Trong quý 3/2023, một trong những thông tin nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận chính là gói “siêu thầu” trị giá 35.000 tỷ đồng tại sân bay Long Thành củaTổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
3 liên danh tham gia “cuộc đấu” tỷ đô này bao gồm Hoa Lư, Vietur và CHEC-BCEG-Vietnam Contractors. Kết quả cuối cùng, Vietur (trong đó có thành viên là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons) trở thành người thắng cuộc.
Tuy nhiên, không lâu sau khi trở thành người chiến thắng cùng Vietur ở gói thầu 35.000 tỷ đồng, Ricons hé lộ bức tranh tài chính không mấy lạc quan với quy mô nhân sự giảm 18% và dòng tiền suy yếu đi.
Quy mô nhân sự giảm mạnh
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của Ricons, tại ngày 31/12/2023, quy mô nhân sự của Ricons là 851 người, giảm 184 người, tương đương 17,8% so với cuối năm 2022. Tới quý 1/2024, Ricons giảm tiếp 9 người, quy mô nhân sự chỉ còn 839 người.
Trước đó, kể cả giữa Covid-19, Ricons vẫn duy trì quy mô nhân sự “bốn con số”. Từ các năm 2022 đến 2020, tổng số người lao động của Ricons lần lượt là 1.035 người (năm 2022), 1.078 người (năm 2021) và 1.028 người (năm 2020).
Cùng với việc mạnh tay cắt giảm nhân sự là sự đi lùi của quỹ lương ở một số bộ phận.
Trong năm 2023, chi phí nhân viên cho bộ phận quản lý doanh nghiệp giảm từ 111 tỷ đồng xuống 87,6 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 23,4 tỷ đồng (tỷ lệ giảm 21,1%). Đáng chú ý, chi phí nhân viên “cài số lùi” dù chi phí quản lý doanh nghiệp bứt phá, tăng 210 tỷ đồng, tương đương 130% so với cuối năm 2022.
Nguyên nhân của nghịch lý này là do Ricons phải dành gần 231 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi. Con số này cuối năm trước là 0 đồng.
Trong khi đó, Ricons ghi nhận một chỉ tiêu liên quan đó là hơn 250 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi. Trong đó có 231 tỷ đồng dự phòng đối với khoản phải thu của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons.
Liên quan đến nhân sự, Ricons có còn khoản phải trả các đội thi công, cán bộ nhân viên 1,4 tỷ đồng. Con số này cuối năm trước là 2,8 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn phải trả kinh phí công đoàn 561 triệu đồng.
Dòng tiền suy yếu
Với việc trúng gói thầu 35.000 tỷ đồng cùng liên danh Vietur, Ricons đã được ACV “ứng trước” một số tiền không nhỏ. Cuối năm 2023, Ricons ghi nhận 503 tỷ đồng “người mua trả tiền trước ngắn hạn” từ ACV, tăng mạnh so với con số 0 đồng của năm 2022.
Mặc dù có 503 tỷ đồng từ ACV nhưng Ricons không tránh được tình cảnh dòng tiền suy yếu và cả doanh thu và lợi nhuận cùng giảm mạnh.
Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2023 của Ricons đạt 7.575 tỷ đồng, giảm 3.809 tỷ đồng, tương đương 33,5% so với năm 2022 khiến lợi nhuận gộp giảm từ 206 tỷ đồng xuống 188 tỷ đồng.
Trong năm, Ricons nỗ lực tiết giảm chi phí, một trong số đó là cắt giảm nhân sự. Nếu không tính khoản trích lập dự phòng 231 tỷ đồng thì chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ còn 140 tỷ đồng, thấp hơn con số 161 tỷ đồng của năm 2022.
Tuy nhiên, trên thực tế, Ricons phải trích lập dự phòng 231 tỷ đồng nên kết quả là lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Ricons chỉ còn 82,7 tỷ đồng, giảm 8,3 tỷ đồng, tương đương 9,1% so với năm trước đó.
Như vậy, Ricons đang “dò đáy” lợi nhuận. Trước đó, chỉ tiêu này trong các năm 2022, 2021, 2020, 2019 và 2018 lần lượt là 91 tỷ đồng, 80,1 tỷ đồng, 251 tỷ đồng, 360 tỷ đồng và 431 tỷ đồng.
Cùng với lợi nhuận suy giảm là dòng tiền suy yếu. Tại ngày 31/12/2023, Tổng tài sản của công ty chỉ còn 7.866 tỷ đồng, giảm 328 tỷ đồng, tương đương 4% so với cuối năm trước. Đồng thời, Ricons rơi vào cảnh âm nặng dòng tiền. Lưu chuyển tiền thuần trong năm của Ricons là âm 119 tỷ đồng dù cuối năm trước là dương 508 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons thành lập ngày 27/10/2004, địa chỉ tại 96 Phan Đăng Lưu, phường 05, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh; người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Sỹ Công. Ricons là một trong số đơn vị thuộc hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương – cựu sáng lập và cựu Chủ tịch Coteccons.