Ảnh minh hoạ
Nhận định này được Bộ Xây dựng đưa ra trong báo cáo hoạt động chất vấn chuyên đề gửi tới Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội mới đây.
Giao dịch, nguồn cung suy giảm
Theo cơ quan này, sau giai đoạn tăng trưởng liên tục (từ 2014 đến 2018), thị trường bất động sản năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 có xu hướng giảm. Điều này thể hiện qua lượng giao dịch giảm hơn 40% so với năm 2018, nguồn cung dự án bất động sản giảm 10%.
Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2019, các chỉ tiêu của thị trường đều giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước: lượng giao dịch bất động sản giảm hơn 70%, nguồn cung dự án mới giảm hơn 40% so với cùng kỳ 2018.
Nguyên nhân cơ bản là do ảnh hưởng của tốc độ phát triển kinh tế vĩ mô, ách tắc trong việc cấp phép mới dự án, tín dụng bất động sản bị siết chặt và sự suy giảm của các ngành dịch vụ - du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong những tháng đầu năm 2020.
Số liệu thống kê của bộ cho thấy, tính đến hết quý 1-2020, cả nước hiện có 4.438 dự án khu đô thị và dự án nhà ở, với tổng vốn đầu tư khoảng 4,8 triệu tỉ đồng, trong đó giá trị tồn kho bất động sản khoảng 104.000 tỉ đồng.
Lượng hàng tồn kho bất động sản chủ yếu là căn hộ cao cấp, condotel (căn hộ du lịch), nhà ở tái định cư xây xa trung tâm.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, tính đến hết quý 1-2020, giá bất động sản biến động không lớn. Tại TP Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1%, căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,21%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 1,57%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 2,51%, so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,5%, trong đó căn hộ cao cấp giá tăng giá 2,75%, căn hộ trung cấp tăng giá 3,72%, căn hộ bình dân tăng giá 3,78%, so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, giá đất nền tại một số địa phương đang tăng cao, xuất hiện một số dự án không đủ cơ sở pháp lý nhưng vẫn giao dịch, mua bán.
Trước tình hình đó, nhiều tỉnh, thành phố đã tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các hành vi vi phạm, công khai thông tin quy hoạch, các khu vực, dự án chưa đủ điều kiện bán hàng để hạn chế tình trạng lừa đảo, ổn định thị trường đất đai, thị trường bất động sản.
Thừa nhà cao cấp, thiếu nhà bình dân
Về cơ cấu sản phẩm, một tình trạng không mới được Bộ Xây dựng đưa ra đánh giá, đó là thị trường nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM dù đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường.
Theo đó, nguồn cung nhà ở trung, cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Cụ thể, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20-30% thị trường tùy từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Còn nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70-80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.
Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa bất động sản, giá nhà ở không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.
Theo cách đánh giá chung hiện nay thì giá nhà ở là hợp lý nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện nay giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính gây bất ổn thị trường.
Hệ thống thông tin về thị trường bất động sản hiện nay chưa hoàn toàn đầy đủ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước về bất động sản.
Từ thực tế trên, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu tránh để tình trạng dư thừa, gây bất ổn cho thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ kiểm tra, giám sát các địa phương trọng điểm trong việc triển khai các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị, dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn, sử dụng nhiều diện tích đất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định của pháp luật.