Theo các chuyên gia, ngày thi tốt nghiệp THPT 2020 đang cận kề, Chính phủ, Bộ GD&ĐT sớm quyết định tổ chức thi để ổn định tâm lý thí sinh và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Đồng tình với đề xuất chia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 làm 2 đợt của Bộ GD&ĐT, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tình hình dịch như hiện nay khó có thể thay đổi nhiều trong những ngày tới, nên trước hết cần thống nhất Đà Nẵng và các địa phương thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng sẽ hoãn thi.
Với địa phương, các vùng chưa thực hiện giãn cách xã hội thì kỳ thi nên tổ chức theo kế hoạch. Tuy nhiên cần lưu ý đặc biệt đến các yếu tố tập trung đông người và chủ động phòng ngừa lây nhiễm, đưa vấn đề đảm bảo an toàn sức khỏe lên hàng đầu.
“Việc đánh giá chất lượng giáo dục và bảo đảm sự công bằng cũng là yếu tố rất cần thiết cho sự phát triển bền vững. Chừng nào còn có thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp này, chúng ta nên duy trì”, GS cho hay. Đây vừa quy định của pháp luật vừa là trách nhiệm và quyền lợi của học sinh. Thực tế có nhiều học sinh quan tâm đến kết quả kỳ thi để vào đại học theo nguyện vọng.
Trước băn khoăn các trường đại học khó tuyển sinh nếu thi THPT làm hai đợt, GS.TS Đức cho rằng, hiện các trường đều có cơ sở dữ liệu phân tích và dự báo số lượng thí sinh trúng tuyển cho từng địa phương. Dựa trên số liệu đó, các trường có thể tuyển sinh và để lại một số chỉ tiêu dự phòng cho các đợt thi sau. Trong trường hợp dự báo không sát, chúng ta có thể bổ sung chỉ tiêu.
Theo GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, đến thời điểm này kỳ thi tốt nghiệp không thể lùi được nữa. Vì không ai có thể đảm bảo đến tháng 9 hay tháng 10 dịch bệnh sẽ chấm dứt. Nếu kéo dài mãi thì sẽ vỡ trận năm học.
Với những tỉnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như Đà Nẵng, Quảng Nam thì nên xét tốt nghiệp, lúc này cần nêu cao tính nhân văn, nhân ái, chứ chưa nói đến sự công bằng. Còn lại các tỉnh khác đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện chống dịch thì vẫn cần tổ chức thi và có phương án giảm mật độ thí sinh tập trung quá đông tại các điểm thi.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, thời gian thi theo kế hoạch đang rất cận kề là vấn đề cấp bách và mong Chính phủ cần có quyết định ngay.
Sáng 3/8, báo cáo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp tục đề xuất tổ chức kỳ thi đúng kế hoạch đối với những nơi an toàn về dịch bệnh. Những nơi đang trong diện cách ly, chưa đảm bảo an toàn cho thí sinh thì tổ chức thi sau. Bộ sẽ có chỉ đạo các trường cao đẳng, đại học có phương án xét tuyển phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho học sinh.
Theo Bộ trưởng Nhạ, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã hoàn tất, đề thi đã gửi về các địa phương in sao. Mục tiêu của Bộ là tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn tuyệt đối không chỉ về chuyên môn mà còn cả về sức khỏe cho thí sinh, giáo viên và các lực lượng tham gia kỳ thi. Bộ GD&ĐT đã họp với các địa phương và hầu hết đã đồng ý với phương án thi chung, chỉ có 2 địa phương đề xuất dừng hoặc lùi kỳ thi.