Công ty CP Bitexco đã thế chấp quyền sử dụng đất 14 ô đất thuộc Dự án Khu đô thị Nam đường vành đai 3 (The Manor Central Park) cho ngân hàng. Đây là quỹ đất đối ứng để thực hiện dự án BT đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An.
Theo đó, tại thông báo số 11210/TB-VPĐKĐĐ-TTLT ngày 1/10, Văn phòng Đăng ký đất đai cho biết, Công ty CP Bitexco đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất thuộc Dự án Khu đô thi Nam đường Vành đai 3 giai đoạn 1 (tên thương mại là The Manor Central Park), xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, và phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.Theo đó, Công ty CP Bitexco đã thế chấp quyền sử dụng đất (để xây dựng nhà ở thấp tầng) tại ô đất 14-TM1, 14-TM2, 14-TM3, 14-TM4, 14-TM5, 14-TM6, 16TM1, 16TM2, 16TM3A, 16TM3B, 16TM3C, 16TM3D, 16TM3E, 16TM3F thuộc Dự án The Manor Central Park cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội.
Việc chủ đầu tư mang dự án đi thế chấp không còn là chuyện mới trên thị trường. Hàng loạt dự án có thế chấp ngân hàng đã được cơ quan chức năng công bố thời gian qua. Theo nhiều chuyên gia, đây là việc hết sức bình thường bởi để có nguồn tài chính xây dựng dự án, hầu như chủ đầu tư nào cũng mang dự án đi thế chấp.
Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi hiện nay đang tồn tại một thực tế là nhiều doanh nghiệp vô tư bán nhà đã thế chấp cho khách hàng mà không thực hiện giải chấp, dồn khách hàng vào cảnh dở khóc dở cười trước nỗi lo mất nhà.Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo, trước khi xuống tiền, người mua cần tự tìm hiểu kỹ về dự án và năng lực, uy tín của chủ đầu tư.
Đồng thời, để hạn chế tối đa những rủi ro mà khách hàng phải gánh chịu, cần minh bạch, công khai thông tin những dự án đang bị thế chấp. Việc công khai phải rõ ràng,chi tiết và cập nhật thường xuyên để người dân nắm rõ chứ không phải công khai một cách chung chung, chỉ nêu mỗi tên dự án.
Điều 147, Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1/7/2015 có quy định, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó.Thông tư 26/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ rõ: Chủ đầu tư được thế chấp dự án hoặc nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai trên thửa đất ở hợp pháp của mình được thế chấp nhà ở này tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho xây dựng nhà ở đó.
Tuy nhiên, theo quy định, trước khi bán căn hộ hình thành trong tương lai đã thế chấp ngân hàng, chủ đầu tư có trách nhiệm phải thực hiện giải chấp hoặc được ngân hàng có văn bản chấp thuận cho bán. Người mua nhà cần chú ý điểm này để tránh rủi ro khi mua các sản phẩm nhà ở, bất động sản.