Bức tranh tài chính của TNG Holdings nhìn từ tổng nợ trái phiếu 18.700 tỷ đồng

17/07/2023 10:46

Nhiều công ty thành viên trong hệ sinh thái TNG Holdings đang nợ nần chồng chất.

12-1689565454.jpg

Chú thích ảnh

CTCP Đầu tư TNG Holdings Việt Nam được biết là một trong những tập đoàn đa ngành nghề. Hình thành từ năm 1996, TNG Holdings đã đặt chân vào nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản, thương mại dịch vụ, tài chính, năng lượng.

Những đơn vị thành viên của TNG Holdings ở mảng bất động sản nổi bật có Bất động sản TNR Holdings, ở mảng thương mại dịch vụ nổi bật có TNS Holdings, mảng năng lượng được quản lý bởi Năng lượng TNPower, mảng khách sạn nghỉ dưỡng do TNH quản lý, mảng cho thuê văn phòng, bất động sản do TNL quản lý. Ngoài ra, mảng tài chính do TNEX thực hiện, cùng đơn vị liên kết là Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB).

Gần đây khi Petrolimex thoái vốn tại PGBank (PGB), một trong những đồn đoán về thế lực thâu tóm phía sau là TNG Holdings hoặc TC Group. Câu trả lời vẫn còn ở phía trước khi thông tin công bố chính thức vẫn chưa có.

STT Công ty thành viên trực thuộc
  CTCP Đầu tư phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam
  CTCP Đầu tư Phát triển TNI Holdings Việt Nam
  CTCP Đầu tư và cho thuê tài sản TNL
  CTCP Đầu tư và quản lý khách sạn TNH
  CTCP Thương mại dịch vụ TNS Holdings
  CTCP Hàng tiêu dùng TNC
  CTCP Đầu tư xây dựng TNCons Việt Nam
  CTCP Năng lượng TNPower
  CTCP Dịch vụ và nền tảng tài chính kỹ thuật số TNEX
  Công ty liên kết
10 Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB)

Ở mảng năng lượng, mới đây dự án LNG Quỳnh Lập – Nghi Sơn được đưa vào quy hoạch điện 8. Các dự án điện khí LNG hiện đang là mối quan tâm lớn nhất trên thị trường do quy mô đầu tư lớn, dư địa phát triển cũng lớn.

Một số dự án điện khí LNG trong quy hoạch điện 8 đã tìm được chủ đầu tư, tuy vậy nhiều dự án vẫn còn đang trong quá trình tìm kiếm. TNG Holdings được cho là một trong những doanh nghiệp đang quan tâm sâu tới lĩnh vực này.

Cùng nhìn lại bức tranh tài chính của TNG Holdings năm 2022 để xem Tập đoàn đang kinh doanh ra sao.

TNR Holdings nợ phải trả 20.000 tỷ đồng trong đó nợ trái phiếu 9.000 tỷ đồng

CTCP Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam, một thành viên của TNG Holdings, hoạt động trong mảng bất động sản, mới đây công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính từ 1/1 đến 31/12/2022.

Báo cáo ghi nhận TNR Holdings có vốn chủ sở hữu 2.116 tỷ đồng. Nợ phải trả gấp 9,46 lần vốn chủ sở hữu - một con số khổng lồ với hơn 20.000 tỷ đồng - tăng 20,8% tương ứng tăng hơn 3.400 tỷ đồng trong năm.

Trong số đó, nợ trái phiếu gấp 4,26 lần vốn chủ sở hữu, lên hơn 9.000 tỷ đồng (giảm hơn 2.800 tỷ đồng so với số đầu năm).

Nợ lớn, tình hình kinh doanh của TNR Holdings cũng không có nhiều bứt phá. Năm 2021 công ty lãi sau thuế 40,7 tỷ đồng, thì năm 2022 báo lãi tăng 34,4% lên gần 55 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 2,73%.

