũng có gánh nặng khổng lồ về nợ trong năm trước.

220324-v03-street-922x1024-20240105160134-1704957894.jpg

Phối cảnh dự án Stella 927 của Kita Group

Nợ tăng mạnh

Tại ngày 31/12/2022, Nợ phải trả của Kita Group lên tới 1.409 tỷ đồng, tăng 659 tỷ đồng, tương đương 87,9% so với cuối năm 2021; cao gấp 5,8 lần Vốn chủ sở hữu và chiếm 83,9% tổng nguồn vốn.

Trong đó, Phải trả ngắn hạn khác chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến 71,8% tổng Nợ phải trả (tương đương 1.011 tỷ đồng). Chỉ tiêu này tăng 372 tỷ đồng, tương đương 58,2% so với cuối năm 2021.

Ngoài ra, Kita Group còn khoản nợ đáng chú ý nữa là Vay và nợ thuê tài chính dài hạn. Hồi cuối năm 2022, chỉ tiêu này đạt 374 tỷ đồng, tăng 268 tỷ đồng, tương đương 253%.

Trong ngày 29/09/2022, Kita Group đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) – Chi nhánh Sài Gòn. Tài sản đảm bảo là nhiều tài sản liên quan đến “các bất động sản gồm toàn bộ các căn hộ từ tầng 14 đến tầng 27 thuộc Dự án Fico Tower tại địa chỉ 927 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Bách Việt làm chủ đầu tư”.

Hiện tại, Fico Tower được biết đến trên thị trường với tên gọi Stella 927 hoặc Stella Residence. Đây là dự án thứ hai mà Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) bán cho Kita, sau Khu dân cư phường Bình Thủy (Cần Thơ).

Dự án này tọa lạc ở vị trí đắc địa ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo với quy mô 2.000 m2, xây dựng 1 block cao 27 tầng, cung cấp hàng trăm căn hộ chung cư chất lượng và các căn shophouse ra thị trường.

Giá bán “tin đồn” của dự án đang là con số cao ngất ngưởng, lên đến 120 triệu đồng/m2. 

Liên tục thua lỗ, tồn kho tăng mạnh

Công ty cổ phần Tập đoàn Kita Group thành lập ngày 21/12/2018 tại 27 Lê Quý Đôn, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Ở thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Nguyễn Duy Kiên (sở hữu 60% vốn, tương đương 180 tỷ đồng), bà Đặng Thị Thùy Trang (sở hữu 39% vốn, tương đương 117 tỷ đồng) và Đặng Kim Khánh (sở hữu 1% vốn, tương đương 3 tỷ đồng). Ông Nguyễn Duy Kiên nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật công ty.

Từ ngày 3/3/2022, ông Tạ Quang Lâm nhận chuyển giao chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật công ty từ ông Nguyễn Duy Kiên. 

Dù liên tục khuếch trương tên tuổi bằng những thương vụ thâu tóm khủng nhưng Kita Group lại có bức tranh tài chính kém sắc khi doanh thu hoặc rất nhỏ, hoặc bằng 0 đồng. Kết quả là hàng tồn kho tăng cao và công ty thua lỗ triền miên.

Cụ thể, năm 2022, Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Kita Group chỉ đạt 9,9 triệu đồng. Con số này năm 2021 là 0 đồng. Các chi phí cũng rất khiêm tốn. Chi phí bán hàng là 0 đồng, chi phí tài chính là 38,7 triệu đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp lớn nhất khi đạt 9,2 tỷ đồng, tăng đáng kể so với 5,4 tỷ đồng của năm 2021.

Kết quả là Kita Group gánh 8,8 tỷ đồng lỗ sau thuế năm 2022, tăng so với con số 5,4 tỷ đồng năm 2021.

Tại ngày 31/12/2022, Kita Group ghi nhận lỗ lũy kế 28,7 tỷ đồng. Con số này cuối năm 2021 là 19,9 tỷ đồng. Vì vậy, dù vốn góp chủ sở hữu là 300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ còn hơn 271 tỷ đồng.

Mặt khác, do doanh thu rất khiêm tốn nên Kita Group chứng kiến hàng tồn kho tăng mạnh. Cuối năm 2022, chỉ tiêu này lên tới 825 tỷ đồng, tăng 479 tỷ đồng, tương đương 138% so với cuối năm 2021 và chiếm 49% tổng tài sản.

Có thể thấy, một bộ phận lớn tài sản của Kita Group nằm ở hàng tồn kho, đa số nguồn vốn của công ty nằm ở nợ. 

Bạn đang đọc bài viết "Bức tranh tài chính kì lạ của Kita Group" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.