Chỉ tiêu Kỳ trước
(31/12/2021)
Kỳ báo cáo
(31/12/2022)
Vốn chủ sở hữu 2.061 2.116
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (lần) 8,04
(16.570 tỷ đồng)
9,46
(20.000 tỷ đồng)
Dư nợ trái phiếu (tỷ đồng) 11.871 9.000
Lợi nhuận sau thuế (tỷ đồng) 40,7 54,7

Các lô trái phiếu của TNR Holdings đều phát hành từ tháng 10 đến tháng 12/2021, có thời gian đáo hạn đến năm 2028, lãi suất huy động 10%/năm. Phần lớn (1.800 tỷ đồng) trái phiếu này đều không có tài sản đảm bảo, không kèm quyền và đều là các trái phiếu do một tổ chức duy nhất mua cho mỗi lô trái phiếu.

Mã trái phiếu Giá trị Lãi suất Ngày đáo hạn
TNRCH2128005 300.000.000.000 10%/năm 31/12/2028
TNRCH2128004 500.000.000.000 10%/năm 15/11/2028
TNRCH2128003 500.000.000.000 10%/năm 5/11/2028
TNRCH2128002 500.000.000.000 10%/năm 28/10/2028
TNRCH2128001 500.000.000.000 10%/năm 18/10/2028
  2.300.000.000.000    

Bất động sản TNR Holdings Việt Nam là một trong những thành viên chủ chốt thuộc hệ sinh thái Tập đoàn TNG Holdings. Các dự án của công ty đang triển khai có TNR Stars Diễn Châu, TNR Stars City Lục Yên, TNR Stars Bích Động, TNR Grand Palace Cao Bằng, TNR Stars Lam Sơn…

Website công ty còn cho biết những dự án sắp triển khai như TNR Stars Đông Triều, TNR Stars Ngã Bảy, TNR Stars Nho Quan, TNR Stars Bỉm Sơn, Khu tổ hợp khách sạn & Biệt thự nghỉ dưỡng Bãi Dài Nha Trang, Tổ hợp căn hộ - khách sạn – condotel Cầu Rồng Đà Nẵng…

Năng lượng TNPower nợ trái phiếu 2.300 tỷ đồng

Tại TNG Holdings, mảng năng lượng được đầu tư qua công ty thành viên CTCP Năng lượng TNPower. Website của công ty cho thấy năm 2021 TNG Power đã và đang đầu tư 20.000 tỷ đồng vào năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió tại nhiều địa phương, cũng như tại các khu công nghiệp, đô thị mà TNH Holdings Việt Nam làm chủ đầu tư.

Mở rộng kinh doanh, bức tranh tài chính của TNPower cũng ngập tràn màu sắc của nợ nần. Tính đến 31/12/2022 nợ phải trả của TNPower gấp 2,24 lần vốn chủ sở hữu, lên 2.580 tỷ đồng, giảm được hơn 1.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Dù nợ phải trả giảm, tuy vậy nợ trái phiếu lại tăng mạnh so với đầu năm. Tổng nợ trái phiếu của TNPower đến 31/12/2022 hơn 2.300 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với số dư nợ đầu năm.

Nợ nần chồng chất, TNPower kinh doanh cũng không khả quan so với quy mô doanh nghiệp. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt hơn 12 tỷ đồng, gần gấp 3 lần năm 2021. Tuy vậy tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu cũng chỉ quanh quanh (ROE) 1,05%.

Chỉ tiêu Kỳ trước
(31/12/2021)
Kỳ báo cáo
(31/12/2022)
Vốn chủ sở hữu 1.140 1.153
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (lần) 3,43
(3.910 tỷ đồng)
2,24
(2.580 tỷ đồng)
Dư nợ trái phiếu (tỷ đồng) 2.000 2.300

Cho thuê tài sản TNL nợ trái phiếu 3.800 tỷ đồng

Mảng cho thuê bất động sản của TNG Holdings do CTCP Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL quản lý. TNL là thương hiệu kinh doanh mặt bằng cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và mặt bằng bán lẻ có tiếng trên thị trường, thuộc Tập đoàn TNL Holdings Việt Nam. Website công ty cho thấy doanh nghiệp đang quản lý vận hành hàng chục cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại… tổng diện tích gần 650.000m2.

Hiện tại TNL có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn lại gần 915 tỷ đồng. Kinh doanh bết bát, nợ phải trả của TNL đang gấp 5,64 lần vốn chủ sở hữu, lên hơn 5.100 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu xấp xỉ 3.900 tỷ đồng, gấp 4,22 lần vốn chủ sở hữu. Lợi nhuận năm 2021 và 2022 đều xấp xỉ 1 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ quanh mức 0,1%.

Chỉ tiêu Kỳ trước
(31/12/2021)
Kỳ báo cáo
(31/12/2022)
Vốn chủ sở hữu 914 915
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (lần) 5,84
(5.330 tỷ đồng)
5,64
(5.160 tỷ đồng)
Dư nợ trái phiếu (tỷ đồng) 3.860 3.860
Lợi nhuận sau thuế (tỷ đồng) 0,9  

TNH (Hotels & Resorts) nợ trái phiếu 3.600 tỷ đồng

Ở mảng khách sạn và khu nghỉ dưỡng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý khách sạn TNH (TNH Hotels & Resorts) thành lập năm 2015 nhằm cung cấp những sản phẩm, dịch vụ khách sạn tới thị trường qua chuỗi khách sạn SOJO…

Cũng như một số thành viên trong hệ sinh thái TNG Holdings, TNH cũng đang chìm trong nợ nần. Tính đến 31/12/2022 vốn chủ sở hữu đạt 711 tỷ đồng, thì nợ phải trả đã gấp 9,4 lần vốn chủ sở hữu, lên 6.683 tỷ đồng. Trong số đó nợ trái phiếu cũng gấp 5,1 lần lên hơn 3.600 tỷ đồng.

Nợ hàng nghìn tỷ, TNH ghi nhận kết quả kinh doanh lãi mỏng, chưa đến 1 tỷ đồng năm 2022 và chưa đến 2 tỷ đồng năm 2021.

Chỉ tiêu Kỳ trước
(31/12/2021)
Kỳ báo cáo
(31/12/2022)
Vốn chủ sở hữu 701 711
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (lần) 9,8
(6.860 tỷ đồng)
9,4
(6.683 tỷ đồng)
Dư nợ trái phiếu (tỷ đồng) 4.270 3.620
Lợi nhuận sau thuế (tỷ đồng) 1,6 0,6

Ở mảng ngân hàng, website công ty giới thiệu TNEX hoạt động dưới sự bảo trợ của Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB).

Hệ sinh thái TNG Holdings nợ 18.700 tỷ đồng trái phiếu

Tập đoàn TNG Holdings ngày nay tiền thân là Tập đoàn Đầu tư và phát triển Việt Nam (VID Group), hiện là một tập đoàn đa ngành nghề hoạt động trên nhiều lĩnh vực như phát triển, kinh doanh và quản lý bất động sản, cho thuê bất động sản; thương mại và dịch vụ; khách sạn – resort; năng lượng; nông nghiệp và tài chính – ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường hiện là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn TNG Holdings. Còn ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT ngân hàng MSB là chồng bà Hường. MSB chính là ngân hàng liên kết với TNG Holdings.

Bức tranh tài chính của TNG Holdings nhìn qua 4 công ty chủ chốt trong chuỗi các đơn vị thành viên cho thấy nợ nần chồng chất. Tổng nợ phải trả trên 34.400 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý là số nợ trái phiếu.

  Vốn chủ sở hữu Nợ phải trả Nợ trái phiếu
Bất động sản TNR Holdings 2.116 20.000 9.000
Năng lượng TNPower 1.153 2.582 2.300
TNH Hotels & Resorts 711 6.683 3.620
Cho thuê tài sản TNL 915 5.160 3.860
Tổng   34.425 18.780

Tính đến hết năm 2022, chỉ tính riêng 4 công ty trong hệ sinh thái TNG Holdings đã có tổng nợ phải trả hơn 34.400 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu hơn 18.700 tỷ đồng. Khối nợ lớn, tình hình kinh doanh không khả quan khi các doanh nghiệp đều báo lãi mỏng, tỷ suất lợi nhuận thấp.

Các dự án trong mảng bất động sản, năng lượng... của TNG Holdings đang ra sao?

Theo Thủy Trúc/CLCS
Bạn đang đọc bài viết "Bức tranh tài chính của TNG Holdings nhìn từ tổng nợ trái phiếu 18.700 tỷ đồng" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.